Định vị thương hiệu sản phẩm Quảng Nam

NHẬT PHONG 30/01/2014 13:07

(Xuân Giáp Ngọ) - Khát vọng thương hiệu đã nuôi dưỡng giá trị thương phẩm, khuyến khích tinh thần kỹ nghệ, lập nghiệp và bảo tồn cơ nghiệp cho doanh nghiệp theo đuổi niềm đam mê. Nhưng con đường định vị thương hiệu sản phẩm Quảng Nam là hành trình mà  đích vẫn còn xa.

Ô tô và món ăn

Quảng Nam đã xác định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô và dự án trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Ô tô Trường Hải là động lực. Đó là kết quả của sự hợp tác “thủy chung” giữa đôi bên. Năm 2003, Chu Lai khởi sự. Không ít nhà đầu tư đến rồi đi thì Trường Hải âm thầm “tự mình làm một cuộc cách mạng” thành công nhất trong tất cả dự án đang đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai trong vòng 10 năm qua, dù chỉ là một dự án đầu tư nội địa. Khu công nghiệp phức hợp Trường Hải có đầy đủ hệ thống sản xuất, dịch vụ hỗ trợ đi kèm với đa dạng chủng loại sản phẩm và một hệ thống vận chuyển đường bộ với trung tâm giao nhận vận chuyển, đường thủy với cảng chuyên dụng Tam Hiệp nối các tuyến trong nước, quốc tế (Trung Quốc, Hồng Kông…). Thaco là công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất đủ các dòng xe tải, xe bus và xe du lịch. Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thaco nói, Thaco có đủ điều kiện và khả năng để đầu tư dự án lớn, xuất khẩu thuận lợi sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar bằng đường bộ và đường thủy. Trường Hải đang thay đổi chiến lược phát triển để kịp hội nhập AFTA. Viễn tượng một ngày sẽ có những chuyến hàng ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam xuất khẩu sang khu vực AFTA đã thắp lên ngọn lửa hy vọng định vị thương hiệu sản phẩm từ Quảng Nam.

Hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cải tiến được xem là sẽ  định danh cho thương hiệu sản phẩm Quảng Nam.
Hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cải tiến được xem là sẽ định danh cho thương hiệu sản phẩm Quảng Nam.

Nếu ô tô là đại diện thương hiệu cho dòng sản phẩm công nghiệp thì món mỳ Quảng và cao lầu Hội An được đứng vào “căn nhà ẩm thực đặc sắc” châu Á năm 2012 - 2013 đã tôn vinh bản sắc văn hóa ẩm thực Quảng Nam. Món ăn đặc biệt chỉ được “chính danh” ở vùng đất này vì có đủ “âm dương, ngũ hành” trong cân đối dinh dưỡng, với âm thanh, màu sắc riêng, thể hiện giá trị văn hóa lâu đời của người gieo trồng trên đất khó. Mỗi thứ dụng cụ, gia vị cho thấy sự tích lũy kinh nghiệm, sự sáng tạo để thích nghi với mùa vụ và tính khí khắc nghiệt của trời đất, đã góp phần đưa hình ảnh Quảng Nam “lung linh, hấp dẫn” hơn trong mắt người.

Tơ tằm Quảng Nam một thời vang bóng.
Tơ tằm Quảng Nam một thời vang bóng.

Con đường vạn dặm

Những sản phẩm định vị thương hiệu thời nay chỉ thỏa mãn phần nào khát vọng thương hiệu Quảng Nam. Không ít bậc cao niên xứ Quảng vẫn kể cho con cháu nghe về một làng lụa Mã Châu đã từng tham gia hội chợ đấu xảo làng nghề tại Mác Xây (Pháp) hồi những năm đầu của thế kỷ 20 với chút luyến tiếc xót xa khi ngậm ngùi ngàn dâu ngút mắt ven sông và “bến đò tơ” xưa cũ đã mất. Ngày ấy, có những phiên chợ lụa mỗi sáng ở Đông Yên và tơ lụa ngập bến đò tơ Mã Châu để các thương nhân cùng thuyền buôn từ Hội An ngược Thu Bồn, rẽ theo sông Bà Rén mua lụa, xuôi về cảng thị rồi theo “con đường tơ lụa” trên biển đến các nơi trên thế giới. Ngày ấy, hai mặt hàng quế Trà My, hồ tiêu Tiên Phước luôn là sản vật không thể thiếu trên những chuyến hải hành của thuyền buôn nước ngoài. Còn bây giờ, nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan vẫn đang là lợi thế của Quảng Nam, nhưng hiện vẫn ở dạng thô, thương hiệu yếu nên luôn bị động trước diễn biến của thị trường, chưa thể định danh và hình thành được định hướng kinh doanh bền vững. Hình ảnh dễ thấy nhất là Hội An, một thành phố đã nhận được nhiều giải thưởng, được chọn là xứ sở thanh bình của những điểm đến tốt nhất hành tinh, nhưng lại không có sản phẩm nào trở thành thương hiệu đủ tầm quốc tế. Ở thành phố này, mật độ buôn bán dày đặc. Mỗi ngôi nhà mặt tiền ở phố là một cửa hàng, cửa hiệu và chiếm 24,3% hộ kinh doanh là hàng lưu niệm. Nhưng “đốt đuốc” cũng khó tìm ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng du lịch Quảng Nam hay Hội An khi chất lượng chỉ khoảng 10%, còn số lượng thì 75% hàng thủ công bày bán trên phố là hàng nhập. Ngay như lồng đèn Hội An cũng chỉ là cuộc trình diễn màu sắc nhưng khung hay các vật liệu chế tác  thì cũng nhập từ đâu về chứ không phải của riêng Hội An hay Quảng Nam tạo ra. Kết quả khảo sát của QUO - tổ chức chuyên xây dựng thương hiệu cho các cơ quan du lịch hàng đầu thế giới và nhiều tổ chức khác cho thấy chất lượng sản phẩm gốm Thanh Hà chỉ ở mức trung bình, chưa có sản phẩm tinh xảo. Nghề truyền thống mộc Kim Bồng đang bị mai một dần, không còn nhiều nghệ nhân và gia đình duy trì sản xuất. Những mẫu mã tinh xảo từng được thể hiện trong các công trình kiến trúc ở Hội An thất truyền và sản phẩm hiện tại của làng không mang dấu ấn đặc trưng, nguồn nguyên liệu không ổn định và không rõ xuất xứ. Sản phẩm đèn lồng khung tre hay khung gỗ lại cồng kềnh, giá nguyên liệu cao, mất nhiều thời gian hoàn thành… nên giá thành khó cạnh tranh. Từ cuộc khảo sát ấy, các nhà thiết kế chuyên nghiệp của Craft Link đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nghệ nhân và nhà sản xuất. Tất cả sản phẩm này đều sẽ được cải tiến kiểu dáng, đa dạng mẫu mã, thiết kế một số sản phẩm kích cỡ nhỏ… cùng bao bì, đóng gói, nhãn mác, ghép bộ sản phẩm, đặc tả chi tiết sản phẩm với thông tin giới thiệu kèm theo… để nâng cao giá trị sản phẩm và phù hợp với thị trường du lịch ngày càng “khó tính”. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bước khởi đầu. Hàng Quảng Nam vẫn như hàng của “phi đội thuyền nan”. Việc xây dựng thương hiệu mạnh dường như vẫn là con đường vạn dặm ở phía trước cần nỗ lực dài hơi, công phu…

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định vị thương hiệu sản phẩm Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO