Dìu nhau qua cơn đau

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG 12/11/2016 08:46

Đã là bệnh tật thì bao giờ cũng mệt mỏi, đau đớn. Thế nhưng, họ đã tự tìm niềm vui cho nhau để cùng vượt qua nỗi đau thể xác, để nương tựa vào nhau ở cái tuổi đã xế chiều.

Họ đã tự tạo niềm vui cho nhau để vượt lên bệnh tật. Trong ảnh: Bà Bửu (đứng) đang trình diễn chuyện tình Lan và Điệp trong căn phòng vui vẻ.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Họ đã tự tạo niềm vui cho nhau để vượt lên bệnh tật. Trong ảnh: Bà Bửu (đứng) đang trình diễn chuyện tình Lan và Điệp trong căn phòng vui vẻ.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, mang trong mình đủ thứ bệnh, cực chẳng đã, họ lại phải khăn gói vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để chữa bệnh. Nhưng cũng chính ở đây, họ lại có được những khoảng thời gian sống vui vẻ. Đó là điều xưa nay hiếm.

Phòng bệnh vui vẻ

Khu vực dành cho những bệnh nhân điều trị nội trú ngay phía sau lưng của bệnh viện, có những gốc bàng sần sùi, rêu phong tỏa bóng. Đây là khu vực điều trị nội trú của 4 khoa: nội, ngoại, lão khoa và phục hồi chức năng với hơn 278 giường bệnh. Theo bác sĩ Phạm Văn Chuyên - Giám đốc bệnh viện thì có đến 66% bệnh nhân là người già với những bệnh chủ yếu như: thoái hóa cột sống, khớp, tai biến… Họ được điều trị bằng các liệu pháp Đông y kết hợp với phục hồi chức năng để giảm thiểu tối đa những di chứng có thể để lại. Có người chỉ mất chừng 3 tuần là khỏi, nhưng cũng có những người phải “bám trụ” ở đây một thời gian dài.

Tôi dạo một vòng quanh các phòng bệnh, dừng lại ở căn phòng số 9 của khoa Nội, nơi gần 10 cụ già tóc bạc trắng đang chụm đầu vào nhau thủ thỉ. Thấy có người đến, họ ngưng một chút rồi lại tiếp tục câu chuyện của mình, tuồng như chẳng cần quan tâm. Câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi, chắp nối một cách mơ hồ nhưng ai cũng gật gù, chốc chốc lại có người bình phẩm như đã thuộc lòng chuyện của nhau.

Một bà lão đang đứng hút thuốc ở ngoài hành lang, thấy bác sĩ vào vội vứt điếu thuốc đang cháy dở, gãi đầu giãi bày: “Hút xíu thôi, cho đỡ thèm” rồi vội vàng vào ngồi cùng bạn. Bà là Châu Thị Nhạn, năm nay đã ngoài 72 tuổi (trú tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) phải nhập viện vì trong một lần đi ra giếng bị té khiến 4 đốt sống lưng dồn với nhau. Lưng bà biến dạng như người bị gù. Bà cũng là người có khiếu hài hước nhất trong phòng với những câu chuyện tiếu lâm và cách kể hấp dẫn. Nghe giọng tôi trọ trẹ, bà nhanh nhảu: “Chú ở miền ngoài à? Vô đây mần chi? Có điện thoại không cho tui mượn gọi về cho con với. Mà chú bấm máy giúp tôi nhé, mắt kèm nhèm không thấy đường nữa”. Tôi thật thà lấy máy ra, bà đọc: “Không chín bẩn bẩn, hai ba bữa tém một bữa”. Thấy tôi ngớ ra, cả phòng bấm nhau cười rúc rích. Có người chỉ cười được một bên mặt với nửa môi và con mắt giật giật. Đó là di chứng sau một cơn tai biến nặng, bị liệt nửa người. Thấy tôi vẫn chưa hiểu chuyện, chú Trương Công Viên (71 tuổi ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) giải thích: “Đó là số 0977.237817 đó con, phát âm giọng Quảng Nam giả giọng Bình Định nên nó thế”. Rồi cả phòng cười òa. Tiếng cười như khỏa lấp mọi đau đớn hiện hữu.

Cùng ngủ, cùng thức

Ở khoa Nội này có chừng 20 phòng bệnh, trung bình mỗi phòng có từ 2 đến 8 bệnh nhân đang điều trị. Theo bác sĩ Phạm Văn Chuyên: “Người nào bệnh nặng, cần yên tĩnh thì bệnh viện sắp xếp ở phòng riêng. Những ai khỏe hơn thì ghép họ lại với nhau để có người bầu bạn, giúp đỡ nhau vượt qua bệnh tật”. Cũng từ đó, những buổi trò chuyện, giao lưu giữa các phòng, những lần tập trung thi hát bài chòi, hát bội diễn ra thường xuyên. Vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà được họ diễn một cách sinh động. “Già thế này rồi còn hát nổi không?” - tôi cười hỏi. Ngay lập tức bà Mai Thị Trọng (76 tuổi, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành) đứng dậy hát một đoạn trong trích đoạn chuyện tình Lan và Điệp để chứng minh. Tiếng hát với giọng đã khàn đục, ngắt đoạn nhưng cũng đủ làm cho những khuôn mặt già nua giãn ra với nụ cười móm mém.

Bà Xuân - vợ ông Võ Thành Nguyên đang bón từng thìa cháo cho chồng.
Bà Xuân - vợ ông Võ Thành Nguyên đang bón từng thìa cháo cho chồng.

“Vào đây ai cũng mang trong mình đầy bệnh tật. Nhưng được sống vui vẻ thế này là hạnh phúc lắm. Người già thích bầu bạn mà. Có gì cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau thôi” - bà Đoàn Thị Yến (80 tuổi, trú tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) cười nói. Bà kể, có nhiều lần hai khớp gối bà sưng to, không thể đi đâu được. Mọi người trong phòng thay nhau phụ giúp bà, người đi mua cơm, người lo giặt hộ cái áo, đến cả chuyện vệ sinh cá nhân cũng hỗ trợ nhau. Bà Trương Thị Nghĩa, 84 tuổi (trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) tâm sự: “Có những lúc cả phòng cùng thức trắng vì mình lại lên cơn co thắt, đau đớn không ngủ được. Chị em lại xúm vào, người xoa tay, người bóp chân. Thương lắm chú ạ!”.

“Nhiều khi giữa đêm khuya, có người bị lên cơn co giật, những người khỏe liền đi gọi báo cho bác sĩ trực, số còn lại thì quây quần để giúp cho người bệnh. Do bệnh viện chưa trang bị chuông báo động mỗi khi có sự cố nên chính họ - những người cùng phòng có thể giúp đỡ nhau rất nhiều”- chị Vân, điều dưỡng của bệnh viện giải thích.

Cứ mỗi buổi sáng, người khỏe hơn một chút lại dìu người ốm yếu xuống điều trị tại phòng phục hồi chức năng. Đau đớn về thể xác nhưng hạnh phúc đối với họ là có những người bạn luôn ở cạnh mình.

Ngôi nhà thứ hai

Bác sĩ Nguyễn Chi - Trưởng khoa Lão khoa - cho biết, có 66 bệnh nhân đang điều trị tại khoa thì chỉ có 6 người là thường xuyên có người nhà thăm nom, còn lại đều phải nhờ bệnh viện và bạn cùng phòng chăm sóc giúp. Có lẽ ai cũng thui thủi một mình nên sợi dây gắn kết giữa họ càng thêm bền chặt. Chỉ có thế, họ mới vượt qua được nỗi trống trải giữa những bức tường trắng của bệnh viện.

Và cũng chính vì thế, họ xem như đây là ngôi nhà thứ hai của mình. “Hết bệnh, các bác sĩ cho về thăm nhà được vài bữa thì đổ bệnh, lại khăn gói vào đây được dăm ba bữa thì khỏe re à. Ở nhà cũng buồn, tuổi già rồi, chẳng làm được gì. Con cái giờ cũng lo cho gia đình nó, mình vò võ một mình buồn lắm. Lại mong được vào đây cùng chị, cùng em” - bà Trần Thị Bửu (65 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cười nói.

“Đồng bệnh tương lân”, họ gần gũi nhau như những người bạn thân, như anh chị một nhà. Họ hiểu rõ từng hoàn cảnh của nhau, từng thói quen của nhau để rồi cùng sẻ chia, động viên nhau gắng sống. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, đều đã nếm qua những buồn vui sướng khổ của gần hết một kiếp người, nên thấu hiểu, sẵn sàng giúp nhau khi không có người thân ở cạnh. Cụ Trương Thị Nghĩa (84 tuổi, trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) có 7 người con nhưng vào đây vẫn chỉ vò võ một mình. Các con mải mê làm ăn ở tít tận Sài Gòn, chỉ kịp hỏi han thăm mẹ qua những cuộc điện thoại vội vã, rồi lại lao vào cuộc mưu sinh. Bà không trách con mà chỉ trách mình: già, lại đau yếu chỉ tội làm khổ con cháu. Trong câu nói bỏ lửng ấy, đôi mắt mờ đục ngấn nước. Dường như, có vui bao nhiêu đi nữa cũng không thể bằng được niềm vui sum vầy bên con cháu.

Anh T.C.L., trú tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước - người chúng tôi gặp trong bãi giữ xe của bệnh viện - nói rằng, thật ra phận cháu con, ai cũng muốn chăm sóc cho cha mẹ già chu đáo, để được vui vầy với con cháu ở giai đoạn cuối cuộc đời. “Nhưng mình làm nông, không làm lấy cái gì bỏ miệng? Đành phải cậy nhờ bác sĩ và các bác cùng phòng giúp đỡ. Cũng may là thấy mẹ được vui vẻ nên đỡ áy náy phần nào”. Nói rồi anh lặng lẽ dắt xe ra cổng, lưng áo sờn bạc đã ướt đẫm hơn nửa.

Những đôi tay run rẩy dìu nhau qua mấy cơn co thắt của cơ thể, của bấy nhiêu cơn đau buốt tận xương mỗi khi trái gió trở trời. Để đến khi mỗi người được bác sĩ cho ra viện, về nhà họ lại quay quắt nhớ. “Có những người dường như không muốn về nhà nữa. Nhìn họ bùi ngùi tiễn nhau cũng thương. Nhưng biết sao được, ở mình vẫn chưa có viện dưỡng lão để họ có được một mái nhà chung. Bệnh viện cũng đã cố gắng hết sức để chăm sóc thật tốt, khuyến khích các cụ thường xuyên trò chuyện, giao lưu để cùng vượt qua bệnh tật. Ít ra, trong thời gian chữa bệnh tại đây, họ có được cảm giác như đang ở nhà mình” - chị Vân, điều dưỡng bệnh viện nói.

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dìu nhau qua cơn đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO