Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến diễn ra vào ngày mai, 28/11 sẽ có nội dung tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu. Khác với lần trước, chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; lần này tổ chức thêm việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Đồng thời góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu, bỏ phiếu, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Có nhiều căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng vẫn cơ bản gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
HĐND tỉnh lấy phiếu bằng cách bỏ phiếu kín những người được lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”; bỏ phiếu kín những người được bỏ phiếu tín nhiệm với 2 mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”. Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đều đã có quy định cụ thể.
Lấy phiếu tín nhiệm thực chất là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ - một cách lượng hóa trong đánh giá cán bộ. Ở góc nhìn tích cực, thì khi được định lượng, nếu mỗi người tự soi vào mức độ của mình để… tự sửa, và sẽ phải có kế hoạch chi tiết để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm công vụ.
Nhưng người dân cũng băn khoăn rằng, thước đo nào cho mỗi chức danh, khi thường thấy tỷ lệ mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” luôn chiếm vượt trội? Số phiếu “tín nhiệm thấp” rất ít, không đủ để thực hiện định chế theo hệ quả quy định trong nghị quyết.
Tất nhiên, chẳng ai mong muốn người giữ chức danh nào đó bị áp dụng hệ quả miễn nhiệm. Nhưng điều đó, ở góc nhìn khác, cũng có thể cho người dân cảm giác rằng, có những vị trí, liệu đã thực chất như số phiếu chưa? Lục lại thực tế kết quả lấy phiếu “tín nhiệm cao” ở các năm trước tại Quảng Nam, rồi sau đó cán bộ bị kỷ luật, thậm chí vướng lao lý, sẽ cho thấy chứng thực cho điều băn khoăn này.
Việc lấy phiếu, bỏ phiếu này được thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Nghị quyết 96 thay thế cho Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014. Định chế thì phải thực hiện. Nhưng ở góc độ phản biện, liệu trong tương lai có cần thay đổi?
Năng lực của cán bộ sẽ được thấy ngay sau một thời gian công tác, cho nên lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một cách để sàng lọc, lựa chọn. Cách làm thực chất sẽ đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác cán bộ và giữ niềm tin của dân.
Qua nhiều năm, người dân vẫn đặt câu hỏi rằng, để bớt tốn kém thời gian những đại biểu của dân, thì tại sao Quốc hội không quy định chỉ bỏ phiếu với 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”; bỏ bớt việc lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Vì ai cũng được tín nhiệm thì không còn cần thiết bỏ phiếu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thì nên chăng, cũng cần “tinh giản” quy trình, để có thể lựa chọn và thay thế ngay đội ngũ những người “không tín nhiệm” một cách nhanh hơn?
Thời điểm này, cũng bắt đầu việc kiểm điểm, đánh giá thi đua, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên cuối năm. Yêu cầu đánh giá thực chất bao giờ cũng được đưa lên hàng đầu. Đó cũng là đo cao thấp trách nhiệm công bộc vậy.