Đo chiều... nhan sắc

BẢO TRÂN 15/06/2013 08:30

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”, câu thơ của người xưa vương vấn nhiều suy tư, nhìn nhận sức mạnh của nhan sắc. Học giả Lâm Ngữ Đường, từng là Giám đốc Nghệ thuật và Văn chương của UNESCO, cũng ngẫm ngợi “mua một chậu hoa đẹp còn nâng niu thương tiếc huống là đối với “đóa hoa biết nói”. Không có thơ rượu thì sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích”. Xưa cũng như nay, hầu như nhà văn, nhà thơ nào cũng dành sự ưu ái với cái mỹ nói chung mà ngợi ca người đẹp là một biểu hiện.  

Thời này nhan sắc lên ngôi. Nhưng những muộn phiền do người đẹp gây ra cũng lắm. Báo “lá cải” hay những loại lá nào khác cũng dành tin cho những vụ việc liên quan đến người đẹp. Tuy vậy, dù đã có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, song cuộc nào vẫn không thiếu người phó hội. Và con số hơn 1.000 hồ sơ gửi tham dự cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3, cho thấy sức hút đông đảo người đẹp khắp mọi miền đất nước. Vòng chung kết được tổ chức tại Quảng Nam tháng 6 này với 64 thí sinh đến từ 20 dân tộc thuộc 39 tỉnh thành. Từ ngày 12.6, các thí sinh dự vòng chung kết đã bắt đầu chuỗi hoạt động tại Quảng Nam và hình ảnh những người đẹp bắt đầu tràn lên các trang báo, kể cả mạng xã hội. Dù có nói thế nào thì chuyện ngắm nhìn người đẹp cũng trở thành… khao khát của đông đảo công chúng. Ngay các nhà báo có vẻ “khó tính” nhưng khi các người đẹp vào dự cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam, không ít người bỗng trở thành…thi sĩ với  ánh mắt “lãng mạn”, “là đà bóng ngả về tây…”.  

Xem hội mỹ nhân dĩ nhiên là vui rồi. Nhưng chuyện đáng suy ngẫm là việc đo chiều nhan sắc, bởi làm sao mà không cảm tính cho được. Xem cách cụ Nguyễn Du tả Thúy Kiều và Thúy Vân sẽ thấy thiên vị ngay từ đầu cho cái ý thích mỹ quan của mình. Cụ Lâm Ngữ Đường cũng khuyên “mỹ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mỹ nhân ở chỗ tỏa hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói”. Ngẫm ý này thấy chí lý khi nhìn người đẹp như hoa mà không biết nói cũng bị đánh rớt trong nhiều cuộc, đặc biệt là phần ứng xử.

Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3 đã mở hội. Để đo chiều nhan sắc, ngoài vương miện hoa hậu, á hậu trong đêm chung kết, Ban tổ chức thông tin còn có những danh hiệu khác được trao như: Người đẹp thân thiện, Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc,  Người đẹp biển, Người đẹp áo dài, Người đẹp thể thao, Người đẹp du lịch. Đặc biệt lần này có danh hiệu Người đẹp Quảng Nam, dành cho thí sinh nào thể hiện được những hiểu biết tốt nhất về văn hóa, lịch sử, xã hội, du lịch đất Quảng. Phần lớn thí sinh dự vòng chung kết là sinh viên; 8 người đẹp đến từ Quảng Nam cũng đang theo học các trường đại học trong nước. Hy vọng, trên cái nền học vấn, kiến thức, những “đóa hoa biết nói” sẽ tạo được ấn tượng đẹp, thêm sắc hương mùa lễ hội trên xứ Quảng.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đo chiều... nhan sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO