Đọ dáng cho sâm

ĐĂNG NGUYÊN 13/09/2022 09:25

(VHQN) - Những cây sâm Ngọc Linh với hình dáng đẹp nhất, ưng ý nhất được các hộ trồng sâm chọn lựa để mang đi... thi. Hoạt động này không chỉ để “khoe” sản vật độc đáo mà còn hướng đến việc học nhau cách trồng sâm hiệu quả trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thương (một người trồng sâm ở Trà Cang) khoe sâm trước giờ thi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Chị Nguyễn Thị Hồng Thương (một người trồng sâm ở Trà Cang) khoe sâm trước giờ thi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Xem sâm khoe dáng

Sau 3 năm vắng mặt bởi dịch bệnh, ông Hồ Văn Liêm (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My) mang đến lễ hội một cây sâm Ngọc Linh ưng ý nhất. Ông Liêm nói, “sâm chiến” của mình hoàn toàn khỏe mạnh trong môi trường tự nhiên, qua 8 năm chăm sóc đạt 240gram, cao 80cm.

Chọn lựa từ hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh, ông Liêm và hàng chục hộ trồng sâm khác ở Nam Trà My bày tỏ sự háo hức khi mang sâm đến… đọ sắc, so tài. Với họ, cuộc thi này là một dịp vui của cộng đồng, mang ý nghĩa gắn kết những người trồng sâm. Vì thế, nhiều người đùa rằng, đây là cuộc chơi thú vị giữa những “đại gia” phố núi, tạo không gian mới mẻ cho một lễ hội sâm núi Ngọc Linh.

“Tôi chọn cây sâm này vì thấy nó khỏe nhất, đẹp nhất. Đến đây, vừa để dự thi, vừa để giao lưu, học tập lẫn nhau về cách trồng sâm nên cảm thấy rất vui và hồi hộp” - ông Liêm chia sẻ.

Một cây sâm 3 tuổi được mang đến dự thi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Một cây sâm 3 tuổi được mang đến dự thi. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Nhiều năm làm giám khảo cuộc thi, Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể nói, so với mọi năm, đợt thi này quy tụ nhiều cây sâm chất lượng, có hình dáng đẹp và… quyến rũ. Những người yêu sâm như ông, xem đó là tiêu chí hàng đầu, bởi đó là kiểu dáng sâm chuẩn, thể hiện sự công phu, kinh nghiệm trong cách trồng và chăm sóc của chủ sâm.

“Qua tuyển chọn, tôi thấy năm nay bà con mang sâm đến thi rất phong phú, nhiều cây sâm đặc sắc, hình dáng và củ rất đẹp. Tiêu chí chọn sâm để trao giải, ngoài cây có củ to, dáng đẹp, còn phải mang yếu tố tự nhiên khác như lá xanh đậm, hạt đậu, rễ dài và không sâu bệnh. Ngoài ra, sâm phải được giữ nguyên cây, không bị đứt gãy, không giập lá và hạt; củ sâm có màu vàng đậm hoặc xanh rêu” - ông Thể nói.

Để “giữ nhiệt” cho sâm, nhiều hộ dân mang cả mùn rêu và chậu. Có người dùng ba lô bọc kín, phòng trường hợp sau hội thi, sâm không bán được sẽ mang về trồng lại trong vườn, đảm bảo khả năng sống cao nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm

Lần thứ 4 được tổ chức, nhưng hội thi sâm vẫn thu hút đông đảo người dân địa phương đưa sâm đến “trổ tài”. Có hơn 60 hộ, với hàng chục cây sâm lớn nhỏ được mang đến, là thành quả sau nhiều năm dày công chăm sóc.

Đại diện ban giám khảo chấm điểm các “thí sinh sâm”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Đại diện ban giám khảo chấm điểm các “thí sinh sâm”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Không đặt nặng về giải thưởng, cuộc thi sâm Ngọc Linh được xem là cơ hội để người dân được học tập và chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm trong cộng đồng. Nói như chị Nguyễn Hồng Thương - một hộ trồng sâm ở xã Trà Cang, thì việc mang sâm đến thi là cơ hội để chị học hỏi kinh nghiệm thực tế về cách trồng và chăm sóc sâm cho năng suất cao.

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp huyện Nam Trà My (thành viên ban giám khảo) cho biết, những người có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu về sâm Ngọc Linh như Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Thể, Hồ Văn Dang… được chọn cử làm ban giám khảo.

Qua quan sát, ban giám khảo sẽ phân tích và xác định từng độ tuổi của sâm, đánh giá khả năng sinh trưởng, cũng như chất lượng cây sâm… “Thường thì cây sâm có củ to, cân nặng vượt trội và dáng đẹp sẽ đoạt giải cao” - ông Quý cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Nguyễn Thế Phước, trước khi được mang vào phòng thi, tất cả cây sâm đều trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Quá trình kiểm định, giám sát này nhằm đảm bảo sâm mang đến chuẩn chất lượng, ngăn chặn tình trạng sâm giả, sâm không rõ nguồn gốc có nguy cơ trà trộn.

Nhiều cây sâm, sau khi kết thúc hội thi đã được bán tại chỗ cho du khách, doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ sâm ở đây rất chất lượng, luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng.

“Thông qua hội thi sâm, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các hộ dân có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm thúc đẩy và khuyến khích quá trình trồng, chăm sóc cây sâm đạt chất lượng tự nhiên nhất, góp phần giữ thương hiệu “quốc bảo” của Việt Nam” - ông Phước nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đọ dáng cho sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO