“Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu dấu chân sinh thái và đóng góp tích cực cho cảnh quan môi trường Quảng Nam với việc tuân thủ chính sách phát triển kinh tế xanh và bền vững của tỉnh”.
Đó là phát biểu của ông Kong Koon Seung, Chủ tịch Tập đoàn SGI Hàn Quốc, Chủ tịch Công ty TNHH SGI tại Việt Nam, tại sự kiện công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa qua.
Báo chí đưa tin lướt qua mà không dừng để hỏi kỹ công cụ đo đếm được doanh nghiệp này ứng dụng ra sao để biết mức độ giảm thiểu về dấu chân sinh thái sẽ được tính toán (?).
Tuy nhiên, có thể đặt để niềm tin vào cam kết đó khi tìm hiểu về ngành nghề sản xuất của họ. Được biết SGI VINA Quảng Nam là công ty chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu Nd-Fe-B, loại nam châm đất hiếm thiếu kết, với kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất sản phẩm có tính năng cao được sử dụng trong động cơ chính của xe điện HEV/EV thân thiện với môi trường.
Vì vậy loại hình sản xuất công nghệ cao này ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, huyện Núi Thành đem lại một gợi mở và minh chứng cho hướng phát triển kinh tế xanh phù hợp quy hoạch của Quảng Nam.
Với chứng nhận đầu tư sửa đổi sẽ cho phép SGI Vina tăng sản lượng ban đầu từ 2.000 tấn/năm lên 5.000 tấn/năm, đồng thời đầu tư thêm khoảng 40 triệu USD vào nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.
Nhưng như ông Kong Koon Seung cho biết, quy mô đầu tư, tài chính là quan trọng nhưng giá trị cốt lõi cần được xem xét ở việc quản lý môi trường là nền tảng cho đặc trưng hoạt động của SGI Vina.
Do vậy, doanh nghiệp chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến và thực hành bền vững, cam kết không hy sinh môi trường để đổi lấy lợi ích kinh doanh.
Xoay quanh vấn đề cần nói trở lại là dấu chân sinh thái, đó là cái gì mà có ý nghĩa quan trọng như vậy, và làm sao doanh nghiệp phải tìm cách giảm thiểu?
Khái niệm “dấu chân sinh thái” (Ecological footprint) đã được xây dựng và phát triển từ những năm 1990 do nhóm các nhà khoa học trường đại học British Columbia là William E. Rees và Mathis Wackernagel đưa ra.
Có thể hiểu vắn tắt đó là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ carbon, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.
Nói gọn hơn nữa, dùng dấu chân sinh thái để đo mức độ trữ lượng sinh thái, tài nguyên thiên nhiên với nhu cầu sử dụng của con người.
Hiện tại, đo đếm của các nhà khoa học cho thấy loài người đã khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sinh thái mất cân bằng khi trái đất suy giảm năng lực tái tạo trước nhu cầu con người vẫn tăng và chất phát thải quá lớn.
Do vậy, nhiều nước đã và đang nghiên cứu áp dụng dấu chân sinh thái trong quy hoạch chiến lược hoặc phục vụ cho công tác quản lý. Như Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng công cụ dấu chân sinh thái trong việc theo dõi, giám sát ảnh hưởng môi trường từ quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Với Việt Nam, mặc dù đã xác định chiến lược phát triển bền vững, dần từng bước chuyển kinh tế từ xám sang xanh nhưng việc áp dụng công cụ dấu chân sinh thái trong quản lý tài nguyên môi trường chỉ mới đặt ra mà chưa phổ biến rộng.
Ở tầm quốc gia là vậy thì câu chuyện với Quảng Nam sẽ còn xa trong việc ứng dụng đo đếm dấu chân sinh thái trên hành trình hướng đến tương lai.
Nhưng một khi đã xác lập rõ định hướng tăng trưởng xanh, gắn với bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, chắc chắn con đường Quảng Nam phải đến đó, ít nhất là để cân bằng bước chân phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ở Quảng Nam, khi nào càng có nhiều doanh nghiệp cam kết và thực hành về giảm thiểu dấu chân sinh thái như SGI thì càng rút ngắn hành trình hiện thực hóa được giấc mơ xanh.