Trước khi hòa mình vào biển lớn, sông vẫn mở lòng ban phát nguồn sống cho cư dân hạ nguồn với những mành rớ chập choạng ánh đèn… Đêm, những phận đời nổi nênh lại ngả vào lòng sông Mẹ, trong cuộc ngụp lặn mưu sinh theo con nước lớn ròng.
|
Thả rớ chờ... đêm.Ảnh: Phương Giang |
Phía hạ nguồn, những mành rớ lấp loáng dưới nắng chiều cho chúng tôi những hình ảnh tuyệt đẹp của sông Mẹ Thu Bồn. Chúng tôi xuôi về Duy Nghĩa (Duy Xuyên), cùng những vợ chồng già lênh đênh theo con nước. Ông tên Lê Văn Xí, đã gần 60 tuổi. Bà là Trần Thị Tài, đã theo ông ngót nghét “mười nghìn đêm” ngược xuôi trên Cửa Đại, theo cách nhẩm tính hài hước của ông. Lấy nhau năm ông bà 19 tuổi, nối nghiệp ông cha bám víu lấy mành lưới, lấy “chồ rớ” nằm hiu hắt trên sông, chắt chiu từng chút cá tôm nuôi con cái nên người. Gói ghém tài sản của gần một đời sông nước, hai ông bà thừa ra mỗi con đò, mành rớ và… 5 đứa con. Mười nghìn đêm, “sương” giờ đã giăng trắng trên mái đầu ông Xí, cùng làn da rạm nắng và giọng nói rì rầm như tiếng khua chèo. “Thì lớn lên trên ghe, nồi cơm cũng nằm trên ghe. Bàn tay còn cựa quậy được, còn làm. Quen rồi” - ông cười hiền. Bữa cơm trong căn nhà ngay sát bên sông, lặng lẽ như đêm. Khi mà mọi người xung quanh tắt đèn đi ngủ, cuộc mưu sinh của vợ chồng ông Xí bắt đầu… “Nhịp sinh học” kỳ lạ ấy đủ phác họa những nhọc nhằn đời sông nước như vợ chồng ông Xí, bà Tài.
“Rớ chồ” là cách gọi dân dã để phân biệt với “rớ ghe”, là mành lưới lớn gắn vào những cọc gỗ được neo cắm cố định giữa sông để bắt cá. “Đồ nghề” mang theo ra “rớ chồ” chỉ có chiếc đèn măng sông và cây tre vót cong để gom lấy cá sau khi cất rớ. Bây giờ có điện lưới, người ta đóng cọc, kéo điện ra tận giữa lòng sông, không còn ai phải ra “chồ” nằm canh đèn như ngày trước. Nhưng “thời gian biểu” vẫn là đêm này qua tháng khác cùng với con nước lớn nước ròng. Giăng rớ. Và đợi chờ. Một đêm như thế có ba lần “néo” rớ. Lần đầu vào khoảng mười giờ đêm, lần thứ hai tầm ba giờ sáng, và lần cuối là lúc rạng đông, khi mặt trời vừa hừng lên phía biển. Khoảng giữa thời gian ấy là canh đèn măng sông, rồi vòng quanh thả lưới, đặt lồng, đến giờ lại quay về “néo rớ”. Suốt đêm, mái chèo chẳng nghỉ ngơi, lướt đi giữa bao la trời nước.
Tôi theo ghe ông bà Xí đi dọc sông. Trăng vằng vặc trên đầu. Những đốm sáng từ ngọn đèn rớ lấp lóa khắp sông. “Mấy ngày ni cá ít lắm. Trời sáng trăng, cá không tập trung chỗ mình đặt rớ. Chỉ có bủa lồng là không phải trông trời trông trăng” - bà Tài nói. Cứ thế, cuộc mưu sinh là những đợi chờ trong đêm, trong lặng lẽ, trong những nhọc nhằn thao thức theo con nước lớn ròng…
Với những người mưu sinh trên sông nước như vợ chồng ông Xí, đêm là cuộc gặp của những người cùng nghề, cũng phần nào vơi bớt cô quạnh và cả cái lạnh se sắt trên sông. Ngày trước còn phải canh đèn măng sông, những “nhà chồ” trở thành nơi tá túc cho con người, thi thoảng lại quây quần với nồi cháo cá thơm phức giữa đêm, lai rai xị rượu đế. “Làm nghề sông, đêm đã lặng, mình thì quen im ắng, thành ra buồn. Có gặp như rứa mới đỡ thấy chán, mới yêu sông nước mà miệt mài với nghề. Nghề mô chẳng khổ, nhưng trong cái khổ có cái vui” - ông Xí nói. Hạ “néo rớ” xong, ông bà ngược thuyền thả lồng. Có khoảng 50 lồng nối với nhau, mỗi lồng dài chừng 4 thước, thành ra chuyện lồng người này chéo của người kia trở thành bình thường. Đi mãi thành quen, chỉ cần nhìn ống phao là biết lồng của ghe ông Năm, lồng của ghe cậu Xu, bác Bổi…
“Cất rớ được mớ cá căng/ Chạy về kho ăn chạy ra mất rớ…”, câu vè vui về cái nghề sông nước của vợ chồng ông Xí khiến tôi có cảm tưởng chuyện được mất chẳng còn là điều phải quá bận tâm với họ. Ông kể với tôi về “lịch sử” của nghề. Từ hồi ông lò dò biết đi đã thấy ông cha làm nghề, rồi theo. Mỗi mành rớ trên sông cũng như miếng ruộng vậy, đời ông cha đã làm, đời con cháu cứ thế nối nghiệp. Những chỗ đã đặt rớ là những chỗ “đắc địa”, trúng luồng cá tôm, mà phủ đều trên sông rồi. Chen chúc thêm thì không những không trúng, mà còn “khó ngó” mặt nhau. Thành thử cái nghề chực chờ con nước cứ “êm rứa”, bữa trúng thì nhờ, bữa ít cũng đủ bắc nồi cá kho qua ngày. Cá tôm cũng có năm bảy loại. Trúng cá cồi, cá rèn, cá én, hay con cua nước lợ lớn lớn là yên tâm bữa nớ khá. Mà cũng theo mùa. Tháng Chạp, tháng Giêng, lũ rút, cá cũng theo dòng nước, được bộn tiền. Còn lại thì cứ chừng chừng, đủ để những vợ chồng sông nước không phải lần hồi mượn gạo…
“Rớ chồ” ở hạ nguồn sông Thu. Ảnh: Phương Giang |
“Sinh nghề, tử nghiệp”, ngoài trúng gió, nổi mề đay, thì bệnh ngoài da, thi thoảng đụng “thứ dữ” là mấy loài cá độc, hay… lỡ trượt “tay néo” bị thương là điều mà ai theo nghề cũng gặp. Những lúc đó, không có người vợ đồng hành hay những “đồng nghiệp” nằm ở chồ bên cạnh, có khi tính mạng bị uy hiếp. Rồi chuyện bủa lồng bị chèn, bị mắc, lồng lưới bị dập hoặc cuốn vào nhau là phải hú gọi nhau chung sức gỡ. Họ giúp nhau không cần điều kiện, không đòi hỏi, chỉ cần nghe tiếng hú gọi kíp cần là đến ngay. Bởi đơn giản, một ngày nào đó, chính mình cũng sẽ là người tất tả tìm người, tìm thêm một bàn tay cứu giúp… Trôi trên sông Mẹ, mỗi lần lướt qua nhau, tôi chỉ nghe họ vọng lại câu chào “Bữa ni khá không? Đoạn nớ có cái ghềnh, coi chừng cuốn lồng hỉ - Tui chở bà vợ về, bả sốt rồi, tí nữa quần (vòng) lên lại…”. Trong đêm, theo thuyền trên sông chỉ có ánh đèn pin tạo thành một vệt dài…
“Mẹ là mù sương buổi sớm cùng ngọn nước triều Cửa Đợi, Mẹ là chiều hôm gió trở nước ròng chạng vạng trăng lên… Về bên dòng sông, nghe trong lòng mình có một dòng sông khác, hay là dòng kinh thơm chảy triền miên những nhận biết về lẽ huyền nhiệm của dòng đời, lẽ đạo - rằng con người có hai thứ vô minh”. Những dòng nghĩ suy của nhà thơ Phùng Tấn Đông trong “Nghĩ bên dòng sông mẹ” cứ văng vẳng khi thuyền lênh đênh dưới ánh trăng bàng bạc. Giữa đêm, cuộc mưu sinh lặng lẽ của phận người, của con đò chông chênh theo dòng nước, yên bình đến nao lòng. Sông Mẹ nhân từ có đúc rèn nên cốt cách của những con người rất “lặng” như vợ chồng ông Xí, hay chính những nổi trôi của phận số, của “duyên nghiệp” tạc nên dáng hình chân chất rất sông? - Tôi tự hỏi mình. Mẻ rớ cuối cùng của đêm, ông Xí khéo léo vỗ từng mép rớ, nước rơi thành vạt lấp lóa dưới ánh rạng đông. Ở bến cá, những người đàn bà đã bắt đầu lội ra giữa sông, chực chờ những chiếc ghe trở về…
____
Bài 5: Chuyện những cây cầu
Những cây cầu, dù im lặng cùng thời gian, nhưng giống như một người già chuyện, nó là bộ nhớ của dòng sông, là nơi chứng kiến “dòng lịch sử đầy biến động” của sông.
Ghi chép của PHƯƠNG GIANG