Đò dọc sông Thu - Bài 5: Chuyện những cây cầu

Ghi chép của SONG ANH 14/05/2014 08:39

Câu chuyện về dòng sông nào cũng gắn với những cây cầu. Những nhịp cầu làm nên hình bóng quê xứ, như đất Nông Sơn đầu nguồn hay vùng Đông Khương tấp nập cộ xe băng qua cầu Câu Lâu, hay cả những chờ mong của người bên này cầu Cửa Đại… Mỗi cây cầu đều chứa trong lòng mình những buồn vui.

  • Đò dọc sông Thu - Bài 4: Đêm trên sông Mẹ
  • Đò dọc sông Thu - Bài 3: Nghề xưa, bến cũ
  • Đò dọc sông Thu - Bài 2: Phận người, đời sông
  • Đò dọc sông Thu - Bài 1: Ký ức dòng sông
Hai cây cầu Câu Lâu cũ - mới song hành bắc nhịp qua sông Thu.Ảnh: SONG GIANG
Hai cây cầu Câu Lâu cũ - mới song hành bắc nhịp qua sông Thu.Ảnh: SONG GIANG

Bây giờ, người ở khúc thượng nguồn Thu Bồn chẳng còn thấy hình ảnh một ông lão chiều nào cũng ra phía dòng sông, dưới chân cầu Nông Sơn, ôm một nắm nhang cắm xuống bờ bãi. Cụ Võ Nghĩnh - người đưa chuyến đò định mệnh 11 năm về trước, giờ đã về với đất. Những đứa trẻ sống sót trên chuyến đò ấy, giờ cũng đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đều sống ly hương. Anh Võ Xuân Quang, con cụ Năm Trang (Võ Xuân Trang, em cụ Võ Nghĩnh) - người đã từng liên đới trách nhiệm trong vụ án chìm đò thảm khốc ở bến thượng nguồn này, vẫn còn rưng nước mắt, khi nhắc chuyện cha mình. “Cha tôi ra đi trước anh mình 3 năm. Cả hai cụ đều là những người bơi chèo rất giỏi. Bác tôi không ngờ những năm cuối đời lại trở thành người mắc “nợ” cuộc đời nhiều như vậy”. Những ngày tháng 5 này lại nhớ chuyện những ngày đầu tháng 5 của hơn mười năm trước (năm 2003), cũng trên khúc sông này, buổi chiều mưa dông sau những ngày nắng gắt, 18 học sinh đã vĩnh viễn ra đi trên chuyến đò ngang chòng chành. Tôi nhớ khi ấy lòng sông không rộng như bây giờ. Tôi nhớ gương mặt của ông lão chèo đò méo mó, vặn vẹo khi chính tay ông - cũng nhảy xuống lòng sông kia, ôm thi thể từng học sinh lên. Khi ấy, tôi cũng chỉ mới 15 tuổi, hơn những số phận không may mắn kia 1 - 2 tuổi. Và cũng nấc lên từng hồi, bởi những gương mặt thân quen - những người em, người bạn của tôi, đa số là con công nhân mỏ than. Cây cầu Nông Sơn ra đời từ sau tai nạn thảm khốc đó. Người trên vùng thượng nguồn, mỗi khi ngang qua cầu Nông Sơn đều dấy lên cảm xúc khó tả. Đó là cây cầu của niềm thương khó, cây cầu của những nỗi đau tạc nên. Anh Quang chỉ cho chúng tôi chỗ mà cụ Hai Nghĩnh thường chống gậy đứng vào mỗi chiều. Người Cà Tang, hay tất cả người dân vùng thượng nguồn Thu Bồn này, hẳn không bao giờ quên được “tích” ra đời của cây cầu. Bạn tôi ngày trước, nhiều đứa rớt sông mỗi khi đi học mùa lũ, đứa bơi giỏi bám được vào bờ thì sống, không thì trôi về Cửa Đại, gửi lại cha mẹ những nấm mộ gió hoang hoải trời chiều. Mười một năm sau, tôi về ngồi lại bến cũ, ngay phía chân này cầu, nhìn những em nữ sinh phất phơ tà áo trong chiều muộn, và tin rằng những day dứt thuở nào đang ngày vơi đi…

Cây cầu Nông Sơn được xây dựng từ tấm lòng đồng bào cả nước sau thảm nạn lật đò tại bến Cà Tang làm 18 học sinh Trường THCS Quế Trung thiệt mạng vào chiều 19.5.2003.
Cây cầu Nông Sơn được xây dựng từ tấm lòng đồng bào cả nước sau thảm nạn lật đò tại bến Cà Tang làm 18 học sinh Trường THCS Quế Trung thiệt mạng vào chiều 19.5.2003.

Đò xuôi về hạ du. Giữa trưa nên xóm Vạn bến Chợ Củi thuở nào vắng tanh. Hai cây cầu Câu Lâu cũ - mới song hành bắc nhịp. Cụ ông Tạ Ngọc Thanh, năm nay đã bước qua tuổi 83, nhưng chân tay vẫn còn lanh lẹ để rải lúa ra sân phơi. “Mấy năm sau giải phóng, Nhà nước cải tạo đất nên mới trồng được lúa đây. Chứ đất này ngày xưa chỉ toàn trồng dâu, nuôi tằm. Đất ba châu mà. Có năm còn trồng màu” - cụ Thanh khề khà. Đồng hành với những thăng trầm, biến cố của mảnh đất, tuyến sông này, như một “nhân chứng sống” của mỗi bận dựng cầu qua sông, cụ Thanh - vẫn hay đứng nơi doi đất ùa ra lòng sông, để nhớ về ngày cũ. Kể những câu chuyện xưa, khi cây cầu đầu tiên - do nhà cầm quyền Pháp xây dựng, cụ Thanh lúc ấy vẫn còn khá nhỏ, đã theo mẹ bơi ghe qua Thượng Bình (Tiệm Rượu) hái dâu. Cầu Câu Lâu khi ấy chỉ để dành cho các loại phương tiện tối tân, người đi bộ không được phép đi. Đến năm 1963, cây cầu gãy đổ, cả thân cầu ụp xuống sông sâu, dấu tích còn lại bây giờ là vài vụn sắt chĩa lên trời. Mà vùng đất nơi cụ chọn ở cũng thật lạ, nó như một “mô đất” nổi lên giữa dòng sông. Đông Khương được nước “ôm ấp như một tao nôi” bởi sông Mẹ Thu Bồn và một nhánh sông tách từ lòng Mẹ. Cụ kể truyền thuyết về tên gọi cầu Câu Lâu, như một lý giải về đạo thủy chung của người đôi bờ sông Thu. Chính truyền thuyết này cũng được những phụ nữ gánh mỳ Phú Chiêm rong ruổi trên khắp đường làng ngõ phố kể cho người nghe khi hỏi về tên cầu Câu Lâu. Rằng, ngày xưa, ven sông Chợ Củi có đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, cuốn theo bao đất đá ven bờ và cả người chồng. Người vợ ở nhà đợi mãi không thấy chồng về, đi tìm thì biết mãi mãi chồng sẽ không về nữa. Người vợ quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo xuống dòng nước cho trọn nghĩa vẹn tình. Dân ở đây từ đó gọi tên cầu là Câu Lâu. Cũng nhiều nguồn tư liệu cho rằng, Câu Lâu là tên gọi theo tiếng Chămpa, vì nơi đây vốn khởi thủy là đất của người Chăm. Dù truyền thuyết nào, thì tên gọi cũng đã gắn với vùng đất, nuôi nấng tâm hồn con trẻ từ những câu chuyện nhuốm màu huyền tích ấy.

Có người nhắc chúng tôi về nỗi cô đơn của những cây cầu. Nỗi cô đơn không hình thể, cứ vậy miết vào lòng sông. Cũng như những người lái đò trên sông vậy, khách đến rồi đi, có ai để tâm nghe lấy câu chuyện của những cuộc đời. Cụ Thanh bảo rằng, trong suốt quãng đời của mình, chưa bao giờ cụ chứng kiến nhiều đau đớn trên sông như vậy. Trận lụt Nhâm Thìn 1964, khi nhà thầu Đoàn Định Giác đang thi công cây cầu mới - hiện tại là cầu Câu Lâu cũ, nhà cụ Thanh là nơi trú ngụ cho cả làng. Cũng chính tại đây, người dân vớt được nhiều xác người trôi dạt từ thượng nguồn xuống. Mấy năm gần đây, tuổi trẻ ở đây cứ chọn khúc sông này, cây cầu này để làm chỗ chia ly. Nước mắt rỏ xuống sông sâu, có bõ bèn gì. 

Cầu Cửa Đại - giấc mơ từ rất lâu đời của người dân hai bên bờ sắp thành hiện thực.
Cầu Cửa Đại - giấc mơ từ rất lâu đời của người dân hai bên bờ sắp thành hiện thực.

Trong hành trình làm sứ mệnh của mình, có lẽ những cây cầu trên dòng sông Mẹ là nơi lưu giữ nhiều nhất những dấu tích lịch sử, văn hóa, thành tựu giao thông của nhiều miền. Một con đường nối kết vùng kinh tế trọng điểm phía đông Quảng Nam, cũng như nối giấc mơ từ rất lâu đời của người dân hai bên bờ Cửa Đại sắp thành hiện thực. Những nhịp cầu đang dần thành hình. Những đau đáu về bên này, bên tê dần thu hẹp khoảng cách. Cụ Trần Thị Nhị (xã Duy Nghĩa) cứ khấp khởi trong bụng về những cuộc chờ đợi bao lâu nay. Cháu cụ nói, cây cầu làm xong, mỗi chiều sẽ chạy xe từ Đà Nẵng về nhà thăm bà. Hai con trai cụ, nhắn với mẹ rằng, có cầu, sẽ thường xuyên chở mẹ về viếng mộ ba hơn… Hai đứa con cụ, bây giờ đang cùng rất nhiều ngư dân khác quyết tâm bám biển ở vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Bây giờ, trong nỗi chờ mong ngày thông nhịp cầu Cửa Đại, người dân Duy Nghĩa, Duy Hải còn những nỗi mong ngóng xa hơn, vì con em họ đã theo sông Mẹ ra biển lớn, với nghĩa khí của những anh hùng…

Mỗi nhịp cầu bắc trên sông Mẹ Thu Bồn đều đã đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của người bên sông. Ý chí, tấm lòng và cả những gợi mở về triết lý sông sâu - triết lý của sự sinh tồn bằng tình đoàn kết, sẽ quật được hết những gian lao của đất trời…

-----------------------
Bài cuối: Làng trong ký ức

Sông Mẹ bao dung nhưng cũng đã bao phen cuồng nộ cuốn trôi những đất, những làng. Chuyến đò dọc sông Thu của chúng tôi kết thúc với những câu chuyện về những mảnh đất đã phủ vùi dưới đáy sông sâu.

Ghi chép của SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đò dọc sông Thu - Bài 5: Chuyện những cây cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO