Đò dọc sông Thu - Bài cuối: Làng trong ký ức

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG 15/05/2014 09:28

Những câu chuyện nhuốm màu tiếc nhớ qua bao bận sông đổi dòng chuyển bến đưa chúng tôi tìm lại ký ức về những mảnh đất đã phủ vùi dưới đáy sông sâu. Dù chỉ còn là rêu phong năm tháng, nhưng những nỗi niềm vẫn sống trong hồi ức những người đã gần thành xưa cũ…

  • Đò dọc sông Thu - Bài 5: Chuyện những cây cầu
  • Đò dọc sông Thu - Bài 4: Đêm trên sông Mẹ
  • Đò dọc sông Thu - Bài 3: Nghề xưa, bến cũ
  • Đò dọc sông Thu - Bài 2: Phận người, đời sông
  • Đò dọc sông Thu - Bài 1: Ký ức dòng sông
Lăng mộ Đức Sư Tạo ở làng Tiệm Rượu. Ảnh: Phương Giang
Lăng mộ Đức Sư Tạo ở làng Tiệm Rượu. Ảnh: Phương Giang

Những ngày đầu tháng 5, nắng nóng dữ dội, khiến nhiều người tìm ra sông hóng gió, ra ngồi dưới những bụi tre già xanh bóng dưới chân cây cầu Câu Lâu cũ. Làng tên Xuyên Mỹ, nhưng bất kỳ câu trả lời nào cũng gắn thêm vào địa danh Tiệm Rượu - tên của làng xưa nay đã im lìm dưới lòng sông. Gọi Tiệm Rượu vì vùng đất này ngày xưa nức tiếng với nghề nấu rượu, còn lý do dùng cái tên làng cũ chỉ đơn giản là vì ai cũng nhớ. Nhớ nên tất tần tật chuyện đất lở nhà trôi còn vanh vách như chỉ mới hôm qua. “Đúng y một đêm, sáng hôm sau thì cả làng chỉ còn lại mênh mông là nước. Lụt chi mà ghê gớm, có cái lạ là không ai bị chi thôi. Chạy được, chạy trong đêm” - ông già bên Tiệm Rượu kể với tôi về trận lụt năm nào. Nước cuốn nhiều ngôi nhà xuống đáy sông. Chứng tích của mất mát, ít ai ngờ, lại là những bụi tre già nơi chúng tôi ngồi nghe chuyện của ông già Tiệm Rượu. Mấy bụi tre này được trồng ngay chính trên thân bờ kè người ta đắp để chống sạt lở, qua bao nhiêu năm ôm lấy từng mảnh vườn, căn nhà của cư dân Tiệm Rượu sau trận lũ lịch sử ngày xưa. Ông già dẫn chúng tôi ra lăng mộ Đức Sư Tạo, nằm khuất dưới bụi tre già và một cây bồ đề lớn. Dân làng Tiệm Rượu thờ ông Sư Tạo, người có công cứu nhân độ thế, chữa bệnh cho dân làng. Mộ ông Sư Tạo vốn được lập thờ trên mảnh đất làng cũ, cách bờ sông cả trăm thước. Rồi lũ, đất lở bờ trôi, đến lúc không còn đợi được, dân làng phải làm lễ di dời mộ ông Sư Tạo vào sâu trong bờ. Mười sáu thước, rồi thêm hai mươi thước, dời đến mấy lần mà nước cứ lấn dần, lấn dần. Sợ một ngày lũ ập về, không kịp chạy, mấy ông già mới bàn nhau đúc một hộp xi măng to, bọc lấy áo quan thờ Đức Sư Tạo, rồi xây mộ như cũ để phòng có lỡ bị cuốn trôi thì cũng không trôi xa, mà còn dễ tìm để cải táng. Rồi mộ Sư Tạo bị trôi thật. Nhưng đúng như ý nguyện của mấy ông già, dân làng đi tìm lại được “hộp xi măng” táng thờ Đức Sư Tạo, lại đưa lên, xây dựng kiên cố, kè giữ để phòng lở đất, tồn tại tới bây giờ. Mỗi lần dời mộ, là một lần ghi dấu cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân Tiệm Rượu với dòng lũ. Chỉ để giữ lấy mạng sống của dân làng trong cơn cuồng nộ mưa và lũ…

“Sông sâu bên lở bên bồi/ Bên lở thì đục bên bồi thì trong”. Sự khắc nghiệt đã thành quy luật. Kiên gan bám đất, bám làng, ấy là trước và sau lũ. Còn trong lũ, kịp gánh gồng chạy giữa mênh mang mưa gió, sấm chớp đã là may. Dân Tiệm Rượu mất nhà, dời làng chỉ trong một đêm mưa gió. Còn biết bao nhiêu thôn làng, sông cứ thế nuốt dần từng ngôi nhà sau mỗi mùa mưa. Nước mắt ngắn dài trên đôi quanh gánh, không kịp ngoảnh nhìn mái nhà lần cuối khi con nước đỏ ngầu hung hăng ngoạm lấy bờ… Chợ Bàn Thạch xưa nổi tiếng là thế, biết bao người bước ra từ chợ, lớn lên bằng ký ức tuổi thơ ở chợ. Rồi nước lũ từ 3 dòng sông Thu, Bà Rén, Trường Giang chụm lại, đưa Bàn Thạch chợ chiếu xuống sông hay… ra biển, chỉ để lại mênh mang trời nước hợp lưu. Và niềm tiếc nhớ khôn nguôi về nền nhà xưa, về ngôi chợ cũ cùng tuổi thơ chẳng bao giờ trở lại.

Ký ức, dù buồn vui, cũng đều mặc nhiên trở thành một phần không thể tách rời của mỗi con người. Riêng với những người đã từng đôi lần tất tả chạy lụt, hay trân người nhìn nước bạc cuốn mùa của mồ hôi, nước mắt trôi theo dòng, ký ức càng không thể lãng quên. Chúng tôi về xóm Lở, dưới chân cầu Câu Lâu, cố tìm lấy câu chuyện mùa trôi của những người dân làng cũ, rồi ngược lên gò Mồ Côi (Điện Phong Gò Nổi, Điện Bàn), nơi từng mảng đất màu vẫn đang từng ngày đổ sụp theo sóng nước Thu Bồn. Những câu chuyện lòng rưng rưng. Sẽ không thể quên câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bảy, ở Duy Phước, Duy Xuyên trong trận lụt năm Thìn 1999. Từ xóm Lở, một đầu gánh con, một đầu gánh chó mèo theo dòng người chạy lên cây cầu Câu Lâu cũ. Ngoảnh nhìn lại, bến nước bao nhiêu năm ngồi giặt áo đã chỉ còn một màu nước loang, nhòe đi cùng nước mắt. Ở nơi chạy lũ đã thành nếp, còn lan can cầu cũ bị “xé” ra làm đường đi như xóm Lở, con nước cứ cướp dần nồi cơm. Ngày theo ngày, tháng theo tháng, xóm Lở liệu còn ở lại với bao nhiêu mùa “trôi” nữa, chẳng ai có thể trả lời.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

“Gò Mồ Côi sắp hết… mồ côi”. Chị Thanh trồng ớt trên gò đùa với tôi. Mấy chục năm trồng màu trên gò đất này, chị nói, đất giờ chỉ còn chưa đầy một nửa. Những sào bắp, sào ớt đỏ đã nằm giữa thăm thẳm ngoài kia, cách bờ hàng chục mét, còn những luống ớt của nhà chị bây giờ cũng đang chực chờ đổ ập ngay sát mé sông. Chị kể rằng sông nuốt đất “ngọt” tới mức từng hàng thẳng tắp trồng ớt, trồng màu đổ sập một lần, ra tới mép đất nhìn xuống mới thấy còn mấy thân cây nổi lềnh bềnh. Do trời, do sông, do mấy ghe hút cát, chị kể hết. Điều chị không kể, là những mất mát dành lại cho mình, cho những người đang đứng giữa cái nắng hè hơn 35 độ, chăm cho từng cây ớt, cây mè của mình lên xanh…

Đâu đó trên hành trình của dòng sông Mẹ, luôn là những bến lở bến bồi ăm ắp những buồn vui. Ai đó đã nói với tôi rằng đời người đôi lúc như một dòng sông, đục hay trong, có khi mình chẳng thể quyết định được, như bên lở bên bồi. Nhưng bây giờ chừng như đã khác. Ghe hút cát ầm ào ngay giữa đoạn sông qua gò Mồ Côi, một cái liếc mắt của những người nông dân đang hái ớt trên sông đủ để thay lời giải thích. Chợt nhớ đến dòng sông Di của Nguyễn Ngọc Tư: “Sông, thấy mênh mông mà dễ giết. Người ta ước tính làm một dòng sông cạn dễ hơn làm một con đường… Nhưng nó dào dạt theo cách của riêng mình”. Trên sông Di, câu chuyện về một ai đó, một căn phòng nào đó một ngôi nhà nào đó biến mất “quen đến nỗi người ta thò đôi đũa ra gắp thức ăn thì không thấy mâm cơm đâu nữa, họ đứng dậy rót rượu và cái ghế còn ấm hơi người lẳng lặng rơi xuống sông và người kia khi ngồi phịch vào khoảng không cũng biến mất”. Rồi sẽ chỉ còn ký ức. Ký ức mùa trôi, làng trôi…

Hành trình của sông, vẫn cứ thế miên miết về phía biển. Sông vẫn còn dành dụm cho người, cho đời những gánh phù sa…

*
*         *

Chúng tôi khép lại hành trình dọc sông Thu của mình, bằng những gánh phù sa. Sẽ không thể đủ sức đi hết lòng sông Mẹ để đo đếm có bao nhiêu làng, để lắng nghe những chuyện gắn với dòng sông. Chỉ có những gánh phù sa luôn là “của để dành”, riêng cho những người con lớn lên bằng tình yêu dạt dào với dòng sông Mẹ. Sông sẽ hòa mình ra biển, nơi những ngày này, chiến sĩ của chúng ta, đồng nghiệp của chúng tôi đang căng mình trước làn sóng dữ. Sông sẽ mang niềm tin của những người con đất liền hướng về biển đảo, hướng về từng tấc chủ quyền ngoài khơi xa. Một niềm tin sắt đá, vẹn nguyên và hừng hực hào khí Việt…

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đò dọc sông Thu - Bài cuối: Làng trong ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO