Mấy tuần qua, nhiều người dân đang chờ chủ đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mà nhất là doanh nghiệp (DN) đảm nhận gói thầu 3A khu vực phía bắc cầu Kỳ Lam (Điện Bàn) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 có động thái tích cực trong việc hợp tác nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân vùng dự án. Xin được nhắc lại, đơn vị này mượn đường dân sinh qua 2 thôn Kỳ Long, Kỳ Lam (Điện Thọ) để làm đường công vụ vào công trình và ký quỹ 4 tỷ đồng (có bảo lãnh) nhằm hoàn trả lại nguyên trạng sau khi hoàn thành gói thầu. Hiện trạng cấp đường liên thôn thấp, tải trọng không quá 18 tấn nên mau xuống cấp. Nhưng trọng tải phương tiện chuyên chở trang thiết bị máy móc, vật liệu thi công công trình lớn gấp đôi, gấp ba gây dư chấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của nhà dân nằm ven đường. Bức xúc trước sự việc trên, người dân đã làm gác chắn không cho xe lưu thông.
Các bên liên quan đã mời đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đến đo, đánh giá phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại hiện tại cũng như 2 năm sau (khi hoàn thành công trình) để DN ký quỹ 3,1 tỷ đồng đền bù cho người dân; có như thế, địa phương mới tổ chức họp thông báo bà con thống nhất nội dung liên quan mà yên tâm tháo dỡ gác chắn. Sự việc tưởng chừng đã “hạ hồi phân giải” sau chuyến đi thực địa, họp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng của lãnh đạo tỉnh với địa phương cơ sở, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và nhà thầu, vậy mà tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn với UBND tỉnh diễn ra cuối tuần qua, đại diện đơn vị thi công ra sức “kể lể”, “quy” dân cản trở không cho xe chạy gây thiệt hại rất lớn cho họ. Vị này “đổ lỗi” khiến nhiều thành viên dự họp không bằng lòng, do chuyện đã rõ như ban ngày. Đến độ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải cắt lời và sau đó kết luận DN phải thực hiện ký quỹ, phối hợp tốt cùng địa phương đảm bảo công tác an dân.
Cũng liên quan đến việc “đổ lỗi”, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp giải thích nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành kém của người dân. Vì vậy, họ tập trung thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), đồng thời tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê thừa nhận, bao nhiêu kinh phí phục vụ tuyên truyền đã được phân bổ, tuy nhiên hiệu quả thật sự chưa cao. Điều đó không khó lý giải, bởi mục đích yêu cầu đặt ra là xác đáng song cách làm nhiều lúc lại không gắn với thực tế, điều chỉnh hành vi người dân từ vi phạm đơn giản nhất. Ví dụ, giữa các khoảng của đoạn đường đôi (hay thường gọi là đường một chiều), cơ quan chức năng đặt biển báo cấm đi ngược chiều. Nhưng ở vùng nông thôn, không ít người dân không biết được quy định đó, nên nhiều trường hợp lưu thông ngược chiều vào làn đường dành cho ô tô rất nguy hiểm. Vậy, tại sao Ban ATGT địa phương không gắn thêm bên dưới một biển báo phụ ghi rõ “không được đi ngược chiều” và có trích lược vi phạm sẽ chịu mức phạt như thế nào. Đồng thời mỗi lần họp dân, người có trách nhiệm ở thôn, khối phố, tổ đoàn kết dành chút ít thời gian nhắc lại vấn đề trên. Để đến khi xảy ra sự việc đáng tiếc lại đổ lỗi tại dân.
SÁU CÒI