"Đỏ mắt" tìm lao động

LÊ DIỄM 19/06/2017 08:22

Dù được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng thị xã Điện Bàn vẫn chưa thể đào tạo nghề may cho lao động theo Quyết định 3577.

Người lao động ở Điện Bàn thích bán buôn hoặc làm nghề khác hơn là đi học và làm nghề may. Ảnh: D.L
Người lao động ở Điện Bàn thích bán buôn hoặc làm nghề khác hơn là đi học và làm nghề may. Ảnh: D.L

Nằm ở vị trí thuận lợi, tập trung đông doanh nghiệp ngành may mặc nhưng Điện Bàn lại đối mặt với thực tế không thể chiêu sinh để đào tạo ngành may mặc. Vì thuận lợi hơn những địa phương khác, dân số lại đông, nên Điện Bàn được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” khi thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh về đào tạo nghề may công nghiệp cung ứng cho các doanh nghiệp. Chỉ tiêu được giao cho Điện Bàn là đào tạo 1.000 lao động trong năm 2017. Một con số quá lớn, theo như đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH thị xã. Và ngành chức năng chỉ mong đào tạo được 1/5 chỉ tiêu đã là thành công. Nhưng xem ra, con số 200 lao động được đào tạo ngành may mặc để cung ứng cho doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng. Bởi đã qua 6 tháng đầu năm 2017 vẫn chưa mở được lớp nào.

Ông Trần Ngọc Hưng - Phó phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn cho biết, từ khi có Quyết định 3577, Thị ủy, UBND thị xã đều có công văn chỉ đạo thực hiện, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong tuyên truyền chính sách đến người dân. Phòng LĐ-TB&XH thị xã cùng với Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam liên tục đi đến từng địa phương để tuyên truyền chính sách, vận động học nghề nhưng vẫn không có lao động nào đăng ký đi học. “Bây giờ, lao động của Điện Bàn muốn làm việc trong doanh nghiệp thường đến trực tiếp nộp hồ sơ xin việc, lao động chưa có tay nghề thì doanh nghiệp đào tạo rồi làm việc luôn. Những lao động lớn hơn tuổi 35 thì không tuyển dụng, còn dưới 35 phần lớn đi học, đi làm nghề khác có thu nhập cao hơn chứ không theo nghề may. Lao động cho rằng ngành may mặc làm việc thời gian gay gắt hơn, thu nhập lại không cao nên không đăng ký đi học” - ông Hưng nói.

Còn đại diện một địa phương vùng cát của thị xã Điện Bàn cho rằng, thực trạng chung ở khu vực này do điều kiện ở gần các khu, cụm công nghiệp nên người lao động chủ động tìm kiếm việc làm. Họ thường chọn các ngành, nghề khác thu nhập cao hơn, thời gian làm việc không căng thẳng như làm công nhân may. Trung bình, mỗi ngày đi làm, lao động là thợ xây được trả thù lao từ 300 - 350 nghìn đồng, phụ hồ từ 280 - 300 nghìn đồng, bất kể lao động nữ hay nam cũng được tuyển dụng. Làm việc từ thứ Hai đến thứ Bảy được nhận tiền công mang về, Chủ nhật nghỉ ở nhà làm việc nhà. Với những lợi ích trước mắt, họ thường chọn đi làm nghề này thay vì tham gia đào tạo nghề bài bản, dù có chế độ hỗ trợ theo quy định.

Thêm một thực tế đang diễn ra ở thị xã Điện Bàn, đây là nơi tập trung đông lao động đến từ các địa phương khác đổ về làm việc ở các khu, cụm công nghiệp. Nên người dân ở Điện Bàn chuyển hướng sang kinh doanh, buôn bán. Chị Võ Thị Lễ, một người còn khá trẻ khi được hỏi về học nghề may, cho hay: “Học nghề vừa vất vả lại mất thời gian. Trong khi đó, tôi làm bánh bán dạo cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng, đủ để trang trải cuộc sống, lại chủ động thời gian chăm lo gia đình”. Đó là lý do khá chính đáng mà chị Lễ cũng như nhiều lao động khác của Điện Bàn không thích đi học nghề may để đi làm.

Từ những yếu tố nêu trên, Điện Bàn đang đứng trước nguy cơ không thể thực hiện hóa Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng cho các doanh nghiệp may mặc. Và câu chuyện thiếu lao động ngành may vẫn “đến hẹn lại lên”, nhất là thời gian cao điểm.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đỏ mắt" tìm lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO