Từ lợi thế của vùng đất mở, đón làn gió đầu tư mới, Quảng Nam dốc sức cho cuộc chạy đua phát triển đô thị liên hoàn, gắn kết giữa các vùng miền. Khát vọng xây dựng đô thị từ rừng xuống biển, từ ý tưởng đến chương trình hành động cho “chuỗi đô thị” tương lai đã biểu lộ rõ ràng.
Quảng Nam đang mở rộng quy hoạch đô thị theo hướng bền vững. Ảnh: H.Hoàng |
Từng là nơi có thương cảng Hội An - một đô thị thương mại lớn nhất của xứ Đàng Trong Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVI-XVIII, nhưng lịch sử hình thành, phát triển của không gian đô thị xứ Quảng có dăm ngả rẽ qua các chặng đường.
Nâng tiện ích dịch vụ đô thị
Tiếp biến, thừa hưởng thuận lợi từ vùng đất hội thủy, hội văn, hội nhân thuở nào, phát triển chuỗi đô thị Quảng Nam ngày nay đã khôn ngoan bám theo “cơ thể sống” hiện hữu, lấy các tiêu chí phát triển thương mại năng động, đời sống thị dân, định hướng quy hoạch không gian... làm những yếu tố then chốt để mở rộng không gian đô thị. Khát khao phát triển theo hướng hiện đại, nhiều vùng, địa phương mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao chất lượng đô thị, kiểm soát môi trường, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Các khu, cụm công nghiệp giải quyết hàng chục nghìn lao động cho người dân địa phương đã góp phần không nhỏ vào quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, nhiều nơi quá trình đô thị hóa vẫn chật vật. Tại thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh) nhiều năm gặp khó với đô thị loại 5, do hạ tầng yếu kém và quy mô dân số. Ngay ở trung tâm hành chính của tỉnh như TP.Tam Kỳ, dù mới được Bộ Xây dựng công nhận đạt các tiêu chí của đô thị loại 2, nhưng vẫn không thể đảm bảo tiêu chí dân số. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so mức bình quân của cả nước. Không gian đô thị chủ yếu mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chứ bản thân chưa có thay đổi lớn về chất.
Đô thị hóa của tỉnh bám theo trục quốc lộ 1 kết nối các đô thị Núi Thành, Tam Kỳ, Hà Lam, Hương An, Nam Phước, Điện Bàn. Trục đường bộ ven biển kết nối các đô thị ven biển như Núi Thành, Tam Kỳ, Bình Minh, Duy Nghĩa và đô thị chuyên ngành Hội An. Trục Hồ Chí Minh kết nối dải đô thị P’rao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức. Quảng Nam hiện có 15 đô thị với dân số hơn 300.000 người. Hiện, Quảng Nam có 12 đô thị loại V, 1 đô thị loại IV là thị xã Điện Bàn, 1 đô thị loại III là TP.Hội An và 1 đô thị loại 2 là TP.Tam Kỳ. Ngoài ra, có 3 khu vực phát triển đô thị theo chức năng đặc thù gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. |
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho biết, là đô thị trẻ, TP.Tam Kỳ còn ngổn ngang, dở dang nhiều hạng mục xây dựng, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng đô thị theo chuẩn, nâng cao dịch vụ đô thị, cải thiện chất lượng đời sống thị dân theo hướng nâng tỷ lệ nhà kiên cố, tăng mật độ cây xanh, điện chiếu sáng, các công viên, khu vui chơi, giải trí… “Tựu trung là chính quyền thành phố quyết tâm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các tiện ích xã hội; định hướng phát triển về không gian sinh thái, đô thị xanh” - ông Nam khẳng định. Còn theo ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng, có nhiều sự lựa chọn cho mô hình “chuỗi đô thị” tương lai, nhưng khát vọng của Quảng Nam là xây dựng đô thị có bản sắc riêng, tạo dấu ấn không gian đô thị mang tính tổng thể và bền vững. Đô thị, cốt lõi vẫn là nhịp sống, tiện ích dịch vụ, hướng đến đa chức năng chứ không thể cứ mãi là trung tâm - hành chính đơn điệu như đã hiện hữu lâu nay. Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách có liên quan đến quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Lấp khoảng trống đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu từng lý giải nguyên nhân chậm phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh rằng là do hạn chế trong nguồn lực đầu tư, động lực phát triển dân số. Vậy nhưng, phát biểu tại buổi lễ khánh thành đưa vào sử dụng cầu Cửa Đại cuối tuần qua, ông lại rất lạc quan cho rằng, đây là cơ hội vàng để phát triển vùng đông, hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế và đô thị. Cây cầu Cửa Đại phá thế cô lập giữa Đà Nẵng – Hội An với các huyện ven biển trong tỉnh và là một “mắt xích” quan trọng trong vùng động lực kinh tế duyên hải miền Trung. Lợi dụng đầu tư kinh tế để hình thành chuỗi đô thị ven biển, đó là ý đồ rõ nét trong mở rộng không gian đô thị của tỉnh. Tín hiệu vui là đầu năm 2016, UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tạo thêm 1.500ha đất sạch, xúc tiến đầu tư các dự án với không gian rộng 42.000ha, bao gồm cả Khu kinh tế mở Chu Lai và dự án tổng thể sắp xếp dân cư dọc 25 xã, phường, thị trấn ven biển. Kế hoạch đầu tư xây dựng vùng đông sẽ ưu tiên các dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An; công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn phát triển đô thị Tam Kỳ; dự án chương trình phát triển công nghiệp sạch và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng...
Vùng ven biển phát triển 8 đô thị các loại. Trong đó, 6 đô thị đã hình thành (các đô thị Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Hà Lam, Nam Phước), thì đang định hình 2 đô thị Nam Hội An và Bình Minh (Thăng Bình). Tận dụng nguồn vốn đầu tư nông thôn mới, nhiều vùng ven biển có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng đô thị. Quy mô của đô thị ven biển bắt đầu manh nha từ khi các dự án phát triển du lịch, bất động sản ồ ạt đầu tư vào đây. Điều này khiến các cơ quan hoạch địch chính sách, cơ quan quản lý và chính quyền phải có tầm nhìn xa về quy hoạch không gian đô thị. Nói cách khác, “cơ thể sống” của đô thị sẽ không bị tách rời và tăng cường các chức năng bổ trợ cho nhau, chứ không phải là đô thị “lên đời”. Nhiều người lạc quan, nếu lấp được các khoảng trống đầu tư, vùng ven biển sẽ chia sẻ về tiện ích đô thị, mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn sẽ dính kết tạo động lực phát triển đồng bộ và hài hòa.
HỮU PHÚC