Đô thị chống chịu với thiên tai

HỮU PHÚC 03/07/2016 06:38

Quy hoạch xây dựng các đô thị lớn của tỉnh thời gian qua có tính toán đến dự báo sự khốc liệt của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu (BĐKH). Cho nên, hướng đến một đô thị thông minh nhất thiết phải có một “cơ thể” khỏe mạnh, chống chịu được với thiên tai.

Phát triển xây dựng các đô thị hiện nay luôn xem trọng đầu tư hạ tầng ứng phó với thiên tai.Ảnh: H.PHÚC
Phát triển xây dựng các đô thị hiện nay luôn xem trọng đầu tư hạ tầng ứng phó với thiên tai.Ảnh: H.PHÚC

Giảm chất lượng cuộc sống

BĐKH đã, đang là một trong những trở ngại lớn nhất làm giảm chất lượng đời sống của người dân vùng đô thị. Nắng nóng kéo dài gây hiện tượng hạn hán cục bộ, rồi bão lũ, sấm sét xuất hiện ngoài gây thiệt hại lớn về người và tài sản, còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của khu vực đô thị. Các đô thị Hội An, Điện Nam - Điện Ngọc, hay Tam Kỳ nằm nơi đầu sóng ngọn gió đang chịu tác động trực tiếp bởi hiện tượng nước biển dâng và BĐKH.

Tại Quảng Nam, dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung bằng nguồn vốn ADB, hay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới mới triển khai ở mức độ “phát lộ” ban đầu và tiến trình thực hiện cũng không như mong muốn.

Hạn chế của đô thị lớn trong tỉnh là thoát lũ chậm. Nguyên nhân chính vẫn là chưa đồng bộ trong hệ thống xây dựng. Vì vậy, nâng chất cho kết cấu hạ tầng đô thị phải hoàn chỉnh chức năng thoát lũ và tăng khả năng chống chịu với sức tàn phá của thiên tai. (Kiến trúc sư Hoàng Sừ)

Nhìn tổng thể, các giải pháp đối phó với BĐKH chủ yếu ở hạng mục bảo vệ các vùng ven như xây đắp, di chuyển, ứng cứu, nâng cao nhận thức cho người dân khu vực đông dân cư. Còn nhớ, năm 2009 cơn bão số 9 gần như “quét sạch” TP.Đà Nẵng trên diện rộng; hàng trăm nhà cửa xây dựng khu vực đô thị bị đổ sụp. Gần đó, là đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, phố cổ Hội An cũng rơi vào tình cảnh nhà cửa, hạ tầng đô thị “xơ xác mướp”. Đến mùa bão lũ, người dân đô thị cổ Hội An luôn sống trong tâm trạng bất an. Chính quyền lại càng lo hơn cho những ngôi nhà cổ xuống cấp chìm trong biển nước. Lo lắng về rủi ro thiên tai, đô thị bây giờ còn hứng chịu thêm tác nhân từ các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn xả lũ.

Thưa thớt, thậm chí lại “trắng” bản đồ các khu vực có nguy cơ ngập nước, sạt lở, lũ quét tại các khu vực đô thị. Điều dễ nhận thấy, người dân lâu nay giữ thói quen sống chung với lũ, thay vì phải tìm cách lánh xa chỗ mất an toàn. Đô thị Tam Kỳ xác định, vùng trũng thấp thường xuyên ngập úng vào mùa lũ nằm dọc sông Bàn Thạch, thuộc các khối phố Hồng Lư, Bàn Thạch, Hương Trung (phường Hòa Hương), khối 6 (phường Phước Hòa). Còn ở Hội An, hầu như khu vực phố cổ nào cũng cùng chung số phận ngập lụt như nhau – vì ở hạ lưu sông. Mùa lũ, người dân các khu vực này bị cô lập, đi lại khó khăn, nhất là các em học sinh đến trường tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao.

Kiến trúc sư Hoàng Sừ - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, hạn chế của đô thị lớn trong tỉnh là thoát lũ chậm. Nguyên nhân chính vẫn là chưa đồng bộ trong hệ thống xây dựng. Vì vậy, nâng chất cho kết cấu hạ tầng đô thị phải hoàn chỉnh chức năng thoát lũ và tăng khả năng chống chịu với tàn phá của thiên tai.

Ưu tiên nguồn lực cho môi trường

Thời điểm này, tại khu vực trung tâm TP.Tam Kỳ đã thực hiện xong dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung bằng nguồn vốn ADB. Dự án thu gom, xử lý nước thải và thoát nước TP.Tam Kỳ có tổng mức đầu tư hơn 526 tỷ đồng bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng ngân sách nhà nước cũng đã đưa vào sử dụng, giải quyết đáng kể bài toán ngập úng và xử lý nước thải khu vực đô thị.

Gần đây, các đô thị Tam Kỳ, Hội An bên cạnh đồng loạt xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, xây bờ kè sông, còn huy động nhiều nguồn lực trồng cây xanh để hướng đến thành phố sinh thái thân thiện với môi trường. Với đô thị Chu Lai (Núi Thành), UBND tỉnh đang xúc tiến đầu tư để hình thành một đô thị văn minh, hiện đại theo hướng đô thị tổng hợp của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Từ nguồn vốn đầu tư hơn 39 triệu euro (vốn vay ODA của chính phủ Đức và đối ứng ngân sách tỉnh), giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng mới và cải tạo hệ thống thu gom, xử lý 80% lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp của đô thị Chu Lai. Kiểm soát, nâng cao khả năng tiêu thoát nước mưa góp phần giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ của đô thị. Đồng thời xây dựng hệ thống kè sông giải quyết được cơ bản tình trạng ngập úng tại các khu dân cư. Cũng trong thời gian này, sẽ đầu tư hệ thống thoát nước chính và kè chống ngập lụt bờ sông Bến Ván; xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu đô thị Tam Hiệp công suất 10.000m3/ngày đêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đơn vị phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá các chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã và đang triển khai; hướng dẫn nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các giải pháp thích ứng nhằm khắc phục thiên tai, BĐKH và nước biển dâng trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn và tổ chức không gian đô thị.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị chống chịu với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO