Đô thị cổ Hội An: Còn đó nỗi lo!

QUỐC HẢI 29/11/2014 08:43

Sau 15 năm đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 – 4.12.2014), công tác quản lý, bảo tồn đã đạt nhiều kết quả to lớn nhưng nỗi lo cũng không hề nhỏ.

Nỗi lo cháy nhà cổ luôn thường trực. Ảnh: QUỐC HẢI
Nỗi lo cháy nhà cổ luôn thường trực. Ảnh: QUỐC HẢI

Giá trị khác biệt

Đánh giá thành tựu sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Di sản ngày càng được trân trọng, giữ gìn; sự xuống cấp của di tích được ngăn chặn kịp thời. Trước khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, toàn bộ khu phố cổ chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ, nhưng trong 15 năm qua đã đầu tư tu bổ 414 ngôi nhà với tổng kinh phí gần 189 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Trung, thông qua hoạt động quản lý, bảo tồn, bộ máy quản lý cũng được tăng cường, củng cố, cảnh quan chung của đô thị cổ đã được giữ gìn. Hơn nữa, trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn được nâng cao về năng lực và cả nhận thức; kinh nghiệm tu bổ di tích được tích lũy nhiều hơn.

Thực tế, không chỉ khu phố cổ, các làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử ở các vùng phụ cận cũng được bảo tồn và phát huy. Những hoạt động sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo vẫn được duy trì và tiếp tục sáng tạo, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Hiện mỗi xã phường đã có những sản phẩm du lịch của riêng mình, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trên nền tảng các giá trị văn hóa.

Từ khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới đến nay, Hội An đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đẩy mạnh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Từ mức GDP bình quân là 410 tỷ đồng năm 2000 đã tăng lên 3.037 tỷ đồng năm 2013; trong đó, thu nhập bình quân đầu người từ 417 USD tăng lên 1.558 USD/người. Đặc biệt, doanh thu từ thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn, từ 54% năm 2000 lên 70% năm 2013. Hơn hết, du lịch phát triển mạnh, chất lượng cuộc sống cộng đồng tăng lên rõ rệt nhưng phố cổ vẫn giữ được sự yên bình, trầm mặc vốn có.

Nếu không giữ gìn các giá trị vô giá của di sản, Hội An không thể phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch dịch vụ như hiện nay. Vì thế, trong những lần kỷ niệm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước đây, lần nào ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cũng nhắc đi nhắc lại: “Trước khi UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, Hội An vốn đã là di sản của dân tộc. Vì vậy, thế hệ hôm qua và cả hôm nay đều có trách nhiệm giữ gìn và tôn tạo các giá trị trở thành khác biệt, đặc sắc”.

Lo ngại

Sự khác biệt và tính đặc sắc của Hội An đã và đang được cộng đồng quốc tế công nhận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn di sản đang đối diện với sự xuống cấp nhanh chóng của các di tích trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu. Thêm vào đó, năng lực tài chính của địa phương cũng như các chủ di tích chưa đủ để tham gia trùng tu, tôn tạo dù đã có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Tháng 1.2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025”, quy mô lớn với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương, tài trợ quốc tế và xã hội hóa. Thế nhưng, 2 năm qua vẫn chưa có nguồn để triển khai.

Hiện kỹ thuật tu bổ kiến trúc gỗ cơ bản đã được giải quyết nhưng nguồn vật liệu cung cấp cho tu bổ, đặc biệt là di tích gỗ đang là một khó khăn. Cũng nói thêm rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trên lĩnh vực này có số lượng ít, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng, đó là chưa kể đến việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng.  “Điều ám ảnh tôi là cháy phố cổ, nó ở liền kề, hằng ngày hằng giờ. Mà cháy nhà trong phố cổ có rồi, cho nên chúng tôi luôn phải hết sức chú ý” - ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố nói.

Theo chính quyền thành phố, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 70/2012 và Nghị định 15/2013 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và quản lý chất lượng các công trình tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử, danh thắng,… thì có quá nhiều khó khăn, vướng mắc khiến cho cả chủ di tích lẫn cơ quan chức năng hoang mang, lo lắng vì thủ tục hành chính kéo dài thời gian; các di tích muốn sửa chữa, tôn tạo đều phải qua Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng để thẩm định.

Phố cổ yên bình.
Phố cổ yên bình.

Trước những khó khăn đó, Hội An đã có cơ chế cụ thể hỗ trợ những chủ di tích tư nhân có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, thu lợi từ chính di sản của mình để tái đầu tư trùng tu, tôn tạo. Công tác trùng tu, tu bổ luôn có đề án, kế hoạch cụ thể, không làm tràn lan mà chọn những di tích trọng điểm, cứu nguy khẩn cấp. Những định hướng lâu dài, bảo vệ tầm xa cho khu phố cổ tránh những tác động từ thiên tai khắc nghiệt, từ áp lực của phát triển kinh tế du lịch và cả áp lực dân số cũng đã được đề ra. “Quy hoạch tổng thể sẽ đầu tư căn cơ, lâu dài hơn cho việc tu bổ di tích, đặc biệt là chính sách ưu tiên hỗ trợ cho người Hội An ở lại ngay trong ngôi nhà mình, có thể hỗ trợ tu bổ 100% kinh phí trùng tu. Khi người Hội An trụ lại thì giá trị di sản còn mãi” - ông Nguyễn Chí Trung khẳng định.

UNESCO nhận định rằng, xét về mức độ nghiêm trọng thì hỏa hoạn, lụt, bão và tác động của con người đều được xem là có nguy cơ cao hoặc cực kỳ nguy hiểm đối với khu di sản Hội An. Vì thế, cùng với các giải pháp căn cơ, cốt yếu của vấn đề chính là nhận thức, vai trò của người dân địa phương. Hành động mỗi ngày của họ sẽ bảo tồn một cách tốt nhất di sản, từ đó phục vụ nhu cầu cuộc sống của chính mình.

Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, chính quyền Hội An có nhiều cơ chế khuyến khích để họ đồng hành với di sản, nhằm khẳng định giá trị riêng có của địa phương.

Hiện nay, hơn 200 doanh nghiệp du lịch tại Hội An đều đang có bước chuyển mình đáng kể. Hầu hết đều tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình và liên kết chặt chẽ với nhau nhằm khai thác tốt thị trường trong nước cũng như bảo vệ quyền lợi chung trước sự cạnh tranh của các công ty du lịch, lữ hành quốc tế và trong nước. Xuất phát từ việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống mà Hội An đã có nhiều loại hình dịch vụ du lịch “đặc hiệu” như lồng đèn, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc giải quyết hàng ngàn lao động, những nghề truyền thống này cũng đã kinh doanh qua mạng Internet và xuất khẩu với thương hiệu vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty DL-DV-TM Hoa Hồng cho hay: “Các tập đoàn kinh doanh du lịch, lữ hành tên tuổi của thế giới đã đầu tư vào miền Trung và Quảng Nam, Đà Nẵng. “Chiếc bánh” lữ hành chắc chắn sẽ bị chia phần bởi các công ty trong và ngoài nước. Vì thế, bên cạnh các chương trình in bound và out bound, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện và nâng chất lượng hơn nữa các tour - tuyến trong nước và đặc biệt là tại Hội An với các chương trình riêng có, đậm bản sắc”.

Đến nay, ngoài các cơ chế khuyến khích đầu tư cho du lịch áp dụng hơn 15 năm qua, Hội An đã quy hoạch phát triển ngành du lịch và đang “tự làm mới” bằng nhiều quy chế “cởi trói” cho doanh nghiệp cũng như sắp xếp lại toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phố cổ.

Từ lâu, Hội An đã không cho phép xây dựng khách sạn trong khu vực I của phố cổ; quy hoạch xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, ẩm thực về đêm. Thành phố đã giải quyết từng vướng mắc của các doanh nghiệp, triển khai các dự án xây dựng khu du lịch sinh thái với nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Hội An đã áp dụng quy chế mới cho việc kinh doanh trong phố cổ nhằm hạn chế tình trạng phát triển thương nghiệp ồ ạt, tự phát, gây nguy cơ phá vỡ không gian tĩnh lặng của phố. Việc sắp xếp lại kinh doanh là tạo điều kiện cho người dân và bảo vệ tốt di sản; từ đó, người dân hưởng lợi một cách chính đáng từ hoạt động dịch vụ du lịch”.

Có thể thấy, mọi nỗ lực của Hội An đều hướng đến mục đích giữ gìn tốt nhất quần thể kiến trúc đô thị cổ, cơ sở đầu tiên để phát triển ngành dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và “dọn đường” cho một cuộc hội nhập mới của các doanh nghiệp với nhiều thách thức từ cạnh tranh cũng như rủi ro.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị cổ Hội An: Còn đó nỗi lo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO