Đô thị dè dặt dùng nước máy

HỮU PHÚC 05/02/2020 08:33

Tại buổi làm việc với Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam sáng 3.2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đưa ra nhiều vấn đề cần giải quyết về an ninh nguồn nước trong mùa khô 2020, nhất là khu vực đô thị.

Tỉnh có nhiều cơ chế thu hút các hình thức đầu tư nước sạch tập trung. TRONG ẢNH: Dây chuyền sản xuất của Nhà máy nước BOO Phú Ninh tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành). Ảnh: H.P
Tỉnh có nhiều cơ chế thu hút các hình thức đầu tư nước sạch tập trung. TRONG ẢNH: Dây chuyền sản xuất của Nhà máy nước BOO Phú Ninh tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành). Ảnh: H.P

Tỷ lệ thấp

Nằm gần lưu vực lòng hồ Phú Ninh, nhưng nhiều năm nay người dân sinh sống ở các khu vực đông dân cư trên địa bàn huyện Phú Ninh, kể cả thị trấn Phú Thịnh vẫn không mặn mà đấu nối nước sạch từ nhà máy sản xuất. Nhà máy nước Phú Thịnh hiện có công suất 1.000m3/ngày đêm, lấy nước thô từ kênh chính Phú Ninh. Tuy nhiên, năm 2019, nhà máy này chỉ sản xuất bình quân hơn 400m3/ngày đêm, trong số hàng nghìn hộ dân sinh sống ở thị trấn thì đến nay chỉ có hơn 460 khách hàng ký kết hợp đồng dùng nước lâu dài với nhà máy (chiếm tỷ lệ 20% người dân đô thị dùng nước máy). Tương tự, nằm ở hạ du sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên thường đối mặt với tình trạng nguồn nước sông bị xâm nhập mặn cục bộ vào mùa khô. Nhà máy nước Nam Phước (Duy Xuyên) chủ yếu lấy nước thô từ sông Thu Bồn. Theo thống kê của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, tỷ lệ người dân nội thị Nam Phước dùng nước máy chỉ đạt 33%. Tìm hiểu được biết, cục bộ một số nơi ở Đại Lộc, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không đảm bảo vệ sinh hoặc thiếu nước do chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Các đợt nắng nóng cao điểm mùa khô năm 2019 đã làm cho nước sông Vĩnh Điện, một số vị trí ở Hội An bị nhiễm mặn.

Theo ông Ngô Đức Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, đối với Nhà máy nước Nam Phước, năm 2020 công ty tiếp tục sử dụng nguồn nước từ sông cầu Đen do nguồn nước này đã được Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đắp đập ngăn mặn từ đầu năm. “Về lâu dài, công ty xin chủ trương của tỉnh để đầu tư tuyến ống cấp nước lấy từ nguồn nước nhà máy Trảng Nhật theo cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 180 của HĐND tỉnh thì mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nước nhiễm mặn của Nhà máy nước Nam Phước” - ông Trung đề xuất. Tình trạng người dân thờ ơ với nước máy không chỉ xảy ra ở thị trấn, thị tứ khu vực miền núi, trung du mà còn tái diễn ngay tại đô thị cổ Hội An. Theo thống kê của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, thời điểm này tỷ lệ người dân dùng nước máy ở nội thành chỉ đạt 62%; cá biệt phường Cẩm An chỉ 2% tổng số hộ dân dùng nước máy do phần lớn các hộ gia đình tự khai thác nước giếng phục vụ sinh hoạt.

Cần đầu tư vùng lõm

Không có tư tưởng độc quyền cấp nước sạch

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam vào sáng 3.2. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển, xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch tập trung; hạn chế việc chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập đầu tư nước sạch qua kênh bán sỉ - lẻ. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận đóng góp của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam trong tranh thủ được nguồn vốn ODA vào đầu tư nước sạch, cơ bản đảm bảo cung cấp nước cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời lưu ý, việc đầu tư công trình nước sạch tập trung của công ty phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, tránh xung đột khi đầu tư mạng lưới ngầm. Sở Xây dựng cần xây dựng bộ tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng khi bàn giao về thì địa phương lúng túng trong vận hành, quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Để giải quyết “khủng hoảng” an ninh nguồn nước sạch, cuối năm 2015 HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, các dự án đầu tư công trình nước sạch tập trung vẫn còn ít ỏi và khó đạt được chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra. Ngày 23.4.2019, UBND tỉnh phê duyệt danh mục 30 công trình nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019 - 2020. Tuy vậy, thời điểm này mới có 8 dự án nằm trong danh mục đang được các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng. Qua tìm hiểu được biết, các dự án nhà máy nước xây dựng ở khu vực đô thị vùng tây tính giá nước sạch sau khi đầu tư thường cao hơn mức do UBND tỉnh quy định. Đây là một trong những yếu tố khiến người dân các huyện miền núi ngại đấu nối nước sạch của nhà máy.

Theo ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, nhà đầu tư không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng ở khu vực đông đúc dân cư, mà nên quan tâm đến vùng lõm, vùng khó khăn về nước sạch. Về việc lấy nước thô từ kênh thủy lợi cần phải tính toán đến diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và có phương án dự phòng. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý Sở TN&MT, Sở NN&PTNT theo dõi, giám sát giữa 2 vụ hè thu, đông xuân phải có khoảng thời gian cắt nước, lấy nước trực tiếp từ hồ chứa thủy lợi, xem xét quyết định chuyển nước từ các hồ sang cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. “Mùa khô năm nay, sông Cổ Cò tiếp tục được nạo vét chắc chắn sẽ bị nhiễm mặn, nên đòi hỏi chủ đầu tư nhà máy nước, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam phải có phương án cấp nước tạm cho dân. Với vùng lõm, vùng khó khăn về nước sạch tập trung, tỉnh sẽ nghiên cứu tính toán cơ chế riêng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị dè dặt dùng nước máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO