Đô thị hóa nhìn từ thị tứ

HÀ SẤU 05/09/2021 06:50

Phần lớn thị tứ từ xưa vốn là nơi tụ họp sầm uất của làng. Khi vòng quay đô thị hóa dần chạm ngõ làng, các thị tứ cần thích ứng để vừa giữ vai trò trung tâm phát triển vừa bảo tồn cảnh quan, bản sắc văn hóa, lịch sử riêng có.

Ngã ba Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Ảnh: H.S
Ngã ba Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Ảnh: H.S

 “Phố” ở làng

Các thị tứ ở một quy mô nhỏ thường mặc định là trung tâm của các xã phường. Ngược dòng lịch sử, nhiều thị tứ trên đường thiên lý bắc nam hoặc ngược lên thượng nguồn đều có lịch sử phát triển sôi động, được duy trì, phát triển từ quá khứ đến hiện tại.

Có thể kể ra như chợ Phong Thử (thôn Phong Thử), chợ Bình Long (thôn Nhị Dinh) ở Điện Bàn vào chợ Quán Gò (thôn An Thành), chợ Kế Xuyên (thôn Kế Xuyên) ở Thăng Bình hay chợ Việt An (thôn Việt An) của huyện Hiệp Đức…

Từ chỗ xuất hiện hoạt động buôn bán sầm uất, dần dà những nơi đó trở thành các trung tâm của xã, liên xã và trở thành các thị tứ hoặc quy hoạch thành các thị tứ.

Từ lâu việc quy hoạch bố trí trung tâm hành chính xã, trạm y tế, trường học… cũng thường được đặt ở các thị tứ. Theo thời gian, thị tứ quần tụ các điểm kinh doanh thương mại - dịch vụ qua đó tập trung lượng lớn lao động phi nông nghiệp ở xã hoặc cụm xã.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Khoa Quản lý Nhà nước về đô thị và nông thôn (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, một trong những cách tiếp cận để làm rõ tính cạnh tranh của một vùng đất hay một đô thị là phương pháp xác định giá trị tài sản. Đối với đô thị, tài sản có thể là công trình công cộng, cơ sở hạ tầng hoặc cũng có thể là giá trị cảnh quan tự nhiên, nét đẹp văn hóa ứng xử bản địa.

Như vậy, có thể thấy tự thân các thị tứ đã tiềm ẩn nội lực để chuyển mình đô thị hóa tốt hơn là các khu vực lân cận. Theo Sở Xây dựng, đến nay tất cả huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Nam đã có quy hoạch chung từ 1/2000 đến 1/5000 để định hướng xây dựng phát triển không gian đô thị. Nhiều thị tứ cũng đã được lập quy hoạch chi tiết, làm tiền đề cho các địa phương đề ra những kế hoạch, chủ trương cụ thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Phần lớn thị tứ hiện nay nằm ở nông thôn, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá trong khi Quảng Nam đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Mặc dù vậy, các thị tứ chính là thành tố quan trọng cần cân nhắc để quá trình đô thị hóa diễn ra một cách hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tính toán cho tương lai

Nhiều khu vực nông thôn giáp ranh các đô thị như Tam Kỳ, Hội An và nhất là Đà Nẵng đang rục rịch chuyển mình theo “cơn lốc” đô thị hóa. Trong quy hoạch đến năm 2030 thì nhiều khu vực của Điện Bàn vẫn còn mang dáng dấp của nông thôn, thị tứ nhưng cần thiết phải chuẩn bị cho quá trình đô thị hóa.

Nếu không thì các khu vực này mất đi “vùng xanh” cho việc phát triển đô thị. Các trung tâm xã nên được quy hoạch bài bản phục vụ cho quá trình đô thị hóa nông thôn, từ đó giải quyết áp lực nhà ở khu vực nông thôn thông qua phát triển trung tâm xã.

 Như với huyện Thăng Bình, địa phương xác định sẽ quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị tại một số xã trong giai đoạn 2025 về sau. Trong đó, có kế hoạch nâng cấp thị tứ Quán Gò, Kế Xuyên, Ngọc Phô, Bình Nguyên hình thành chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 1.

Tại buổi làm việc về quy hoạch chung Điện Bàn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Các địa phương cần phải có định hướng đô thị hóa nông thôn chứ không thể làm manh mún, mất đi bộ mặt nông thôn. Đô thị là đô thị còn nông thôn phải ra nông thôn, cố gắng chuẩn bị quỹ đất để hình thành trung tâm các xã ở khu vực nông thôn”.

Ông Thanh nhận định thêm, các xã cần phải lưu ý lựa chọn trung tâm cho phù hợp, tùy vào đặc thù địa phương. Đơn cử như xã Điện Hồng sau này khi có cầu từ vùng Gò Nổi nối ĐT605 thì khu vực ngã 4 Cẩm Lý sẽ quy hoạch trở thành trung tâm mới của Điện Hồng chứ không phải như bây giờ.

Lúc đó lưu lượng từ Gò Nổi qua rất đông và trở thành điểm giao lưu mới. Hiện nay khu vực này chưa có hạ tầng gì nhưng cần tính toán quy hoạch để giãn dân, phát triển đô thị ở đó nhằm giảm sức ép cho trung tâm Điện Hồng. Các xã Điện Thọ, Điện Phước lân cận cũng đã chuyển động để thích ứng với vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị hóa nhìn từ thị tứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO