Đô thị kết nối

QUỐC HƯNG 01/04/2017 09:39

Khi dân số các đô thị tăng nhanh, việc ứng dụng công nghệ số đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường bền vững rất được chú trọng.

Hiện các đô thị trên thế giới ngày càng trở nên đông đúc, tập trung đến 55% dân số toàn cầu, và dự báo đến năm 2050 sẽ chiếm khoảng 66% (khoảng 6 tỷ người). Với mô hình thành phố tương lai, cơ sở hạ tầng cũng như mọi hoạt động của người dân đô thị đều được kết nối với internet, phục vụ đời sống từ sinh hoạt, giải trí, học tập, công việc được linh hoạt, thuận tiện, hiện đại và hiệu quả hơn, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và môi trường bền vững để đô thị thực sự là một nơi đáng sống. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay công nghiệp 4.0) đang đẩy nhanh tiến trình số hóa, kết nối và tự động hóa cho việc triển khai các mô hình thành phố thông minh trên toàn cầu.

Một góc đô thị kết nối Bumi Serpong Damai của Indonesia. Ảnh: Nurterbit
Một góc đô thị kết nối Bumi Serpong Damai của Indonesia. Ảnh: Nurterbit

Với dân số chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu người, Singapore được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về cách mạng số và “đảo quốc sư tử” này đầu tư hàng tỷ USD để trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới dựa trên các yếu tố quy hoạch thông minh, nhà ở thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh. Gần 90% nhà ở tại Singapore hiện có mạng lưới kết nối internet. Trong tháng hai vừa qua, Singapore chính thức ra mắt chung cư thông minh đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, sử dụng giải pháp công nghệ LifeUp, bao gồm: nhà thông minh, cộng đồng thông minh và thanh toán thông minh. Các tính năng tiện ích bao gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển xe thông minh và khóa cửa sinh trắc học (sử dụng vân tay, mống mắt, khuôn mặt…); tự động điều chỉnh hệ thống ánh sáng, nhiệt độ điều hòa và nước nóng để tiết kiệm năng lượng; thanh toán di động thông qua “ví ảo” được cài đặt ngay trên điện thoại để trả tiền các loại phí dịch vụ trong khu nhà…

Bumi Serpong Damai - thành phố của mạng lưới “vạn vật kết nối” tại Indonesia đang tối ưu hóa khả năng chung sống, cùng làm việc và phát triển bền vững của thị dân. Thành phố phát triển khu dân cư khoảng 160.000 người và khu kinh doanh rộng khoảng 6.000ha. Các văn phòng làm việc, các trường học với 140.000 học sinh và sinh viên. Trung tâm mua sắm, giải trí, đặc biệt câu lạc bộ kỹ thuật số trải rộng 25ha được ví như “thung lũng Silicon của Indonesia”. Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật số là thành phố xanh với hệ thống sinh thái phong phú, sử dụng năng lượng tái tạo. Trưởng phòng công nghệ thành phố - Irvan Yasni - cho biết, thành phố luôn đảm bảo dịch vụ wi-fi miễn phí tốc độ cao cho mọi người, các công nhân thời số hóa có thể làm việc vào mọi lúc mọi nơi nhờ luôn được kết nối mạng. Thậm chí các công ty không cần phải xây dựng các trung tâm dữ liệu riêng mà dịch vụ điện toán đám mây công của thành phố sẽ đáp ứng nhu cầu tra cứu. “Các đô thị ngày nay đối mặt với nhiều thách thức từ việc tạo ra việc làm, tăng trưởng kinh tế song hành với môi trường bền vững. Do đó, công nghệ có thể được xem là một trong những công cụ đắc lực có thể góp phần giải quyết những thách thức trên”.

Tại Hàn Quốc, mạng lưới kết nối 400 camera trị giá khoảng 1,2 tỷ won đang được lắp đặt tại vùng Yeongdong của tỉnh Chungcheongbuk-do. Hệ thống camera được kết nối với một trung tâm điều hành tập trung, cho phép giám sát mọi hành vi phạm pháp trong khu vực. Qua đó giúp chính quyền thông báo kịp thời cho người dân các tình huống khẩn cấp, các cơ quan cứu hỏa, cảnh sát gần nhất để được giúp đỡ, đồng thời cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Cha Doo-won - nhà nghiên cứu của Viện kế hoạch và khoa học công nghệ Hàn Quốc - khẳng định rằng, tương lai sẽ là xã hội siêu kết nối. Các chính phủ phải tập trung xóa khoảng cách số hóa tại các quốc gia ở mọi cấp độ, tạo cơ hội phát triển kinh tế và chia sẻ sự giàu có qua những mô hình hợp tác hiệu quả.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị kết nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO