Đô thị thời hậu Covid

TRUNG VIỆT 02/02/2022 07:59

(Xuân Nhâm Dần) - Chỗ Văn phòng báo Nhân Dân nhìn qua bên phải, là một ngã năm. Vắng. Một người đã vào Tam Kỳ hồi mới tái lập tỉnh và sắp về hưu, nói: "Ngã năm duy nhất ở Tam Kỳ đó, không có điểm thứ hai đâu, dù đã 25 năm rồi…". Anh làm tôi nhớ hồi đó có câu ca: Tam Kỳ đã có bùng binh/ Có tháp truyền hình, có đèn đỏ đèn xanh…

Cánh đồng Nhong mùa lúa chín nhìn trên cao về hướng nội thị Tam Kỳ. Ảnh: Ngân Thành
Cánh đồng Nhong mùa lúa chín nhìn trên cao về hướng nội thị Tam Kỳ. Ảnh: Ngân Thành

1. Hai mươi lăm năm, đủ để đứa trẻ ngày nào mới chào đời, trở thành người lao động trưởng thành. Hai mươi lăm năm, để người lúc tuổi đôi mươi hăm hở vào Tam Kỳ, nay chạm đến ngưỡng “tri thiên mệnh”.

Bao người đã già và ra đi. Bao gia đình trẻ đã lập và con cái họ cũng đã lớn. Hai mươi lăm năm, những hàng cây đã trụi và được trồng mới dọc theo những con đường nhỏ, gồ ghề và cỏ quấn chân một thuở. Hai mươi lăm năm, soi đủ mặt người mưa nắng, như đã từng phủ rêu phong trên những mái nhà mới cũ mọc lên. Hai mươi lăm năm, những cánh tay nối dài tây - đông, chạm vào biển.

Hai mươi lăm năm, đủ để nhìn lại những đổi thay và đặt ra những câu hỏi, không phải để bỏ ngỏ, chê bai, trách móc, mà là như món nợ để trả lời cho mai sau, rằng bằng một phần ba đời người rồi, thì bộ mặt đô thị tỉnh lỵ bị khuyết hãm ở đâu.

Bởi đời sống không dừng lại cho một ai đó, nó mặc kệ tất cả, nhưng nó dành cho… người đương thời, người của những giấc mơ không chịu giậm chân và luôn đòi hỏi những cảm xúc đầy năng lượng tích cực để họ tiến về tương lai với sự can đảm và hy vọng.

Tam Kỳ là đất bình yên, hiểu theo nghĩa không có nhiều biến động, sống ở đây cứ bình bình buồn buồn, ít ra đây là cảm nhận của tôi và một số người. Nhà cửa lớn mọc lên. Người đông ra. Quán xá nối nhau. Đường to, nhỏ mở khắp nơi, nhưng sao vẫn thấy thiếu cái gì đó.

Mưa là ngập, nguyên nhân là hàng chục điểm dân cư và hệ thống thoát nước chưa khớp nối; cầu bắc qua sông Bàn Thạch đường dẫn quá cao, khiến nước bí bách; đường ven biển ngang đê chắn không cho nước ra biển; không gian nước nội thị bị lấn chiếm; đường to dồn đổ về đường nhỏ như thắt nút cổ chai…

 

2. Bây giờ thì thiên hạ nhìn hết về vùng Đông Tam Kỳ, khi đường Điện Biên Phủ kết nối Tam Thanh với cao tốc đã rõ; tuyến đường từ quốc lộ 1 - Tam Thăng cũng đã được đầu tư; đường Võ Chí Công nối Đà Nẵng với Chu Lai đã thành hình… Đường đã có thì sôi động đất đai.

Dân vùng Đông từ ngày có KCN Tam Thăng, nhiều người đã hưởng lợi từ giá trị đất đến việc làm, giao thông, dựng nhà cửa để bán buôn. Cơ hội đã mở ra rồi, khi các nhà đầu tư lớn có ý định vào cuộc nơi đây.

Nhiều dự án ra đời từ nhà ở đến dịch vụ, du lịch, hành chính... Có bài học nào được rút ra từ khuyết hãm trong xây dựng đô thị Tam Kỳ hiện tại không, để đô thị vùng Đông không vướng vào nữa?

Vùng Đông Tam Kỳ cần gì về mặt không gian sống? Hãy từ bỏ khái niệm đô thị nén đi, bởi nó chứa nỗi bất an, và làm sao chấm dứt ngay được chuyện "tư duy đóng khung, được chăng hay chớ, thấy vừa vừa con mắt là được". Đây là quả bom nổ chậm trong tương lai về quy hoạch mà không bao giờ sửa sai được.

Thời gian gần đây, khi xây dựng đô thị, người ta hay đưa ra mô hình đô thị sinh thái, rồi thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập lụt, nhưng chắc rằng đại dịch Covid-19, sẽ đặt ra thêm dấu hỏi nặng nề: Đô thị trong đại dịch, tự xoay xở được không?

Bài học từ TP.Hồ Chí Minh, chờ từng bó rau từ miền Tây về, Đà Lạt xuống, và nói đâu xa, Đà Nẵng kìa, cho thấy: Tốc độ đô thị hóa, đất bị lấy sạch để xây cao ốc, nhà cửa, đã phải trả giá nặng nề cho đời sống dân sinh khi thực phẩm bị đóng băng đâu đó, người ở trong phố thì coi rau quý hơn vàng.

3. Tôi hỏi một kiến trúc sư: Đô thị hậu Covid-19 thế nào? Câu trả lời rằng: Nói dễ, nhưng tùy thuộc vào người có trách nhiệm. Họ có tầm nhìn không, dám làm dám chịu, dám hy sinh quyền lợi không, thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ không, chứ nhà thiết kế sẵn sàng đưa ra đồ án cho một không gian sống an lành, thân thiện, tiện ích và an toàn, thích ứng được với an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch giã.

Vậy, sơ lược mô hình đó là gì? Con người tại chỗ có thể đứng vững bằng hai chân, đó là tự sản xuất năng lượng và thực phẩm phục vụ cho gia đình mà không cần mong chờ nhiều từ bên ngoài.

Muốn vậy, bắt đầu đi từ thiết kế nhà, ở đó pin mặt trời sẽ thay thế điện dần dần cho nguồn điện bên ngoài. Các nhà kính sẽ trồng rau. Ở đó, chất thải, ô nhiễm sẽ được giảm thiểu, năng lượng tái tạo sẽ là chủ lực; canh tác thủy canh sẽ cung cấp phương tiện cho sản xuất bên ngoài.

Sẽ có quy định ngặt nghèo trong việc xây dựng và phủ cây xanh, thực phẩm, mà chủ đạo là dành quỹ đất lớn cho sản xuất sạch, không gian rộng cho sinh hoạt cộng đồng, ngập ánh sáng, chứ không thể làm nhà theo kiểu lâu nay là phân lô hình ống.

Nghe quá xa vời, ít ra là ở xứ mình, khi áp lực quỹ đất, nguồn tiền từ đất, thói quen sống, đi lại, thói quen tư duy cũ, lạc hậu đã bám rễ lâu rồi.

4. Có một vấn đề, là người đứng đầu chính quyền, có khác một giám đốc doanh nghiệp không? Không, nếu họ đặt lợi ích cho đám đông lên trên hết, dám đột phá và dám… giỏi. Nhưng khác, là giám đốc có thể làm hết đời, nhưng ông lãnh đạo thì giỏi lắm là 2 nhiệm kỳ, người lên thay, ở nước mình, thường thấy, là làm khác người đi trước, dù người trước để lại gia sản khá tốt và đúng đắn.

Hy vọng một đô thị phía đông có sản phẩm sạch, phát triển làng nghề truyền thống, dự án sinh thái… đó là nhấn mạnh của người có trách nhiệm khi hỏi về dự tính, quyết sách cho vùng Đông. Chuyện kéo dài nhiều năm nhưng không ai thay đổi được, là các nhà đầu tư hay đưa ra tên gọi mỹ miều là sinh thái.

Câu hỏi là: Sinh thái này, tương lai, có xung đột lợi ích cộng đồng không? Người dân có quyền và được hưởng gì từ đây? Hàng nghìn công nhân rồi sẽ ở trọ tại các khu công nghiệp khi các dự án ra đời thêm. Vậy, có dành đất để xây nhà ở xã hội cho công nhân không, để họ yên tâm làm việc, sinh sống, không phải tháo chạy như đã từng xảy ra ở phía nam, khi dịch bệnh tấn công?

Không dễ. Mọi thứ còn nguyên đó, ít ra là hiện trạng vùng Đông với diện tích đất còn khá lớn chưa xây dựng. Một nhà báo nói: Người ta có 20 năm để xây dựng một Thẩm Quyến, còn mình thì sao?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị thời hậu Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO