Đô thị và câu chuyện bản sắc

SONG ANH (thực hiện) 25/09/2015 08:39

Cùng với cả nước, Quảng Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Trước các tác động của tiến trình phát triển, tốc độ đô thị hóa ở Quảng Nam đang diễn ra khá nhanh, hiện có 15 đô thị, gồm 2 đô thị loại III (Tam Kỳ và Hội An), 1 đô thị loại IV (Điện Bàn) và 12 đô thị loại V (các trung tâm huyện lỵ), định hướng đến năm 2020 có 20 đô thị. Trong tiến trình đó, văn hóa đô thị lẽ dĩ nhiên sẽ có những thay đổi theo hướng hiện đại. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để trên hành trình phát triển và tiếp nhận đó, bản sắc văn hóa không bị đánh mất?

Dựng nên hồn cốt

Hồn cốt đô thị là những thứ nằm lòng trong các ngõ phố, trong nếp sống để tạo nên bản sắc. Đáp ứng những nhu cầu sống hiện đại nhưng vẫn làm nên dấu ấn thành thị riêng từ các giá trị văn hóa, không phải là điều dễ dàng.

Khởi đầu từ Hội An, với ý tưởng và bắt tay thực hiện đề án xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, TP.Tam Kỳ, trong các ý tưởng quy hoạch đô thị cũng đi con đường phát triển nghiêng về sinh thái, văn hóa. Thị xã Điện Bàn, với cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng định hướng vẫn quan tâm tới vấn đề bản sắc. Với các thị trấn, thị tứ vùng cao, hướng đi được đặt ra là nâng cao chất lượng sống, cơ sở hạ tầng nhưng vẫn giữ vốn văn hóa cố hữu của vùng đất… Định hướng phát triển là vậy, nhưng thực tế, câu chuyện văn hóa tại các đô thị còn khá nhiều điều để bàn.

Tạo không gian

Trong một cuộc tọa đàm về văn minh đô thị tại Quảng Nam, TS. Nguyễn Văn Hiệu (khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) nói: “Phần lớn đô thị tại Việt Nam dựa trên nền tảng văn minh nông nghiệp. Đô thị hiện đại phải là đô thị có quy hoạch kiến trúc và xây dựng hợp lý, khoa học; có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và bộ máy công quyền mạnh, trong sạch, gương mẫu; là nơi thể hiện rõ vai trò và ý thức công dân đồng thời có các điều kiện của một xã hội dịch vụ năng động”. Theo ông Hiệu, đối với đô thị hiện đại, chất lượng sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài các tiêu chí đáp ứng nhu cầu ăn ở, dịch vụ xã hội, vấn đề về các giá trị văn hóa tinh thần phải được coi trọng. Sống chất lượng trong một đô thị phát triển bền vững, chính là tạo không gian, sinh hoạt của con người trong không gian, và sau đó sẽ dẫn đến ý nghĩa tinh thần của không gian. Không gian đẹp mắt, tiện nghi, an toàn, hấp dẫn sẽ là môi trường tuyệt vời cho con người. Không gian trở thành nơi chốn, và hơn thế nữa là nơi chốn có bản sắc.

 Hội An đã xây dựng thành một đô thị điển hình về văn hóa - một đô thị có bản sắc. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Hội An đã xây dựng thành một đô thị điển hình về văn hóa - một đô thị có bản sắc. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Nói về một không gian như thế, có thể nhắc ngay đến Hội An. Hiện tại, với vốn liếng của mình, Hội An đã xây dựng thành một đô thị điển hình về văn hóa - một đô thị có bản sắc. Trong quá trình phát triển, cư dân Hội An, từ xưa đến nay đã tạo ra diện mạo của đô thị sinh thái, văn hóa vừa mang bản sắc truyền thống, vừa tiên tiến hiện đại. Mức sống của người dân đô thị Hội An đã được nâng lên rất nhiều lần, kể cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hiện tại Hội An đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự quá tải về dân số, những vấn đề môi trường… đang làm “đau đầu” các nhà quản lý. Trong khi đó, ở vùng ven không gian phố cổ, những luồng phát triển mới đang tạo ra các vùng “lõm” văn hóa. Điều đó cho thấy, quy hoạch đô thị chỉ thật sự có tác dụng và có sức sống, khi nó chứa đựng trong mình và xuất phát từ những yếu tố “mềm”, như sự khơi dòng cho cái “có” chảy vào cái “chưa”, như sự điều tiết, nối kết và hòa đồng sản phẩm lịch sử - sản phẩm văn hóa đô thị, cấu thành một thể - đô thị mới.

Quan tâm vùng đệm

Giữ vai trò vùng đệm - “lá phổi” của đô thị, các vùng ven đô, ít nhiều đã được để tâm, bắt đầu từ những chính sách phát triển cho vùng ven. Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến Hội An đã chọn ngụ lại tại các vùng ven Cẩm Nam, Cẩm An, Cẩm Châu hay Cẩm Thanh… Những vùng này được ví như “mỏ” tài nguyên mới, chia sẻ gánh nặng phát triển cho vùng trung tâm đô thị. Tuy nhiên, các nhà quản lý đô thị cũng chỉ mới dừng lại ở mức khai thác, đầu tư về hạ tầng; văn hóa vùng ven vẫn còn là câu chuyện bỏ ngỏ. Trong dự án phát triển TP.Hội An, ngoài các khu vực trung tâm, giới nghiên cứu và người dân dành sự quan tâm cho khu vực “vùng đệm” giữa đô thị với các vùng lân cận; các trục, hành lang kết nối trung tâm đô thị cổ với trung tâm đô thị mới; và khu vực vành đai phát triển, bao gồm các khu đô thị mới biển An Bàng, bờ nam sông Thu Bồn, Thanh Hà. Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho rằng, tác động của đô thị hóa khiến không chỉ Hội An, mà rất nhiều vùng miền khác, đang hình thành nên những vùng “lõm” văn hóa. Làng xã Hội An đang đứng trước quá trình đô thị hóa hết sức hoang dã, không có một cơ sở quy hoạch cụ thể, thích gì làm nấy, pha tạp đủ thứ loại hình, đánh mất bản sắc làng quê ven sông của mình. Chính vì vậy, đầu tư cho các vùng ven đô thị, không chỉ có vấn đề hạ tầng. Một nếp sống văn hóa chừng mực phù hợp với tính chất vùng miền, không làm thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống là điều cần các nhà quản lý lưu tâm.

Ông Phạm Nên, một người gắn bó cả đời với thị xã Điện Bàn chia sẻ, Điện Bàn lên thị xã nhưng không thể để mai một giá trị văn hóa truyền thống. “Văn hóa làng cần phải củng cố. Việc trùng tu, sắp xếp lại các di tích, hay quan tâm đến văn hóa dân gian là điều nên làm. Lên phố nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa làng là cần thiết” - ông Nên nói. Theo ông, ở vị trí như Điện Bàn, việc gắn kết chặt chẽ văn hóa và du lịch là hướng phát triển hợp lý, bên cạnh việc phát triển các khu đô thị mới, ưu tiên cho tỷ trọng công nghiệp. “Về văn hóa, đơn cử như Bảo tàng huyện, quy mô hoành tráng nhưng khách không nhiều, do chưa có những điểm nhấn. Tôi nghĩ địa phương cũng nên phục dựng lại cửa trước của thành tỉnh La Qua cũ, một đoạn thành tỉnh, gắn kết với thành tỉnh Quảng Nam xưa” - ông Nên nói. Ở khía cạnh hoạt động phong trào, Điện Bàn được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó vai trò tộc, họ được đề cao. Tuy nhiên, đô thị này cũng gặp vấn đề ở các vùng ven của mình, khi sự quan tâm cho văn hóa ở các phường, xã vẫn còn manh mún.  Nếu xét ở cấp độ xã, với cơ chế chính quyền cấp huyện, thì cấu trúc văn hóa, hạ tầng, thiết chế ở các xã vùng ven Điện Bàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo những người làm công tác văn hóa Điện Bàn, với các xã ở vùng phụ cận thì cơ sở hạ tầng, không gian đô thị văn hóa và các cấu trúc văn hóa truyền thống cần phải sắp xếp lại. Ở những xã lên phường, có cấu trúc văn hóa, nhưng để hoàn chỉnh thành văn hóa đô thị thì chưa. Chỉ thị trấn Vĩnh Điện với sự tồn tại và phát triển lâu đời đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cho khu trung tâm của một đô thị có bản sắc…

Tam Kỳ tìm bản sắc

Đô thị cổ Hội An có “chất” riêng, không pha lẫn với các đô thị khác. Trong khi đó, đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ đang loay hoay tìm kiếm và tạo dựng “dấu ấn” cho mình.

Chưa thể định hình

Trăm năm có lẻ, tính từ ngày đổi tên từ phủ Thăng Hoa xưa đến phủ Tam Kỳ, vùng đất mở này chứng kiến nhiều sự đổi thay, dịch chuyển. Không còn co cụm phát triển mà đã dàn đều qua các vùng, từ biển, địa thế núi, sông đã bắt đầu có sự hài hòa. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc hội thảo, chính các nhà nghiên cứu cũng khó xác định nên xếp Tam Kỳ vào đô thị với đặc trưng nào. Chưa đủ điều kiện để phát triển thành một đô thị ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang; địa hình không đồi dốc cũng không thể xếp đô thị này vào loại đặc trưng miền núi như Pleiku (Kon Tum). Cũng không thể là đô thị với dáng dấp phát triển dọc theo sông. Cuối cùng, Tam Kỳ thứ gì cũng có, nhưng lại không có cho riêng mình một bản sắc đặc trưng. Nhiều người lý giải vì đây là trung tâm hành chính của tỉnh lỵ, nên khó mà phát triển theo hướng đặc trưng của vùng miền.

Tam Kỳ chưa tạo được bản sắc đô thị. Ảnh: T.T.N.C
Tam Kỳ chưa tạo được bản sắc đô thị. Ảnh: T.T.N.C

Đất ngã ba sông, vùng “đầu mối” của các sản vật miền núi…, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ. Sử cũ chép lại, địa danh “đò ba bến”, đã từng là bến thương thuyền sầm uất. Men theo dòng chảy của 3 con sông Trường Giang, Bàn Thạch, Tam Kỳ, sẽ nhận biết được những đặc trưng về vùng miền. Lâm thổ sản từ Trà My, Tiên Phước theo đường sông quy tụ về “đò ba bến”, từ đây ghe thuyền theo dòng Trường Giang chuyển hàng hóa ra Cửa Đại - Hội An. Hiện nay nhiều dấu vết của “trường Tàu”, “phố Tàu” vẫn còn trên đoạn đường Duy Tân và Phan Đình Phùng. Thăng trầm lịch sử nếu tính trước cả tên gọi Tam Kỳ, đất này đã hơn ngàn năm hình thành. Nhưng nếu chọn ra một đặc trưng văn hóa ở đô thị được kiến tạo bởi ba dòng sông, ba ngọn núi… quả là khó. Mọi dấu tích lịch sử, văn hóa còn lại đều rất mờ nhạt. Đó là chưa kể cư dân gốc Tam Kỳ vẫn rất ít. Đất này, như nhiều người nói, là “đất ngụ cư”, khắp nơi tụ về tìm kế làm ăn, sinh sống, nên không là quê xứ. Phải vậy nên, mọi tâm huyết cho vùng đất - đô thị trẻ, vẫn chưa thực sự khơi gợi được dấu ấn của nó? Ông Phạm Thông, người có khá nhiều gắn bó với vùng đất này chia sẻ, Tam Kỳ vốn dĩ là một đô thị mở, nhất là con người. “Chất mở trong tính cách người Tam Kỳ có nhiều nguyên do để lý giải, từ tính chất địa lý đến lịch sử. Người dân sẵn sàng dung nạp và thích nghi với người ở vùng khác đến” - ông Thông nói. Tuy nhiên, tính chất mở này vẫn chưa biểu hiện rõ nét trong bản sắc văn hóa của thành phố này.

Đi tìm bản sắc

Nằm ở trung điểm của đất nước theo quốc lộ 1, Tam Kỳ có nhiều lợi thế để phát triển đô thị. Nhưng để khai thác hết tiềm năng vị thế, Tam Kỳ còn cần rất nhiều thứ. Ở góc độ văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu chia sẻ, quỹ đất Tam Kỳ dành cho phát triển văn hóa vẫn còn quá hạn hẹp. Thêm nữa, chưa khai thác được những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng nhằm tạo lập bản sắc, phát triển đô thị bền vững. Chẳng hạn, dòng sông và không gian hai bên bờ là không gian mở quý báu cho những sinh hoạt công cộng phong phú và hấp dẫn. Tuy nhiên, chiếu vào sự phát triển của Tam Kỳ sẽ thấy, tuyến đường Bạch Đằng dọc sông nay đã thành tuyến phố “ăn nhậu”. Tam Kỳ đã từng manh nha ý tưởng “làng trong phố - phố trong làng” từ nhiều năm trước, nhưng xem ra đến nay, ý tưởng trên vẫn chỉ là ý tưởng.

Phát triển như thế nào để TP.Tam Kỳ sẽ là một đô thị có “dấu ấn” riêng? Ở góc nhìn địa văn hóa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Xuân Tịnh cho rằng, Tam Kỳ thực ra có rất nhiều tiềm năng để phát triển một đô thị với dấu ấn riêng. Một đường bờ biển dài, lưu vực các con sông với nhiều làng nghề, cảnh quan đẹp, vùng Bãi Sậy - Sông Đầm hay dải An Hà, Núi Cấm… là những tiềm năng về tự nhiên, nếu khai thác hợp lý sẽ tạo đường phát triển đô thị bền vững. “Cần bảo tồn và chỉnh trang các làng quê dọc theo những dòng sông, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu, trồng hoa để tạo cảnh quan tươi tắn cho làng quê. Bên cạnh đó, Tam Kỳ còn nhiều tiềm năng về đất đai, thuận lợi cho việc mở rộng khu đô thị mới. Trong quá trình xây dựng đô thị mới, cần quan tâm đến việc giải quyết hài hòa giữa không gian đô thị và không gian truyền thống. Giá trị của khu đô thị sẽ được nâng lên nhiều lần khi đó là đô thị sinh thái - văn hóa” - ông Tịnh nói.

Những năm gần đây, Tam Kỳ chú trọng nhiều vào cải thiện môi trường đô thị bằng cách xây các hồ điều hòa sinh thái, hệ thống cấp thoát nước, xây mới các tuyến đường liên vùng… Nhìn vào bản đồ quy hoạch đô thị Tam Kỳ sẽ thấy phần lớn sự phát triển bám theo sông Bàn Thạch, Tam Kỳ, sông, bãi, hồ Phú Ninh, đồi An Hà... Để tạo dựng bản sắc, phải bắt đầu từ quy hoạch, quản lý quy hoạch. Nếu làm ngay từ bây giờ thì 30 hay 50 năm sau mới có dấu ấn. Trong đó chú trọng văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể - trọng tâm là con người. Xét về các yếu tốt vật thể, bản sắc đô thị nằm ở quy hoạch, tổ chức không gian, cảnh quan đô thị và các công trình xây dựng (quần thể hay đơn lẻ). Với các yếu tố đó, cộng thêm nếu biết chắt chiu từng chút một vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp của quá khứ, làm nó sống dậy, tươi mới trong đời sống đương đại, thì lâu dần thành quen, làm nên bản sắc…

Văn hóa trong văn minh đô thị

Là những người có uy tín trong giới nghiên cứu văn hóa, học thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn và nhà báo Vũ Đức Sao Biển cho rằng, muốn có một đô thị phát triển hài hòa các yếu tố và đậm bản sắc, cần có những quy hoạch hợp lý.

Nhà nghiên cứu nguyễn văn bổn

“Mô hình kiến trúc phải hợp lý”

Không thể có một thành phố phát triển nếu không có quy hoạch và xây dựng, kiến trúc và chọn lựa mô hình kiến trúc.

Các thành phố của chúng ta, trong suốt hơn 20 năm qua, dẫu đã bước đầu được quy hoạch, nhưng yếu tố tự phát vẫn lấn át trong mọi khu vực phát triển đô thị. Gần như mạnh ai nấy xây, đủ mọi kiểu dáng và đủ mọi hình thức kiến trúc. Chính vì vậy, những khu dân cư mới được xây dựng đều mang cái vẻ lộn xộn, nhếch nhác; nếu không muốn nói là xấu xí, thiếu hẳn vẻ đẹp của những đô thị tân kỳ. Đừng nhìn đâu xa, chỉ trên con đường Hùng Vương của TP.Tam Kỳ, không ai phủ nhận đó là một đường phố đẹp, được đầu tư thích đáng; nhưng nhà cửa trên con đường đẹp đó lại chẳng giống ai. Lẽ ra phải quy hoạch cụ thể, nhà mặt tiền của con đường chí ít là 3 tầng; kiểu nhà cũng không được tự phát, mà phải có một mẫu chung, theo từng đoạn đường.

Tôi đã từng được ngồi trên du thuyền đi suốt dòng sông chảy giữa lòng đô thị Singapore. Có những dãy nhà hoàn toàn được xây dựng giống nhau, nhưng được chọn sơn những màu khác nhau, tạo nên một bức tranh đô thị hài hòa, đẹp mắt. Từ dưới lòng sông nhìn lên bờ, tưởng như ta đang lạc vào một thế giới khác, kỳ ảo mà vẫn thân thiện, chan hòa, đặc biệt là giàu tính nhân văn, vì ta tưởng như thấy được con người trong những khu phố ấy đang  vui sống một cuộc sống năng động nhưng vẫn êm đềm...

Quy hoạch, và nghiêm khắc trong xây dựng là những điều không thể thiếu trong phát triển đô thị hiện nay. Một thành phố không có những công trình xây dựng mới thì không có điều kiện để phát triển, cả về kinh tế và văn hóa - xã hội. Nhưng xây dựng không theo quy cách nào cả, không có chuẩn mực thì cũng không thể nào tạo động lực phát triển, nếu không muốn nói là ngược lại. Mỗi khi có dịp đi ngang qua trước dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà của Sài Gòn xưa và TP.Hồ Chí Minh hiện nay, tôi đều thầm cảm ơn những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng nên một khu phố đẹp đẽ đến như vậy, từ 150 năm trước.

Ước mong sao TP.Tam Kỳ của chúng ta, sắp tròn 10 năm lên thành phố (tháng 9.2016), sẽ được quy hoạch kỹ và xây dựng có chọn lựa, đồng nhất, nhưng vẫn đa dạng, để có những khu phố hiện đại, đẹp đẽ nhưng vẫn giàu tính nhân văn, và để có những con đường nên thơ với những cánh hoa sưa vàng bay trong gió nhẹ và làm say lòng mọi du khách có dịp ghé qua.

Nhà báo Vũ Đức Sao Biển

“Nên là đô thị cởi mở”

Chúng ta đã có mô hình đô thị mở từ rất lâu, đó là Hội An. Thương cảng sầm uất, giao thương mậu dịch phát triển nhưng ta vẫn giữ được cái chất riêng, tính từ ngày Nhật, Tàu qua giao thương. Mô hình đô thị của Hội An quá hay, cũng do tính chất của vùng đất. Đô thị thương mại khác với đô thị hành chính. Nhưng tôi nghĩ vậy, đô thị hành chính thì cũng nên là một đô thị mở, thoáng từ chính sách đến việc quy hoạch.

Các vùng xanh trong đô thị là điều tất yếu phải có. Nó là sức khỏe của người dân. Nó cũng tạo nên được dấu ấn riêng cho vùng đất. Như hoa sưa vàng của Tam Kỳ, nếu xác định đây là loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hoa đặc trưng, thì ở các cơ quan công sở, nên trồng nó thay vì các loại cây khác. Cơ quan hành chính đóng ở Tam Kỳ cũng nên góp phần vào xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa. Tôi nghĩ bằng cách nên gần dân hơn, làm hàng rào theo kiểu truyền thống, thấp thôi, bằng các vật liệu thân thiện với tự nhiên. Cơ quan công quyền thay vì treo bảng tên trên cổng, thì có thể làm một phiến đá khắc tên cơ quan, dựng một bên lối đi vào. Nếu sợ về an ninh trật tự thì có thể quản lý bằng camera, vừa văn minh lại không làm người ta sợ. Chỗ tiếp dân cũng phải thoáng, đặt bàn ghế cho gần gũi, thân thiện với dân. Hệ thống phòng vệ sinh trong cơ quan công quyền cũng phải sạch sẽ, khoa học. Đây là chuyện không đáng tiết kiệm. Các đường phố nên rộng rãi, hướng tâm, đường đi vào khu hành chính nên mở ra các hướng, quy hoạch kiểu đó dễ quản lý xã hội và văn hóa…

Người dân Quảng Nam có nếp sống thiệt thà, nhưng đôi khi thiệt thà quá không để ý tới những giao tiếp. Cuộc sống tiến lên văn minh cần phải chú trọng tới khách hàng, dịch vụ. Cải thiện lối sống thị dân, nên duy trì những giềng mối họ tộc  nhưng cũng có những cái cần phải khắc phục, có những cái cần giữ. Thủ phủ Tam Kỳ phải mở lối sống, người dân nên cải tiến thêm các phương thức kinh doanh và ứng xử với khách hàng. Tính cộng đồng, thông qua các hoạt động, không gian công cộng, cần thiết phải cải tiến hơn…

SONG ANH (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị và câu chuyện bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO