Đô thị phát triển bền vững luôn cần có bản sắc thông qua việc kiến tạo nơi chốn.
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Bài toán về lợi ích của người dân
Trong cuốn sách mới xuất bản, TS. Erik Harms - người đang công tác tại ngành Nhân học - văn hóa xã hội (Socio - Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ đã tập trung bàn về sự phát triển các khu đô thị mới ở TP.Hồ Chí Minh trong hơn 10 năm qua 1997 - 2018 (nguồn https://news.zing.vn). Nhan đề cuốn sách có tên “Xa hoa và Đổ nát” (Luxury and Rubble) vốn là tên một chương sách bàn về việc những dự án có tham vọng xây dựng những khu đô thị văn minh luôn kéo theo tình trạng nhếch nhác của những khu vực người dân chưa chịu “di dời” vì “đền bù chưa thỏa đáng” hoặc vì nhiều lý do khác (chẳng hạn việc từ khước “tái định cư” ở các khu vực xây sẵn của nhà đầu tư hay của chủ dự án) của những người dân trong diện “quy hoạch”…
Nghịch lý thường thấy ở những khu đô thị mới xây dựng là bức tranh tương phản giữa một bên là những cao ốc khang trang đẹp đẽ mà bên cạnh là những khu đất hoang đầy cỏ dại, những căn nhà cấp bốn cũ kỹ, những túp lều che tạm. Chưa nói đến những khu xây dựng dở dang vì nhà đầu tư hết vốn hoặc tư duy “chia lô bán nền” của nhà đầu tư khiến cho bộ mặt đô thị “lỡ dở” không đúng với quy hoạch.
Bài toán làm thế nào để người dân nhường đất cho sự phát triển của đô thị có được “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” cũng làm “đau đầu” những nhà quản trị xã hội vì buộc phải xử lý hài hòa giữa lý tưởng và thực tế, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng lẻ của từng hộ dân, từng cá nhân, giữa kinh tế và văn hóa, đặc biệt lấp đầy “khoảng trống pháp lý” trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị, việc người dân “quay lưng” với căn hộ trong khu tái định cư vì bế tắc trong việc mưu sinh… Erik Harms nhận xét: “Nhiều dự án nhà ở sang trọng dần thay thế các khu dân cư của tầng lớp lao động. Việc thỏa thuận về quyền (đất đai) và pháp quyền có vẻ đã không mang lại lợi ích thật sự cho nhiều người”…
Từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững
Đô thị hóa bền vững phải xuất phát từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng các hệ sinh thái và đảm bảo cho một tổ chức liên kết hữu cơ về không gian các chức năng hoạt động của đô thị. Về mặt dân cư, đô thị phát triển bền vững phải có một cấu trúc, một hệ thống phân bố dân cư theo xu hướng xóa dần sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Hiện nay chỉ riêng những khu vực đô thị hóa, cư dân hoạt động nông nghiệp nhỏ lẻ hay nhóm cư dân các ngành nghề thủ công, lao động phổ thông có thu nhập luôn dao động ở mức thấp còn chiếm tỷ lệ cao.
Chỉ riêng thị xã Điện Bàn và các thị trấn ở khu vực bắc Quảng Nam, hàng năm vẫn còn dòng người “ly hương” tìm sinh kế. Lộ trình “công nghiệp hóa nông nghiệp” với các cánh đồng mẫu lớn, điều kiện máy móc, kỹ thuật tiên tiến, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp chỉ mới khởi sự, chưa được nhân rộng và lực lượng lao động trẻ vẫn cứ “ly hương dù bất ly quê” - họ chỉ về quê những dịp tết nhứt, giỗ chạp… Chưa nhiều bạn trẻ chọn việc khởi nghiệp ở quê, vì trụ được ở quê cần phải có tri thức, có vốn đầu tư, có sự trải nghiệm trong hoạt động kinh doanh và quan trọng là chọn “đầu ra” cho sản phẩm…
Như vậy, đồng thời với việc duy trì nền kinh tế đô thị phát triển ổn định bằng việc tạo nhiều việc làm cho mọi thành phần kinh tế và cho mọi người dân đô thị, chính quyền đô thị cần có chính sách giáo dục, văn hóa để nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn lực phát triển đủ mạnh. Đô thị, xét về nội tại còn phải phát triển cân đối, hài hòa trên quan điểm cân bằng hệ sinh thái đô thị trong nội thành và vùng ngoại thành. Ngoài việc phát triển bền vững về dân cư, trong quy hoạch đô thị phát triển bền vững, các nhà quy hoạch còn tính đến việc sử dụng đất, tránh tác động ô nhiễm môi trường, hủy hoại sinh thái tự nhiên, lồng ghép quy hoạch môi trường trong quy hoạch đô thị. Đặc biệt chuỗi các dịch vụ đô thị luôn phải đáp ứng yêu cầu cuộc sống ngày càng cao dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đầy đủ, ổn định, phát triển bền vững và một trình độ quản trị, quản lý phát triển đủ mạnh và bền vững…
Đừng bỏ quên văn hóa...
Tất nhiên, không có một bản quy hoạch nào mà không chú trọng đến văn hóa. Từ thập niên 60 thế kỷ trước, lĩnh vực nghiên cứu về “nhận thức môi trường” đã hình thành. Xu hướng này đã tích lũy một khối lượng lớn tri thức về cách thức và quy luật cảm nhận và cảm thụ không gian của con người. Chẳng hạn sự cảm nhận về “nơi chốn” (place) trong không gian có nghĩa khác với “chỗ”, “chỗ ở”, “điểm sinh hoạt”… Nơi chốn vì thế là khái niệm chỉ một địa điểm (location) hay không gian (place) đã được ký thác cảm xúc của chủ thể vào trong đó. “Nơi chốn” là địa điểm đã mang “nghĩa” , “ý nghĩa” như một căn nhà cũ có nhiều thế hệ từng sinh sống, một địa điểm của ký ức, của hoài niệm, như nơi chốn hẹn hò của một cuộc tình quá vãng “nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ…” (lời một ca khúc). Nhận thức về “nơi chốn” thực sự là nền tảng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái nhân văn và điều đặc biệt chính những “nơi chốn” mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng văn hóa sẽ làm cho một đô thị dễ có bản sắc. Nghĩa là có “nơi chốn”, có “đặc trưng”, nơi chốn có bản sắc (place’s identity) chứ không đồng dạng, na ná, giông giống các đô thị khác - không nơi chốn, hay mất nơi chốn (placelessness; lost of place).
Đô thị cổ Hội An, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đô thị lâu nay dường chỉ được những nhà quản lý chú trọng đến sự phát triển mà theo quan điểm này phát triển chủ yếu là kinh tế. Vì thế các nhà quản lý ít “cân nhắc” khi buộc phải “hy sinh” các di tích lịch sử, văn hóa (thường chưa được xếp hạng), những không gian công cộng truyền thống (cây đa, bến nước, mái đình…), không gian sinh thái tự nhiên (cồn, bãi trên sông, hồ đầm, gò đồi trên đất…) cho sự phát triển. Tức là các không gian lịch sử, không gian sinh thái - nhân văn, các “nơi chốn” tinh thần của cư dân bản địa dần bị xóa sổ, bị biến dạng, đứt gãy vì “sự phát triển”… Ở các nước phát triển, bên cạnh việc nghiên cứu xếp hạng các di tích, nơi chốn mang giá trị văn hóa, các nhà quản trị luôn có xu hướng tham vấn các nhà nghiên cứu văn hóa, tham vấn cư dân trong cộng đồng có di tích và luôn có một hội đồng nghiệm thu đánh giá độc lập bên cạnh kiến trúc sư trưởng đô thị để quyết định “phá hay giữ” bất cứ một địa điểm nào đã thành “nơi chốn” để kiến tạo bản sắc đô thị…
Ở tỉnh ta, ngoài đô thị cổ Hội An, các đô thị Tam Kỳ, Điện Bàn… vẫn đang trên đường kiến tạo bản sắc. Tam Kỳ với hướng phát triển hài hòa chuỗi các khu đô thị. Từ khu đô thị trung tâm được mở rộng với khu đô thị mới hướng đông (kết nối đôi bờ sông Bàn Thạch), kết nối khu đô thị trung tâm theo trục đông tây (khu đô thị phía tây, tây - bắc), trục nam bắc vùng đông (khu du lịch Nam Hội An, biển Tam Thanh, Núi Thành - Chu Lai…) với các không gian sinh thái - nhân văn như hồ Phú Ninh, biển Tam Thanh, đền tháp Khương Mỹ, Chiên Đàn, Tượng đài Mẹ anh hùng… Điện Bàn với khu đô thị công nghiệp phía bắc - đông bắc (Điện Nam - Điện Ngọc), phía tây (Điện Thắng, Điện Hòa…), khu vực nông nghiệp xanh ở các xã vùng tây giáp Đại Lộc, khu đô thị du lịch biển phía đông, đông nam (Điện Ngọc - Điện Dương) và khu trung tâm cho du lịch văn hóa, sinh thái nằm ở bờ bắc Thu Bồn, dọc theo hai bên quốc lộ 1 (vệt di tích lịch sử văn hóa…)
Đô thị phát triển bền vững luôn cần có bản sắc thông qua việc kiến tạo nơi chốn. Theo các nhà nghiên cứu có 3 định hướng cơ bản dành cho không những các nhà quản lý đô thị mà còn cho cả cộng đồng (vì kiến tạo bản sắc luôn có vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng cư dân), đó là: “nhận diện những đặc trưng cơ bản của vùng miền, thành phố, địa điểm để từ đó duy trì, củng cố và làm rõ nét bản sắc; tạo mới những đặc trưng thông qua những can thiệp vào không gian, sinh hoạt của con người để dần hình thành bản sắc trong quá trình phát triển (những khu đô thị mới hình thành là tiêu biểu) và thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu tâm lý và quy luật cảm nghiệm của con người khi thiết kế không gian” (PGS-TS. Phạm Thúy Loan - Tạp chí kiến trúc Việt Nam số 1+2/2015).
PHÙNG TẤN ĐÔNG