Các nhà nghiên cứu về đô thị thường chỉ ra tính chất “vô danh” của người đô thị (thị dân). Người đô thị thường sống khép kín, rất ít tiếp xúc với hàng xóm, láng giềng như người nông thôn nên có khi có những người ở cùng khu phố với nhau trong vòng bán kính khu vực chỉ vài trăm mét mà không biết nhau là chuyện bình thường. Ở những thành phố lớn của châu Âu, bên Mỹ - nhiều dãy phố dài hàng chục cây số ban ngày cửa đóng im lìm, buổi tối chủ nhà đi làm về, họ vội đóng cổng, đóng cửa nghỉ ngơi, rồi ngày hôm sau, thị dân cứ mãi một giờ giấc, một lịch sinh hoạt như thế, suốt tháng quanh năm. Có những người già đơn thân chết trong cô quạnh - cho đến khi thân xác “bốc mùi” hàng xóm mới biết, mới báo nhà chức trách…
Tính “vô danh” còn để chỉ những tình thế mà khi “ứng xử” thị dân chỉ dựa vào luật lệ - không cần biết “anh là ai” theo kiểu “ta đây vua biết mặt, chúa biết tên” như nhiều kẻ tìm kiếm danh phận ở một cộng đồng làng, xã nông thôn nào đó… Sự thể cũng như trong văn hóa giao tiếp - khi ra đường, thị dân không cần phải chào hỏi nhau cho “mất thời giờ” bởi nhịp sống hối hả, bởi tính chất “vô danh” của con người đô thị. Có thể liên hệ tính chất “vô danh” và mặt trái của nó - có gì giống với chuyện những người “tè bậy’ nơi công cộng bởi họ cứ nghĩ - thiên hạ nếu có “gai mắt”, có chửi thì họ cũng chỉ chửi thằng “tè bậy” chung chung chứ có biết “tên tuổi mặt mũi” ta đâu mà ngại. Chuyện này cũng khác và đôi khi trái ngược hẳn với chuyện các cô gái miền núi một thời còn hồn nhiên, chân chất - mỗi khi “tắm tiên” tình cờ gặp người lạ, khác giới, các cô chỉ lo việc che lấy mặt mà chẳng che chỗ lẽ ra phải che bởi các cô nghĩ rằng “cái mặt” mới là cái “biết xấu hổ” - còn cái chỗ đó - “cái mô cũng giống cái mô” thì ai có biết ai… Trong một tùy bút trước 1975, nhà văn Tràng Thiên có tùy bút “Cái rét đô thị” kể chuyện ông tình cờ chứng kiến ông cụ ở căn nhà phố đối diện - một buổi tối gõ cửa hai nhà hàng xóm bên cạnh nhà ông ấy để nói một điều gì đấy, sáng mai mới biết ông cụ chào từ biệt để dời đi chỗ khác ngay trong đêm.
Đô thị ở nước ta phát triển chậm. Trong diễn trình văn hóa có khi tính chất cộng đồng làng xã của con người nông thôn luôn “chống” lại tính “vô danh” của thị dân làm nên một diện mạo đô thị khác với nhiều nơi. Đó là tính chất đan xen “làng trong phố, phố trong làng”. Tính chất này hầu như có không nhiều thì ít ở phần lớn các đô thị ở nước ta vì một lẽ, xét về tính chất đô thị, đô thị nước ta hầu hết có chức năng hành chính do nhà nước lập nên chứ không tự hình thành do công nghiệp hay thương nghiệp. Ở tỉnh Quảng Nam, đô thị Hội An hay Tam Kỳ trước năm 1975 cũng vậy. Người đô thị phần lớn vẫn là những người có gốc gác nông thôn vì vậy chỉ cần ở chung một xóm, một “cuộc đất” thì người ta đã coi nhau là “xóm giềng gần”, giỗ chạp vồn vã mời mọc nhau, quan trọng nhất là chung tiền lập miễu/miếu thờ thần thổ địa, cùng góp lễ phẩm cúng xóm tất niên, cúng xóm kỳ yên. “Phố” cũng như “làng” vì thế nảy sinh tình cảm cố kết cộng đồng. Xét về mặt thân thiện, tình người, chuyện “làng trong phố” thì quá hay, thế nhưng suy cho cùng, rằng hay “thì thật là hay” mà lắm hay thì cùng “bày ra” cái dở.
Người nông thôn vốn trọng tình, duy tình nên - “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, vì thế, hễ gặp ai cùng xóm, cùng làng vi phạm luật lệ “công cộng” như vứt rác, ném chuột chết ra đường, ném heo, gà chết ra sông, họ cũng chỉ “nhắc nhở qua loa” kiểu “chín bỏ làm mười”… Nhân cái sự duy tình ấy mà thói quen xấu, việc ứng xử tùy tiện nảy nòi, hễ thấy vắng người là người vi phạm nếp sống văn minh cứ “vô tư” hắt nước bẩn, đổ rác ra đường, rồi tè bậy, khạc nhổ lung tung, đi xe thì phóng nhanh,vượt ẩu, khi không họ nổi hứng bóp còi khoe xe “siện”, khoe “body” đẹp, dáng chuẩn “men”…
Rồi cái tính “chừng mực” cốt giữ sự ổn định của người nông thôn làm cho họ ngại “thay đổi” - kiểu suy nghĩ “trông lên thì chẳng bằng ai - ngó xuống thì chẳng có ai bằng mình” - tạo một kiểu sống “quân bình” làm cho đời sống kinh tế - xã hội chậm phát triển. Đây chính là vấn đề tâm lý, vấn nạn văn hóa căn cốt để cộng đồng hiểu vì sao tốc độ đô thị hóa ở nước ta nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn còn quá chậm so với kế hoạch đề ra trong phát triển.
Vậy thì câu hỏi “người đô thị đương đại - anh là ai ?” - nghĩ lại - cốt ở việc giải quyết sao cho hài hòa giữa tính vô danh và tính hữu danh khi sống trong đô thị của mỗi con người.
PHÙNG TẤN ĐÔNG