“Ăn, cầu nguyện, yêu” (Eat, Pray, Love) của Elizabeth Gilbert (NXB Phụ Nữ tái bản 2013) - cuốn sách lẫn bộ phim chuyển thể từ cuốn sách đã tác động sâu sắc đến hàng triệu triệu phụ nữ trên thế giới (và có lẽ cả nam giới) về triết lý “sống chậm”.
Phố cổ Hội An. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Cuốn sách nói về cuộc sống chính tác giả - mọi thứ tưởng chừng như hoàn hảo nhưng rồi một ngày Elizabeth bỗng bị mất phương hướng, không còn biết mình mong muốn điều gì trong cuộc sống, cô quyết định ly hôn với chồng, đi du lịch vòng quanh thế giới để tìm lại niềm đam mê thực sự của chính mình.
Vấn đề của thị dân
Con đường truy cầu tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ có 3 nền văn hóa hết sức độc đáo mà cô đã đặt tên như vinh danh cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (Đảo Bali, Indonesia). Sống, buông xả, thư giãn với mọi giác quan, cảm nhận “hết mình” để tận hưởng mọi biểu hiện đời sống bình dị: các món ăn ngon, tâm hồn vị tha, triết lý “vô sự với tạo hóa”, tìm cái đẹp của sự “không làm gì cả” (the beauty of doing nothing) với ý nghĩa không mưu cầu ích dụng vật chất trong thời điểm mà các cá thể quay cuồng trong những công việc, trong hàng núi kế hoạch, các tham vọng không ngừng thăng tiến. Liz thoải mái với những cảm giác của chính mình, cho phép mình đi đến tận cùng các giới hạn của cảm xúc, những trải nghiệm để cô chủ động chiến thắng sự cô đơn, căn bệnh trầm cảm vẫn hằng đeo bám mình, đồng thời Liz cũng thoát khỏi sự đong đếm đời sống bằng những quy phạm có tính thực dụng như tiền bạc hay “chuẩn hạnh phúc” mà mọi người tự giam hãm vào.
Vấn đề của Liz - cũng là vấn đề của thị dân trong các xã hội hiện đại khi mà các cá nhân luôn hướng tới những lợi ích vật chất, tiện ích của công nghệ, bệnh “cuồng làm việc”, kiệt sức vì công việc hay “tiêu” quỹ thời gian hữu hạn của đời người vào các trò chơi điện tử, mua sắm, tán gẫu và vô số chuyện vô bổ khác - những người không biết mình thích điều gì và hành động để “hiện thực hóa” đam mê ấy.
Có một điều là người Việt chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần đến các đô thị du lịch trên đất nước mình là đã tận hưởng được các cảm nhận của “sống chậm”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét rất tinh tế rằng “Hội An đang bán sự yên tĩnh của mình để thu nhập kinh tế”. Những thành phố như Huế, Hà Nội, Ninh Bình, Sài Gòn… đủ để “ăn” để “nguyện cầu”, rồi hơn 3.260 cây số bờ biển, không kể các đảo trên đất nước Việt, đủ để những người yêu nhau yêu người mình yêu, yêu cả bè bạn thân, sơ và yêu cả loài người.
Làm sao để sống chậm?
Sống chậm gần như quan niệm sống thiền, vì biết cuộc sống của mỗi con người là hữu hạn nên biết tận hưởng an lạc từng phút giây thực tại (hiện pháp lạc trú). Điều này sẽ bị cho là “khó” đối với những người “đầu tắt mặt tối” lo gánh lo cơm áo, rồi thậm khó cho những người đã gần tuổi “xa trời” còn bận bịu lo toan kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con” mà đâu biết rằng chỉ cần trang bị cho con học vấn, kỹ năng sống, bản lĩnh, nhân cách để đối mặt với bao thử thách của cuộc sống là đã vững niềm tin - vì tương lai là thời kinh tế tri thức với những thay đổi mà chúng ta – trong hiện tại - không thể nào đoán định được.
Người minh triết nhất là người biết đón nhận một cách vui vẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn mà cuộc sống mang tới. Đã có những người sống, làm việc hết mình đúng nghĩa thị dân - nhưng làm việc hoàn toàn vì làm những công việc mình yêu thích, đồng thời biết điều phối thời gian cho những việc mình cần phải làm để trải nghiệm hương vị cuộc sống: hòa mình vào thiên nhiên, các công tác thiện nguyện vì lòng yêu thương, chia sẻ với bạn bè, người thân, cộng đồng, xã hội những tâm tình, những công việc vì cái Đẹp nghệ thuật, vì cái Đẹp cuộc sống trong đó có đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của mình - nghĩa là mọi việc làm hướng đến Chân, Thiện, Mỹ…
Nhưng “sống chậm” thực khó, khó đầu tiên là ở sự nhận thức của từng cá thể, có thể đôi lúc, đôi nơi, những người ấy “ngộ” ra sự hữu hạn trong quỹ thời gian sống của mình nhưng rồi cứ mãi lao vào công việc đến lúc nghĩ lại thì “sự đã rồi”. Trở lực thứ đến là mức sống, mức sống “thị dân” ở nước ta còn quá thấp, lại phải gánh vác bao nhiêu là trách nhiệm do còn quá nhiều ràng buộc với môi trường nông thôn (trách nhiệm với gia đình, dòng tộc, cộng đồng) và cuối cùng là môi trường đô thị chưa “bền vững”. Khó có thể “sống chậm” khi “miếng cơm, manh áo” bấp bênh, việc làm chưa ổn định, khó “sống chậm” khi không gian riêng tư cho cá thể không có trong cuộc sống, khi ra đường thì bị nạn “tắc đường”, khi căn nhà mình trú ngụ - bị ông “giao thông” biến thành hầm khi nâng cấp mặt đường, khi không dám mua thức gì ăn vì nạn thực phẩm bẩn tràn lan, khi những nơi trang nghiêm quá nhiều nơi “buôn thần bán thánh”, khi môi trường cả đô thị lẫn nông thôn bất an vì bạo lực, vì nạn côn đồ.
Không phải vì thế mà triết lý “sống chậm” thiếu tính thực tế. Dù chúng ta không phải là những người tu Phật hay theo triết lý Lão, Trang nhưng rốt lại triết lý sống chậm trước hết là “cái nhìn nội tâm”, khởi đi từ “nội giới” - nghĩa là từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người, do thôi thúc từ bên trong mình sau đó mới biểu thị bằng những hành vi, việc làm ra bên ngoài (ngoại giới). Và chính vì thế, mặc cho những ngăn trở của cuộc sống thực tại, những người đã thấu triệt ý nghĩa của sống chậm sẽ biết mình phải làm gì…
PHÙNG TẤN ĐÔNG