Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh đã khiến khu vực đô thị lẫn vùng nông thôn của tỉnh đối mặt với thách thức trong đảm bảo an ninh nguồn nước sạch và xử lý rác thải.
Quảng Nam cần có tầm nhìn quy hoạch, đa dạng trong dịch vụ cung cấp nước sạch và đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải là những yêu cầu mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đặt ra tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh mới đây.
Nhiễm mặn nguồn nước thô
Quảng Nam hiện có 4 doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu quản lý, vận hành hệ thống cấp nước đô thị, gồm Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam; Công ty CP BOO Phú Ninh chủ đầu tư nhà máy nước Phú Ninh; Công ty CP Giải pháp công nghệ tái tạo ở Khu công nghiệp Tam Thăng; Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa an ninh nguồn nước. Quảng Nam đã có quy hoạch hệ thống cấp nước đô thị đến năm 2030 và hình thành mạng lưới cung ứng nước theo vùng rõ nét. Trong đó, khu vực Duy Xuyên - Điện Bàn và Hội An, quy hoạch đến 5 nhà máy cấp nước đô thị với tổng công suất thiết kế 50.000m3/ngày đêm; khu vực Tam Kỳ - Núi Thành công suất thiết kế 135.000m3/ngày đêm và khu vực còn lại mỗi địa phương quy hoạch một nhà máy cấp nước.
Theo Sở Xây dựng, các đô thị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành cung cấp nước chiếm 95 - 98%; những đô thị còn lại đáp ứng khoảng 50 - 60%. Các nhà máy sản xuất nước hiện nay đầu tư công nghệ tiên tiến, đường ống sử dụng vật liệu mới thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vùng ven đô thị Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành…, mạng lưới cấp nước sạch chưa được đầu tư ở nhiều khu dân cư, do doanh nghiệp sợ đầu tư kém hiệu quả.
Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua cũng khiến nhiều nhà máy sản xuất nước gặp khó khăn về nguồn nước đầu vào như các nhà máy nước Thăng Bình, Nam Phước. Các nhà máy Vĩnh Điện, Hội An bị nhiễm mặn nguồn nước thô, gây khó trong việc xử lý. Tỷ lệ thất thoát nước tập trung nhiều ở các nhà máy đã quá cũ kỹ, lạc hậu công nghệ như nhà máy nước Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc.
Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Phú đánh giá: “Hầu hết nguồn nước thô dùng cho cấp nước đảm bảo chất lượng, trữ lượng. Riêng nguồn nước thô cấp cho nhà máy nước TP.Hội An bị nhiễm mặn vào mùa khô, có lúc mất nước 1 - 2 ngày do xử lý tình trạng nhiễm mặn”. Ở khu vực đô thị vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trái phép, như một số khách sạn ở Hội An và các nhà máy trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn).
Thiếu công trình xử lý nước thải
Vệt đô thị ven biển Điện Bàn - Hội An hiện chưa có công trình xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành; chỉ khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có trạm xử lý nước thải phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp với công suất 5.000m3/ngày đêm.
Tại vùng đông Duy Xuyên - Thăng Bình, đã xây dựng 3 công trình xử lý nước thải với công suất thiết kế hơn 3.000m3/ngày đêm. Trong đó, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đầu tư 2 trạm với công suất 2.664m3/ngày đêm, xử lý toàn bộ nước thải trong phạm vi của dự án.
Về xử lý nước thải sinh hoạt, đến nay chỉ có TP.Tam Kỳ đưa vào vận hành dự án công suất xử lý 8.000m3/ngày đêm tại phường Hòa Hương, song đô thị Tam Kỳ đang đối mặt trước thách thức ngập úng cục bộ mỗi khi xảy ra mưa lớn.
Các đô thị trong tỉnh đang rất lúng túng trước việc đầu tư hạng mục thoát nước và xử lý nước thải như thế nào cho hợp lý, phụ thuộc vào các loại quy hoạch khác nhau. Ông Nguyễn Phú thông tin thêm, quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải chưa được phê duyệt ở một đồ án quy hoạch riêng mà là một nội dung trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của đồ án quy hoạch xây dựng. Các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải đang triển khai và không phổ biến ở các đô thị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, tinh thần của tỉnh là đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước sạch, với mục đích cuối cùng là có đơn giá hợp lý, đảm bảo an ninh nguồn nước theo hướng lâu dài. Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Đình Toàn lưu ý, với các công trình cung ứng nước sạch quy mô lớn, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống bảo vệ công trình an toàn, ngăn ngừa việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.