Tận dụng, tái chế và tái sử dụng tài nguyên tự nhiên là những khái niệm để tiến đến một đô thị zero carbon. Đó cũng là phương pháp tối ưu với các vùng đất nhằm hạn chế những tác động tai hại từ sự biến đổi khí hậu, khi đưa phát thải ròng...về 0.
Thách thức từ phát triển
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu mới đây, nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra phát thải của Việt Nam đến từ các hệ thống năng lượng và sử dụng đất. Trong đó, có khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính là từ ngành điện, 30% từ công nghiệp và 10% từ hoạt động giao thông vận tải. Những dự án ở các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng cho thấy mức phát thải đều khá cao.
Cũng theo nghiên cứu này, Việt Nam đang gặp nhiều vấn nạn của nhóm nước đang phát triển, khi sản xuất công nghiệp luôn dựa vào loại hình cũ cho phát thải carbon cao.
Cụ thể, Việt Nam đạt được GDP cao nhờ các ngành phát thải lớn và phần lớn vốn dự trữ quốc gia gắn với nguồn nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, mức phát thải của Việt Nam có thể tăng gần 4 lần nếu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo kế hoạch cũ mà không có thay đổi về công nghệ.
Cùng với biến đổi khí hậu, đô thị hóa là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng mức phát thải carbon ra môi trường. Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam 2016 - 2020 cho biết, xu hướng gia tăng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật do gia tăng bất thường về thời tiết, dịch bệnh gây sức ép vấn đề ô nhiễm môi trường đất.
Xu hướng gia tăng sạt lở bờ biển từ Cửa Đại cũng như sạt lở bờ sông, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu vào đất liền do tác động của biến đổi khí hậu. Ô nhiễm môi trường nước mặt các hệ thống sông lớn, ô nhiễm nước ven biển vào mùa mưa, ô nhiễm môi trường không khí cục bộ do hoạt động công nghiệp - xây dựng, hệ thống xử lý chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp chưa đảm bảo hợp vệ sinh... là hàng loạt vấn đề mà đô thị Quảng Nam đang gặp phải.
Hành động ở từng lĩnh vực
KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Hiệp hội KTS Việt Nam cho rằng, quy hoạch đô thị Quảng Nam cần theo hướng hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Cũng theo ông Sơn, Quảng Nam gặp một số thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững tại các đô thị. Cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên.
“Đô thị Quảng Nam cần phát triển và khai thác du lịch theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và từng bước cải thiện điều kiện tự nhiên, giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực do phát triển đô thị và khai thác hoạt động du lịch gây nên.
Có thể thấy Mô hình đô thị Zero Carbon (Zero Carbon City) đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng là một trong những giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị tập trung vào việc giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính bằng việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; tăng cường quản lý chất thải hiệu quả cũng như khai thác hệ thống giao thông và vận chuyển bền vững” - đại diện Hội KTS Việt Nam chia sẻ.
Đô thị carbon thấp sử dụng các nguồn năng lượng “sạch” từ tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt thay cho các nguồn nhiên liệu sản sinh lượng khí thải cao.
Mô hình đô thị carbon thấp là giải pháp tối ưu nhằm góp phần ngăn chặn lượng khí thải sinh ra từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt đô thị thông qua các hình thức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, ít gây ô nhiễm mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tối ưu hóa sử dụng tài nguyên cũng như tạo ra chuỗi giá trị và việc làm cho cộng đồng địa phương, bên cạnh giáo dục và tăng cường nhận thức cho người dân về quản lý và bảo vệ môi trường tự nhiên sẽ là những bước đi hợp lý để tiến tới một đô thị zero carbon.
Mới đây nhất, để hiện thực hóa mục tiêu đô thị zero carbon, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Cụ thể, ở lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2031, tỷ lệ phương tiện hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh. Để đạt các mục tiêu trên, Quảng Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách và khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực để đầu tư hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải...