Đỗ Thúc Tịnh - một trí thức Quảng Nam tiêu biểu

LƯU ANH RÔ 11/02/2018 13:08

Có thể nói, cuộc đời của cụ Đỗ Thúc Tịnh được dẫn dắt bởi tinh thần hiếu nghĩa, thực học, thực tài và hành xử trước thời cuộc theo tính cách và giá trị phổ quát “dám dấn thân” chung của nhân sĩ xứ Quảng. Hai nhân tố dễ nhận thấy điều này ở Đỗ Thúc Tịnh, chính là tinh thần hiếu học và sự dấn thân theo hướng phụng sự quốc gia, dân tộc.

Đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh - 2008.
Đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh - 2008.

Đỗ Thúc Tịnh sinh ra ở tại Hòa Vang – trong không gian chung của văn hóa xứ Quảng. vùng đất đó dù nghèo song vẫn hiển hiện tinh thần hiếu học, “học trò chăm chỉ” đúng như ghi chú của Quốc sử quán triều Nguyễn trong công trình “Đồng Khánh dư địa chí” chép về Hòa Vang rằng: “Đất xấu, dân nghèo, ăn mặc, tiêu pha tằn tiện, số lượng kẻ sĩ ít hơn các huyện lân cận nhưng tiến sĩ (ý chỉ Đỗ Thúc Tịnh, vì Hòa Vang có duy nhất ông đạt học vị này – NV), cử nhân, tú tài thỉnh thoảng cũng có”. Từ chiếc nôi ấy, xuất thân từ một gia đình khoa cử, ngay từ nhỏ Đỗ Thúc Tịnh đã có tư chất thông minh, hiếu học hơn người.
Đỗ Thúc Tịnh tự là Cấn Trai, người xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Ông sinh vào giờ Tuất ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (20.2.1818). Trước khi thi đậu tiến sĩ, ông có tên là Đỗ Như Chương; tên, họ và chữ lót này phù hợp với danh tính của cha ông: Đỗ Như Tùng. Theo cuốn Hòa Vang huyện chí thì Đỗ Như Tùng là “tú tài khai khoa (đỗ đầu tiên - NV) của huyện Hòa Vang”. Ông được triều đình Huế bổ làm tri huyện An Định.

Đỗ Thúc Tịnh mồ côi cha từ sớm song ông lại có được một hiền mẫu vô cùng đức hạnh, chính bà là người chăm sóc, dạy dỗ để Thúc Tịnh có được tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa hiếm thấy như sau này. Gia phả tộc Đỗ và nhân dân trong làng vẫn còn truyền rằng: bà Đinh Thị Thoại luôn “Chăm sóc việc nhà, mỗi khi thấy giấy chữ Nho bỏ rơi, bà tiếc vô cùng, liền bỏ công thu nhặt, sắp xếp lại, thường đem việc trung hiếu, kinh sử dạy dỗ các con. Do ảnh hưởng đó, Thúc Tịnh nổi tiếng nuôi mẹ, thờ anh hết lòng thảo kính”. Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép: “Thúc Tịnh lúc nhỏ mồ côi cha, nhà nghèo mà chăm học, thờ mẹ và anh rất cẩn thận, có tiếng hiếu hữu”. Cuốn Hòa Vang huyện chí còn chép về ông rõ hơn là: “Ông thuở nhỏ thông minh hiếu học. Ngoài nho học, ông còn thông cả y, lý, bốc (làm thuốc, xem tướng số, bói toán), không chỗ nào là không biết. Thờ mẹ, vâng lời anh, rất có hiếu đễ”. Càng lớn lên, Đỗ Thúc Tịnh càng học giỏi, thông minh nức tiếng khắp vùng. Gia phả tộc Đỗ có chép một chi tiết đáng lưu ý: “Khi Như Chương (tức Thúc Tịnh) lớn lên, học giỏi đỗ đạt và trở thành mối bận tâm cho những “dân chánh cư” trong làng, hào lý địa phương gây khó cho gia đình “ngụ cư” này, họ định truất tên trong bộ đinh của làng. Mẹ của Đỗ Thưc Tịnh bèn đưa các con Như Khê, Như Chương và Như Bích tạm sang ở nhà thông gia ở làng bên. Đến năm 1841 - 1842, tiến sĩ Lê Thiện Trị người xã Long Phương, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, gửi lời lên Tỉnh đường Quảng Nam, tỉnh thần mới khẩn sức cho làng La Châu phải ghi tên anh em nhà Đỗ Thúc Tịnh vào bộ đinh.

Nhờ thông minh hơn người và tinh thần hiếu học, Đỗ Thúc Tịnh đã đỗ tiến sĩ vào năm 1847. Điều đáng nói hơn, nếu cha ông là “tú tài khai khoa” của Hòa Vang thì ông lại là “tiến sĩ khai khoa của Hòa Vang”. Một vị quan lớn gốc Quảng, là bạn tri kỷ với ông là cụ Phạm Phú Thứ cũng đã chép trong sách Giá viên toàn tập rằng: “Thúc Tịnh họ Đỗ, người cùng tỉnh (với ta). Ông người huyện Hòa Vang. Năm Đinh Mùi triều Thiệu Trị (1847) thi đỗ đồng tiến sĩ”. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm tri phủ huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Được một thời gian ngắn, ông phải xin về vì mẹ đau nặng. Gia phả tộc Đỗ tại La Châu chép rằng: “Suốt ngày ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút”.

Điều đáng nói là, trong 3 năm để tang mẹ tại quê nhà, ông đã khởi xướng việc xây dựng Văn chỉ Hòa Vang, còn dấu tích cho đến ngày nay. Công việc tiến hành đến cuối mùa xuân năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành, và cũng chính Đỗ Thúc Tịnh là người chấp bút bài văn bia dựng trước Văn chỉ. Trong văn bia dựng lại năm Khải Định thứ 4 (1919), cho biết công lao của Đỗ Thúc Tịnh như sau: “Đền thánh được lập ra đã có từ trước rồi. Năm Tự Đức thứ năm, ngài Tuần phủ người xã La Châu là Đỗ Tiên Công (tức Đỗ Thúc Tịnh) là người đề xướng tạo dựng đền thờ. Trong thời Thành Thái vì binh lửa nên đã bị cháy trụi. Các bậc hương thân trong tổng (tổng An Phước) cúng tiền lập lại văn hội, trước sau đều có ghi trong văn bia”. Sau này, khi làm quan tại Khánh Hòa, Đỗ Thúc Tịnh cũng là người chủ trì thực hiện việc xây Văn chỉ Diên Khánh, hiện còn khá nguyên vẹn tại TP.Nha Trang. Tinh thần hiếu học của ông là tấm gương cho học nghiệp của Hòa Vang mà trước hết là những người trong gia đình ông như: Đỗ Bùi Trị, là con trai út của Tuần vũ Đỗ Thúc Tịnh; năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 32, được tập ấm được vào Tòa giám với danh hiệu: Thượng hạng ấm sinh. Đỗ Thúc Đảnh, là con trai thứ của Đỗ Thúc Tịnh, năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 được nhận danh hiệu Ấm sinh vào hậu bổ ở tỉnh.

Tiếc rằng, Đỗ Thúc Tịnh mất quá sớm tại quân thứ, khi đang chỉ đạo đánh Pháp tại Nam kỳ. Được tin các biên thần tâu về, vua Tự Đức rất đỗi đau buồn và than rằng: “Người tôi trung và mẫn cán chẳng may bị đoản mệnh, chẳng biết sự cơ rồi sẽ như thế nào? Vả lại, khi con người mà bị mất cả “chân tay” (ý nhà vua muốn chỉ Đỗ Thúc Tịnh mất đi là mất một cánh tay đắc lực của mình - NV) thì đâu có khả năng làm được lớn!”. Đỗ Thúc Tịnh là hình mẫu điển hình cho tinh thần thực học, thực tài và dấn thân của nhân sĩ Quảng Nam trong lịch sử vậy!

LƯU ANH RÔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đỗ Thúc Tịnh - một trí thức Quảng Nam tiêu biểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO