Đổ xô tận thu vàng

TRẦN HỮU 26/02/2013 08:40

Sau tết, nhiều người từ khắp nơi đổ xô đến vùng tây Quảng Nam cày xới, tận thu vàng. Hệ lụy ô nhiễm môi trường, rừng bị tàn phá, mất đất sản xuất luôn gây nhức nhối cho xã hội.

Khu vực khai thác vàng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.Ảnh: T.HỮU
Khu vực khai thác vàng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.Ảnh: T.HỮU

Tranh thủ tận thu

Những phương án, kế hoạch truy quét lâm sản, khoáng sản trái phép trong dịp tết đã được tính toán rất chi li. Hàng chục cuộc truy quét, đẩy đuổi giới thổ phỉ rời khỏi “vùng cấm” là các khu rừng đặc dụng, phòng hộ đã thể hiện quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các địa phương miền núi. Song, thực tế đối tượng khai thác lâm khoáng sản trái phép vẫn chưa rút lui khỏi địa bàn, thậm chí chờ đợi sự lơ là của cơ quan chức năng là sẵn sàng vào lại rừng tiếp tục vơ vét vàng. Sau tết, nhiều điểm khai thác vàng mới xuất hiện ở các địa phương như khu vực Nà Lau (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn), dọc bờ sông Lon vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Trà My và Tây Trà (Quảng Ngãi); các xã Trà Mai, Trà Leng (Nam Trà My), Tây Giang… Điều đáng lo ngại, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để mua đất và mượn danh nghĩa của họ để thực hiện hành vi đào đãi vàng trái phép.

Tiếp cận hiện trường, chúng tôi ghi nhận, đoạn đường kéo dài hơn 3km từ chân cầu Đắk Sa (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) vào khu vực khai thác của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có hơn 50 đối tượng và 10 phương tiện xe múc, xe ủi trái phép ra vào như chốn không người. Con suối Đắk Sa chẳng khác gì đại công trường rầm rập tiếng máy động cơ phục vụ tận thu vàng. Dòng nước đặc quánh bùn đỏ. Trong chuyến truy quét mới đây, kiểm lâm huyện Phước Sơn buộc phải tiêu hủy hơn 5.000 lít dầu diezen, phá hủy máy nổ. Người dân địa phương cho biết, hơn tuần nay, vào ban đêm nhiều đối tượng đã tranh thủ hoạt động hết công suất máy móc để tận thu vàng. Tiếng động cơ phát ra chát chúa gây mất vẻ bình yên vốn có ở đại ngàn. Trắng trợn hơn, việc đào bới đất lấn sát cầu, mép đường giao thông hoặc ngay trong lòng khu vực dân cư. “Không sợ lực lượng truy quét à?” – tôi thắc mắc hỏi. Một chủ bãi nhìn trên ngó dưới nói: “Sợ chứ, nếu bị đánh bất ngờ coi như mất toi tài sản. Nhưng không dễ tịch thu phương tiện của chúng tôi đâu. Người lạ nào đột nhập vào đây, dân địa phương nắm tận tường”.

Cần tiếp tục vào cuộc...

Từ đầu tháng 2 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương tổ chức hơn 20 đợt kiểm tra, truy quét các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, phá hủy 49 lán trại, 15 máy nổ, máy phát điện; thu giữ 10 xe múc và giàn tuyển quặng vàng cùng hàng nghìn dụng cụ, thiết bị máy móc tận thu vàng...

Việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Phước Đức diễn ra rầm rộ gây ít nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh từng thừa nhận, “vòi bạch tuộc” phá rừng vẫn tàn phá nghiêm trọng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nhất là khu vực giáp ranh giữa Nam Giang với xã Phước Đức - huyện Phước Sơn. Cái khó là để đập phá các tài sản lớn của “vàng tặc” phải chờ đợi xin ý kiến của các ngành liên quan. Không riêng gì địa bàn xã Phước Đức, cách đường Hồ Chí Minh hơn 100m, dưới sông Nước Mỹ (thuộc Khu du lịch Thác Nước, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) có khoảng 30 người đang hối hả đào bới vàng, làm nguồn nước đỏ ngầu. Tại khu vực khe 39 (thuộc xã Phước Hòa, Phước Sơn) và sông Nước Mỹ (thuộc thôn Lao Đu - xã Phước Xuân), sau tết lực lượng chức năng huyện Phước Sơn đã truy quét, đẩy đuổi hàng chục đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn và phá hủy toàn bộ lán trại, dụng cụ phục vụ cho việc khai thác. Tuy nhiên, “điểm nóng” của tình trạng khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện Phước Sơn dịp tết là tại thôn 10 (xã Phước Hiệp). Tại đây, có ít nhất 5 xe múc san ủi ven bờ sông Trường. Đáng nói, đối tượng lộng hành suốt thời gian dài, song địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Nguyễn Viễn, tình trạng khai thác vàng trái phép trong dịp tết vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mặc dù lãnh đạo tỉnh, ngành đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tăng cường nguồn lực lớn để giữ tài nguyên khoáng sản. “Phải thể chế hóa pháp luật cụ thể, chế tài xử phạt đủ mạnh thì mới mong chặn đứng được đối tượng “vàng tặc”. Khách quan mà nói, khi tỉnh tăng cường lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã lắng xuống rõ rệt” – ông Viễn nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổ xô tận thu vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO