Thời gian gần đây người dân ở xã Phước Ninh và Quế Lâm (huyện Nông Sơn) đổ xô vào rừng đào rễ mật nhân để bán. Do thu nhập khá cao nên ngày càng có nhiều người làm nghề này.
Anh Nguyễn Cảnh đang băm mật nhân. Ảnh: T.LÊ |
Sáng sớm, ông Nguyễn Bảy và ông Bùi Hồng Sơn (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) đã vội vã vào rừng đào mật nhân, đến chạng vạng mới lỉnh kỉnh vác cây về nhà. Vì hai ông không có xe nên mỗi ngày chỉ đi một chuyến, còn mấy thanh niên trong làng, đi hai chuyến một ngày, cũng kiếm được hơn 500 nghìn đồng. Ngày nào đào về ông cũng bán nguyên gốc, nguyên rễ cho bà Phượng (người cùng thôn) với giá 6 nghìn đồng/kg. Nếu chở lên bán cho thương lái ở Quế Lâm thì được giá hơn, 10 nghìn đồng/kg.
Cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour), thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae, chi Eurycoma. Đông y cho rằng, mật nhân có vị đắng, tính mát, quy (đi vào) kinh can và thận, có tác dụng bổ dưỡng cho người bị khí huyết hư, gân xương đau nhức, tê chân tay, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hay kiết lỵ đều dùng được), phòng ngừa tứ thời cảm mạo. Ngoài ra, mật nhân còn chữa được chứng thống kinh, chứng ách nghịch ở ngực. Nghiên cứu gần đây cho thấy, cây mật nhân có công hiệu cải thiện chức năng sinh lý và tăng cường sức khỏe tình dục, bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp giảm stress, mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa khối u và phòng chống lão hóa… (Theo báo Sức khỏe và đời sống) |
Những người đào mật nhân cho biết, mật nhân đào được nhiều hay ít phụ thuộc lớn vào số lượng cây mật nhân phân bố trên núi, địa hình đất và độ ăn bám của rễ. Khi còn tươi rễ mật nhân có màu vàng nhưng sau khi phơi khô thì còn màu trắng. Theo ông Nguyễn Bảy, cây mật nhân xuất hiện ở Nông Sơn hơn 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ có người lùng mua nhiều như hiện nay. Mật nhân là loài cây có vị đắng, lâu nay người dân vẫn đào về sắc hoặc ngâm rượu uống để chữa một số bệnh về xương khớp, đặc biệt là đau mỏi lưng. Nghe giới thiệu, chúng tôi tìm đến chủ mua rễ mật nhân ở xã Quế Lâm, nhưng chỉ gặp anh Nguyễn Cảnh (thôn Phú Gia, xã Quế Phước) - người đang gia công rễ mật nhân phơi khô. Anh Cảnh cho biết, công việc của anh là chẻ nhỏ rễ mật nhân theo kích thước mỗi lát mỏng hơn 5mm, không được nát vụn, tiền công 150 nghìn đồng/ngày. Mỗi ký rễ mật nhân tươi sau khi được băm nhỏ, phơi khô chỉ còn khoảng 2 lạng. Thường thì mật nhân được phơi khoảng 4 - 5 nắng, giòn là đảm bảo chất lượng.
Tại Nông Sơn, bên cạnh cây mật nhân thì cây si mủ đỏ cũng được thu mua với giá 5 triệu đồng/kg, cây đu đủ rừng mủ đỏ (còn gọi là tam huyết thống) thu mua với giá cao hay thấp tùy theo năm tuổi. Cây mật nhân phân bố rộng ở các xã Phước Ninh và Quế Lâm. Chỉ cần vào bìa rừng là đào được mật nhân, thậm chí cây còn mọc trong rẫy keo của dân. Một người đào mỗi ngày được 40 - 50kg, cho thu nhập khoảng 400 - 500 nghìn đồng. Thiết nghĩ, nếu cây mật nhân là loại dược liệu quý thì nên có kế hoạch khai thác, chế biến và bảo tồn, phát triển hợp lý, hạn chế tình trạng khai thác bừa bãi sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng loài thuốc quý này.
TÂM LÊ