(QNO) - Sáng nay 23.5, đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; kế hoạch phối hợp tổ chức tọa đàm về liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Quảng Nam.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Theo báo cáo, những năm đầu tái lập, Quảng Nam giữ vai trò trọng yếu về nông nghiệp. Giai đoạn 2004 - 2021, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng phi nông nghiệp từ 69% lên 86% và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 31% xuống còn 14%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2021, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt hơn 102,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,5 tỷ USD, gấp hơn 40 lần so với năm 1997 - thời điểm tái lập tỉnh và đứng thứ 2 trong 5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Giai đoạn 1997 - 2021, tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 9,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm...
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng và quy mô; các thành phố, thị xã, thị trấn được nâng cao chất lượng đô thị, trở thành những trung tâm phát triển của địa phương, khu vực và của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư thành thị và nông thôn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh.
Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh còn 4,5%, cao hơn mức chung của cả nước (2,23%).
Sau 25 năm tái lập tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn 2004 - 2021 thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một tỉnh thuần nông nhiều khó khăn đã vươn lên thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thương mại và dịch vụ; kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
[CLIP] - Đại biểu tham dự cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương:
Trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh; khắc phục những hạn chế, thách thức nội tại; cải thiện chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, phát huy các dư địa phát triển còn tiềm năng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận liên quan đến kế hoạch phối hợp tổ chức tọa đàm về liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Quảng Nam vào thời gian tới.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá vai trò của tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tọa đàm sẽ chỉ ra những hạn chế trong phát triển và đánh giá quá trình thực thi chính sách liên kết vùng; nêu đề xuất, kiến nghị nhằm phát huy hiệu quả liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới...
Gợi ý một số nội dung liên quan đến tọa đàm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, bên cạnh kết nối cụm theo các tỉnh nằm trong khu vực, cần quy hoạch vùng một cách có chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm theo hướng lâu dài và bền vững.
* Trước đó, đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ).