(QNO) - Chiều 23/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối với ngành GD-ĐT, Y tế, Nội vụ. Ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng Đoàn chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Y tế, thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh, thời gian qua toàn ngành đã sáp nhập 18 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; sáp nhập 5 đơn vị có chức năng y tế dự phòng thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và sáp nhập Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An vào Trung tâm Y tế thành phố Hội An.
Về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện có 9 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2), trong đó bao gồm 6 trung tâm y tế huyện (đa chức năng) có hệ điều trị được phân tự chủ tài chính nhóm 2; 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3); 2 đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4).
Khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với ngành y tế là cơ cấu giá thu dịch vụ khám chữa bệnh chưa đảm bảo đủ chi phí; nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh còn phụ thuộc Quỹ giao chi khám chữa bệnh BHYT bị hạn chế, và nguồn chi phí khám chữa bệnh BHYT này chưa được thanh toán đủ theo chi phí thực tế mà cơ sở khám chữa bệnh đã bỏ ra phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân…
Trong khi đó, Sở GD-ĐT cho biết UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2428 phê duyệt đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm học 2024 - 2025.
Đến nay, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT là 55 đơn vị, trong đó có 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Nam), 41 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, 13 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Để thực hiện tinh giản biên chế và sử dụng hiệu quả số lượng người làm việc được giao, Sở GD-ĐT đã thực hiện bố trí đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên trường học với định mức thấp hơn định mức theo quy định của Bộ GD-ĐT. So với số lượng người làm việc giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở năm 2015 thì số lượng 3.216 người làm việc được giao năm 2023 là giảm 217 người (tỉ lệ 6,3%).
Theo Sở GD-ĐT, việc tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở khó thực hiện do số lượng học sinh ngày càng tăng, khó thực hiện giảm số lượng trường học cũng như giảm đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Nguồn thu chủ yếu của các cơ sở giáo dục công lập là học phí nên việc tự chủ về tài chính còn nhiều khó khăn. Do đó, việc giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng số người làm việc hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp rất khó thực hiện vì nguồn kinh phí tự chủ không đảm bảo.