(QNO) - Sáng nay 23.8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018. Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình chủ trì buổi giám sát. Ảnh: D.L |
Theo báo của của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, việc thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gặp thuận lợi hơn do có những chính sách, cơ chế thúc đẩy GDNN phát triển; Luật GDNN ra đời tạo hành lang pháp lý, đồng thời tỉnh đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, tỉnh đã rà soát, củng cố lại đội ngũ cơ sở vật chất, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển GDNN. Toàn tỉnh sau khi sắp xếp, đến nay có 36 cơ sở GDNN các bậc từ cao đẳng đến sơ cấp, với 1.532 cán bộ, giáo viên. Thực hiện Chương trình hành động số 15 ngày 27.2.2018 của Tỉnh ủy, Sở LĐ-TB&XH đang hoàn thiện đề án sắp xếp các cơ sở GDNN.
Tổng số người được đào tạo nghề nghiệp trong giai đoạn 2013 - 2018 là 27.287 người, gồm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Riêng việc đào tạo nghề theo Nghị quyết 12/2016 của HĐND tỉnh được 2.210 người. Tổng nguồn kinh phí đầu tư cho GDNN hơn 708 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa hơn 187 tỷ đồng.
Công tác GDNN còn nhiều khó khăn, như ngành nghề đào tạo chưa chuyên sâu, thiếu ngành nghề kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, tuyển sinh ngày càng khó khăn, tỷ lệ đạt chuẩn kỹ năng nghề của đội ngũ giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất xuống cấp, không phù hợp với công nghệ, dây chuyền sản xuất thực tế, hợp tác quốc tế chưa tốt.
Ngành LĐ-TB&XH đã đề nghị đến đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có kiến nghị đến Quốc hội đưa nội dung quy định về cơ quan quản lý nhà nước về GDNN vào luật nhằm đảm bảo tính pháp lý, ổn định lâu dài; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 53/2015 theo hướng tất cả học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tại địa bàn miền núi được hưởng chính sách nội trú; Bộ LĐ-TB&XH ban hành các văn bản quy định hồ sơ biểu mẫu trong quản lý dạy và học, danh mục thiếu bị đào tạo tối thiểu ở các ngành nghề đào tạo, định mức kinh tế - kỹ thuật trong GDNN, chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề; HĐND tỉnh bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 12/2016 như chỉ tiêu đào tạo, chính sách hỗ trợ tiền giữ trẻ cho lao động nữ người dân tộc thiểu số sau học nghề đi làm tại doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí ban đầu...; UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo phân luồng học sinh, có quy định về việc cung cấp thông tin nguồn nhân lực cần của các dự án đầu tư vào tỉnh đến cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp.
DIỄM LỆ