Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi)

VĂN HIẾU 24/03/2021 21:51

(QNO) - Chiều 24.3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận một số nội dung để hoàn thiện dự án luật.

Đại biểu Phan Thái Bình
Đại biểu Phan Thái Bình thảo luận dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: V.HIẾU

Đại biểu Phan Thái Bình thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Theo đại biểu, khi xem xét trách nhiệm trong công tác phòng chống ma túy, quy định tại Điều 6 đến Điều 11, Chương II dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, cơ quan báo chí, MTTQ và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác, cơ quan chuyên trách phòng chống ma túy.

Tuy nhiên, qua thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét bổ sung Chương II thêm một điều luật quy định về trách nhiệm các chủ thể kinh doanh trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy. Vì thực tế trong thời gian vừa qua chúng ta chứng kiến nhiều chủ thể kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke… để xảy ra tình trạng sử dụng chất ma túy, tổ chức sử dụng chất ma túy chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy đề nghị trong Chương II bổ sung trách nhiệm của các chủ thể này để làm rõ trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, cần thiết có chế tài xử lý.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, Chương 4, Điều 22 quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể người, buộc phải xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện. Tuy nhiên đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, khi xem xét toàn bộ dự thảo luật cũng như Điều 22 chưa quy định về thẩm quyền và biện pháp cưỡng chế của người có thẩm quyền, của cơ quan có chức năng, trong trường hợp các đối tượng không chấp hành các xét nghiệm thì chưa có chế tài xử lý. Để đảm bảo các điều kiện khả thi, đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế để các cơ quan thực thi pháp luật dễ thực hiện.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, hiện nay tình trạng người sử dụng chất ma túy tăng lên, theo thống kê hiện cơ quan chức năng quản lý khoảng 230 nghìn hồ sơ; còn đối tượng nghiện chưa có hồ sơ, chưa quản lý được ở ngoài xã hội thì còn lớn hơn rất nhiều. Trong khi chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế xem người nghiện là con bệnh, đây là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy thì không thể xem như người bệnh, nếu vậy tình trạng này phổ biến và rất nguy hại cho cộng đồng.

Trong dự thảo luật cũng đề cập đến cai nghiện tại nhà, tại cộng đồng, đại biểu Phan Thái Bình đánh giá là cần thiết, nhưng hiệu quả không cao. Do vậy đề nghị Quốc hội sửa đổi theo hướng khôi phục lại Điều 199 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội danh sử dụng trái phép chất ma túy như trước đây, với điều kiện người sử dụng ma túy bị xử lý hành chính hoặc đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng tái phạm thì xem xét sử lý hình sự, để hạn chế tội phạm ma túy, vì tội phạm này là tội phạm của nhiều loại tội phạm khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO