Năm 2018, cùng với sự phát triển và những đổi mới của Quốc hội Việt Nam, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng hết sức sôi nổi, thiết thực, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận tại các diễn đàn của Quốc hội, đặc biệt là mang những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đại biểu Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV (tháng 11.2018). Ảnh: NHO TUẤN |
Tham gia xây dựng pháp luật
Năm 2018, Quốc hội đã xem xét ban hành nhiều dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật được Đoàn ĐBQH tỉnh hết sức quan tâm nhằm tập hợp rộng rãi ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chịu tác động của luật trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 22 dự án luật bằng nhiều hình thức, như tổ chức hội nghị lấy ý kiến, tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến qua văn bản, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến dự án luật, giám sát việc thi hành pháp luật… Qua đó tạo ra các kênh thông tin góp ý luật hết sức đa dạng, phong phú. Nhiều nội dung của dự thảo luật được phân tích, mổ xẻ đa chiều, cũng có những ý kiến trái chiều, tranh luận..., nhờ vậy đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề. Hầu hết ý kiến góp ý sát đúng đều được Đoàn ĐBQH tổng hợp và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, soạn thảo luật tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
Tiếp đó, tại những kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, góp ý vào hầu hết dự án luật trình kỳ họp. Bằng kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, cũng như tiếp thu ý kiến góp ý từ cơ sở, các ĐBQH tỉnh không ngần ngại theo đuổi, kiên trì kiến nghị để góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi bấm nút thông qua. Không chỉ góp ý xây dựng, tại các phiên thảo luận của kỳ họp, ĐBQH tỉnh còn kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn như ban hành Luật Nhà giáo, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Đất đai…
Giám sát những vấn đề “nóng”
Theo chương trình, năm 2019 Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 18 dự án luật; tổ chức 4 đoàn giám sát chuyên đề và các hoạt động giám sát, khảo sát theo đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thứ Bảy, thứ Tám. |
Có lẽ, chưa bao giờ lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) lại “nóng” và dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận như trong năm 2018. Và đó cũng là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh quyết định tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển GD-ĐT, giai đoạn 2013 - 2018, trên địa bàn Quảng Nam”. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy hệ thống chính sách, pháp luật về GD-ĐT cũng như quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Từ đó, một loạt kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, địa phương được Đoàn ĐBQH tỉnh đưa ra như: xem xét sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học một cách toàn diện, đồng bộ và dành sự ưu đãi đặc biệt đối với lĩnh vực GD-ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay của đất nước; sớm ban hành Luật Nhà giáo; tích hợp, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chế độ, chính sách trên lĩnh vực GD-ĐT; tổng kết, đánh giá và tiến hành sắp xếp lại hệ thống các trường đại học…
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”, giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Núi Thành trong việc chấp hành quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và việc tiếp nhận, thụ lý, chỉ đạo, giải quyết đơn khiếu nại của công dân. Các hoạt động giám sát chuyên đề năm 2018 của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đưa ra 58 kiến nghị, đề xuất và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương xem xét giải quyết. Những vấn đề “nóng” qua giám sát cũng được ĐBQH tỉnh chọn lọc, nêu ra tại các phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội. Qua đó góp phần thúc đẩy việc giải quyết những vấn đề bất cập của xã hội cũng như trong công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành.
Với những kết quả đạt được trong năm 2018, Đoàn ĐBQH và ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri, làm tròn trách nhiệm với Quốc hội.
NHO TUẤN