Đoàn kết cùng phát triển

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG 31/10/2014 08:36

Ngày 29.10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam lần thứ II - năm 2014 thành công tốt đẹp. Một lần nữa, tình đoàn kết anh em được tô thắm bằng quyết tâm của đồng bào các dân tộc, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Giữ vững tình đoàn kết

Xác định đồng bào DTTS là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân; chung tay góp sức xây dựng và phát triển quê hương miền núi, đại hội lần này khẳng định đồng bào DTTS vẫn một lòng, một dạ đoàn kết theo Đảng, Bác Hồ. Với những kỳ vọng hướng về tương lai, đại hội tỏ rõ quyết tâm của đồng bào miền núi trong công cuộc đổi mới, bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Theo bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, vận động xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với thoát nghèo nhanh và bền vững,… là những mục tiêu Bắc Trà My nỗ lực hướng đến trong suốt thời gian qua. Trong đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết được chọn làm “đòn bẫy chiến lược” để thực hiện nhiệm vụ này. Trên tinh thần đó, chủ trương, định hướng của địa phương gắn chặt với bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh cộng đồng. Đó cũng chính là nội lực để khắc phục những khó khăn hiện tại. “Miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, cái ăn, cái mặc, chỗ ở còn thiếu thốn, kết cấu hạ tầng kém,… là những rào cản không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của địa phương. Bởi vậy, chúng tôi xem sức mạnh cộng đồng là điểm tựa để đồng bào vươn lên phát triển kinh tế gia đình gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc” - bà Dung chia sẻ.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết được các địa phương miền núi chọn làm “đòn bẫy chiến lược” trong bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết được các địa phương miền núi chọn làm “đòn bẫy chiến lược” trong bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tăng cường phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc và của cả hệ thống chính trị, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, tiếp tục bảo tồn bản sắc văn hóa,… cũng là định hướng chung của tỉnh đối với đồng bào các DTTS. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo miền núi còn 22% và 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; tăng thu nhập bình quân, nâng cao mức sống và đáp ứng các nhu cầu về y tế, văn hóa. Ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, việc giao lưu, hỗ trợ giữa các địa phương, các dân tộc tạo chuyển biến trong nhận thức, hướng đến thoát nghèo bền vững, hội nhập vào sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc anh em”. Tham dự đại hội, các đại biểu có thêm dịp gần gũi, sẻ chia những bài học kinh nghiệm, những tâm tư nguyện vọng đối với các cấp lãnh đạo tỉnh. Nhiều già làng bày tỏ sự tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời chia sẻ những trăn trở về cuộc sống của đồng bào vùng cao. Già làng Zơrâm Bôi (dân tộc Cơ Tu, huyện Đông Giang) tâm sự, các già làng ở vùng cao luôn xác định được vai trò của mình đối với sự phát triển ở địa phương, làng bản. Bởi vậy, không ai khác, chính các già làng sẽ phải tiên phong, làm gương để dân làng noi theo. Già Bôi bộc bạch: “Bây giờ, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Không còn tình trạng thiếu cái ăn, cái mặc như trước đây. Đó cũng nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước; những cố gắng trong phát triển kinh tế cũng như truyền thống đoàn kết của đồng bào tại mỗi làng, bản miền núi”.

Quyết tâm giảm nghèo

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải:
“Mỗi đại biểu là một tấm gương về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”
Dự và phát biểu tại đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các DTTS của Quảng Nam đã cùng với dân tộc Kinh gắn bó, đoàn kết tạo thành một khối thống nhất, xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh. Mỗi đại biểu tham dự đại hội cần tiếp tục là tấm gương, là người tiên phong trong hành động, trong việc làm để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương; chia sẻ trong cộng đồng cách thức thực hiện các giải pháp để xóa nghèo; phát huy, xây dựng tình đoàn kết trong từng thôn, làng, nóc và trong từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy và gìn giữ khối đại đoàn kết trong các dân tộc anh em; tập trung và quyết tâm thực hiện xóa nghèo nhanh và bền vững; phát huy tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đoàn kết, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS trở thành cơ sở để phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cộng đồng,...”.

Trong quyết tâm thư của đại hội lần này, những nội dung trọng tâm liên quan đến các công tác giảm nghèo, phát huy truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc; khơi dậy nội lực và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng đời sống văn hóa,… cũng được thể hiện bằng sự quyết tâm chung của toàn đại hội. Trong đó, mục tiêu giảm nghèo bền vững; xóa bỏ các quan niệm lạc hậu, trông chờ, ỷ lại vào chính sách đầu tư của Nhà nước ở một bộ phận đồng bào DTTS luôn được các đại biểu nhất trí cao. Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy xã A Nông (Tây Giang) cho rằng, các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao nhận thức và đời sống của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, do sự “ưu ái” chưa phù hợp nên đã xảy ra tình trạng người dân miền núi còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ. Do vậy, để hạn chế tình trạng trên, theo ông Alăng Bao các địa phương miền núi cần chú trọng đến công tác tuyên truyền nhận thức cho người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chú trọng việc đào tạo nghề nông thôn, cũng như đa dạng các hình thức sản xuất, lồng ghép nhiều chương trình dự án để người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập từ chính sức lao động của mình.

Là một trong số nông dân sản xuất giỏi được mời tham dự và báo cáo tham luận tại đại hội, ông Hồ Văn Nghĩa (dân tộc Mơ Nông, trú thôn 1, xã Sông Trà, Hiệp Đức) chia sẻ rất nhiều cách làm giàu, xây dựng cuộc sống no ấm. Lấy bản thân mình ví dụ, bằng cách vay nguồn vốn chính sách, gia đình ông Nghĩa đã đầu tư phát triển đàn gia súc, vườn keo lai và cao su tiểu điền cho thu nhập trung bình hằng năm hơn 100 triệu đồng. “Giữ đất sản xuất, làm theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, biết chi tiêu tiết kiệm, sinh đẻ có kế hoạch,… là những hướng đi dẫn đến con đường thoát nghèo. Từ đó, chăm lo đến việc học tập cho con cháu để sau này người miền núi cũng có trình độ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất kinh tế, thoát đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” - ông Nghĩa chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện quyết tâm thư của đại hội lần thứ nhất, cuộc sống của đồng bào vùng cao đã có nhiều đổi thay với diện mạo mới, đầy khởi sắc. Sự quyết tâm và kỳ vọng hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tương lai sẽ là nội lực khơi dậy mọi tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS như khẩu hiệu hành động của đại hội: “Đồng bào các DTTS Quảng Nam đoàn kết, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đoàn kết cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO