Xã Tam Quang (huyện Núi Thành) là một trong những địa phương đầu tiên ở Quảng Nam xây dựng mô hình tổ đoàn kết (TĐK) sản xuất trên biển.
Tam Quang là xã trọng điểm về nghề khai thác hải sản của huyện Núi Thành, chiếm tỷ trọng 75% cơ cấu kinh tế của xã. Toàn xã hiện có 350 phương tiện với tổng công suất 50.000CV; trong đó có 110 tàu có công suất từ 90CV trở lên, chủ yếu làm nghề lưới vây đêm, lưới vây ngày, chụp mực… Vụ mùa năm ngoái, xã Tam Quang đạt sản lượng 16.000 tấn hải sản các loại, chiếm một nửa tổng sản lượng khai thác hải sản của cả huyện Núi Thành, tổng giá trị sản lượng đạt 248,2 tỷ đồng. Có được những kết quả đó có vai trò đồng hành, hỗ trợ và liên kết sản xuất của ngư dân các TĐK sản xuất trên biển của xã. Ông Huỳnh Văn Tạo (ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - Tổ trưởng TĐK trên biển số 7 của xã Tam Quang cho biết, khi được Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà thành lập các TĐK sản xuất trên biển, ông và các chủ tàu trong tộc họ tích cực tham gia từ đầu. Ông Tạo chia sẻ: “TĐK trên biển của chúng tôi có 12 tàu, ngoài bà con và ngư dân cùng thôn, tổ mở rộng thêm 2 tàu cá của xã bạn. Cùng nghề lưới vây và chụp mực nên các tàu trong tổ liên kết chặt chẽ, thông tin thường xuyên về ngư trường, luồng cá và tình hình các tàu trong tổ; đồng thời duy trì liên lạc thường xuyên trong bờ để kịp thời cứu hộ khi có sự cố xảy ra”.
Xã Tam Quang có 18 TĐK sản xuất trên biển với 110 tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: L.P.L.N |
Hiện nay, xã Tam Quang duy trì thường xuyên và hiệu quả 18 TĐK sản xuất trên biển, với sự tham gia của 100% tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên. Các TĐK trên biển của xã thành lập dựa trên tiêu chí “5 cùng”: cùng địa phương, cùng dòng họ, cùng nghề, cùng ngư trường và cùng loại nghề khai thác trên các vùng biển. Tham gia các TĐK trên biển, ngư dân xã Tam Quang thuận lợi hơn trong việc vay vốn đóng mới tàu cá xa bờ. Đến nay, ngư dân trong xã đã vay vốn đóng mới 27 tàu với tổng số tiền 27,7 tỷ đồng. Nhiều thành viên trong các TĐK trên biển của xã có từ 2 tàu đánh bắt xa bờ trở lên. Riêng gia đình ông Huỳnh Văn Tạo hiện có 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và 2 tàu vừa đóng mới trong năm 2016. Cạnh đó, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị như: máy dò ngang, dò đứng, Icom, thông tin liên lạc... Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 7 máy dò ngang giúp bà con khai thác có hiệu quả, tăng thu nhập.
Đến thăm các TĐK trên biển xã Tam Quang gần đây, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá cao các ngư dân tham gia các TĐK sản xuất trên biển của xã. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, các tàu cá tham gia TĐK bám biển dài ngày, thời gian đánh bắt tăng, chi phí cho chuyến biển giảm nên hiệu quả hơn, sản lượng tăng lên, có tàu đạt 1,2 - 1,5 lần so với khi chưa vào tổ. Các TĐK khai thác cũng chủ động và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tàu cá trong tổ, đội bị sự cố, tai nạn trên biển. Nhiều tổ, đội đã tổ chức đóng góp xây dựng quỹ để tạo kinh phí cho các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong tổ mình. “Các chủ tàu tham gia các TĐK sản xuất trên biển dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa có cơ sở pháp lý vững chắc và cơ chế hoạt động sát thực tiễn. Việc bảo quản sản phẩm sau khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác cứu hộ trên biển chưa được các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời nên ảnh hưởng đến chuyến đi biển của bà con. Những khó khăn, vướng mắc này cần tháo gỡ để các tàu cá trong các TĐK sản xuất trên biển xã Tam Quang nói riêng, các tỉnh thành ven biển nói chung an tâm bám biển” - ông Thắng chia sẻ.
LÊ PHƯỚC LAN NHI