1. Dịu dàng. Ui chao là dịu dàng. Cái điệu nói của anh.
Lần đầu gặp, nghe anh xưng tên khi nói chuyện, và gọi người đối diện là “bạn ta”, tôi hơi ngỡ ngàng. Có lẽ nào ông thần kiêu bạc này lại có điệu nói cải lương như rứa hả?
Nhưng không đâu. Giá mà bạn nghe anh nói với đứa bé con 4 tuổi, khi nó nghịch phá cây đàn anh đang cắm cúi căng dây. “Đừng phá Giao, con. Để yên Giao sửa dây đàn lại cho ba con nghe!”. Thì bạn hiểu rằng anh không xưng tên như một thói quen nhún nhường.
Mà đó là một ý thức đàng hoàng về sự bình đẳng. Anh xưng tên mình, và gọi người kia là “bạn ta”, là triệt tiêu hết cái khoảng cách những gì tuổi tác, vai vế, tài cao phận thấp vân vân. Bỏ hết. Chỉ còn đối diện nhau là những người bạn. Bạn, thì chẳng phân biệt gì nữa cả, chỉ có thịnh tình đối đãi nhau. Bạn, với cả trẻ nít và chó mèo, cỏ cây. Giao và bạn, cuộc đời anh chừng chỉ gom lại bấy nhiêu đó. Với một cây đàn sáu dây.
Tự giới thiệu của Vũ Ngọc Giao trên một web văn chương: “Sinh ngày 11 tháng tư, năm 1951, tại Mỹ Tho. Hiện đang lang thang tại Sài Gòn. Cựu học sinh Péetrus Ký Sài Gòn (1961 - 1968) Cựu sinh viên khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn (1968 - 1970) Sáng lập viên CLB Guitar Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh”. Ông có nhiều thơ đăng trên các web văn chương. Một số ca khúc quen: Khi ngó lại đời mình, Người đàn ông mắt buồn (phổ thơ Đỗ Trung Quân), Người về đêm mưa, Mưa tháng Bảy… |
2. Những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi lê la ở Sài Gòn, mê mẩn tiếng tăm Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận. Dạo đó, các tay đàn thế hệ thứ hai của câu lạc bộ này đã lừng lẫy lắm, những Nguyễn Trí Đoàn, Trí Toàn, Kim Chung vân vân… Và tôi nghe đến tên “Vũ Ngọc Giao tiên trưởng”, là một trong số thành viên sáng lập câu lạc bộ, từ đầu những năm 80.
Tôi chỉ biết tên anh qua góp nhặt bạn bè, mỗi người một chuyện. Chẳng nhớ làm sao cuối cùng đọng lại cái hình dung về một tay tổ đàn hay trổ trời, viết nhạc, làm thơ đều “không chê được”, mà trái chướng cũng tới độ kinh điển.
Những gì tôi nghe về anh trước khi tương ngộ, đại khái là một cá tính ngoài khuôn khổ, tài hoa và… kiêu. Vũ Ngọc Giao hả? Ổng ngồi trong quán như vầy nè, có đứa nghệ sĩ, nhà thơ nào đó tới “chào anh Giao”, ổng liếc một cái rồi ngước mặt ngó mái nhà. Mục hạ vô nhân, mắt trắng như Nguyễn Tịch (một trong Trúc Lâm thất hiền).
Một bạn kể vậy. Bạn nói, anh lơ nó đi là được, có cần ngó cái rồi quay ngoắt vậy không? Giao nói, cần chớ, để nó biết tao có thấy nó.
Vũ Ngọc Giao vậy đó, khinh ghét là ra mặt, không tránh né, không nương nhẹ. Để tất cả sự dịu dàng chu đáo, anh dồn lại cho những “bạn ta”.
3. Đong đưa giữa hai thái cực, một dịu dàng nhu mì chiều chuộng, một lạnh lẽo gai góc và kiêu bạc. Vũ Ngọc Giao vác cây đàn đi tới trên con đường mình, con đường không có nhiều dấu chân. Nhiều khi tôi tưởng anh đang bước đi giữa chốn hoang vu nào đó. Sự trui rèn hằn dấu trên con người anh, khiến anh không còn thấy cần thiết tiêu tốn chút năng lượng nào cho những quan hệ “vô bổ”, đồng thời lại vồ vập hút cạn từng phút giây quây quần với bè bạn, những người anh xác định yêu, và không tiếc chia sẻ bất cứ điều gì.
4. Sau 10 năm gầy dựng và gắn bó với câu lạc bộ guitar Phú Nhuận, anh rời đi. Rời những cuộc liên hoan xôm tụ, rời những đêm biểu diễn rập ràng đèn sân khấu. Anh xách đàn chu du thiên hạ. Đến đâu cũng có bạn hữu đón mời, tiếng đàn giãi lên chiếu rượu, miên man. Anh uống rượu, uống bạn, và đàn, và hát. Tôi nghe về những chuyến đi của anh mà cảm nhận những chông chênh nào trong con người từng trải đó.
Mái tóc màu tro cột đuôi ngựa, gương mặt có khi già cỗi, có khi trẻ thơ… Vũ Ngọc Giao ôm đàn gẩy vu vơ một khúc flamenco, những ngón tay múa lượn trên sáu dây rạo rực. Thỉnh thoảng anh ngẩng lên nói, nghe này, cái chất digan, nó dữ dội mà ngọt ngào sâu lắng quá!...
Anh nói, một tay chơi guitar cổ điển bảnh cỡ nào, cũng không chắc chơi được với flamenco. Không phải vì kỹ thuật flamenco khó, mà ở cái tố chất.
Có lẽ, những tay chơi flamenco như anh, có cái tố chất của dân du mục? Một lối hiện sinh chót vót, luôn đẩy đến cùng tận mọi trải nghiệm, lái đời vào những ngõ cụt chênh vênh, chỉ để cảm nhận cái dòng máu đang sôi nóng trong huyết quản. Và tâm hồn lúc nào cũng như đang rung trong một âm ba đầy xáo trộn, buồn, và đẹp.
5. Gần đây, anh về đứng lớp dạy guitar cho một nhà văn hóa ở TP.Hồ Chí Minh. Những ngày rong chơi bất ngờ, anh đều gọi điện cho từng học trò, xin phép con cho bố nghỉ giờ ngày mai nhé, nhớ ôn bài cho lần sau nhé nhé nhé… Những đứa học trò trụ lại với anh sau một tháng thử thách, là chắc chắn có cơ thành tựu với ngón đàn. Thành tựu đây, là sẽ biết đàn thế nào cho đúng từng thế bấm đẹp, là diễn được cái thành ý cho bản nhạc vang lên bằng chính cảm nhận trong lòng mình.
6. Ngoài dạy đàn và rong chơi, anh thường cắm cúi đi sưu tầm những cây đàn cũ. Với trình thẩm âm của Vũ Ngọc Giao, cây đàn nào anh chấm là chỉ từ hay trở lên mà thôi, tôi tin vậy. Anh mang đàn về, trau chuốt, sửa sang cho chỉn chu, âm thanh tròn trịa đâu đó rồi mang tặng cho các mái ấm, cô nhi viện… Anh nói, Giao không có tiền để góp thiện nguyện, thì Giao tặng đàn, tặng cho bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với âm nhạc. Tôi không biết có ai từng nghĩ đến điều đó chưa, nhưng thấy cách anh làm hay quá. Ồ, cơm áo thuốc men, những chăm lo vật chất, cần lắm đó, nhưng đã đủ đâu. Những trẻ thơ (và cả người lớn nữa), dù ở đâu cũng cần có tiếng đàn lời ca mà dìu cuộc sống mình lên, mà đẹp hơn, mà nâng đỡ cho cái phần hồn đôi chút.
7. Lớn lên trong gia đình khá giả ở Mỹ Tho, học trung học Péetrus Ký danh tiếng ở Sài Gòn, là sinh viên Văn khoa trước khi bị bắt lính. Một đời Vũ Ngọc Giao thâu nạp hết những xoay vần, theo những biến động to lớn của đất nước, những mất mát của gia đình, những khó khăn của đời riêng… Tôi nghĩ, đến ngày giờ này anh vẫn còn an nhiên ở đó, không bị những bi kịch chung riêng xé nát, là nhờ có cây đàn guitar anh đã bén duyên từ niên thiếu. Nói như Phùng Quán vịn câu thơ mà đứng, Vũ Ngọc Giao thì vịn cây đàn. Xung quanh cây đàn, bao nhiêu lượt bạn bè đã đến, kề cà chia sớt, từng cảnh, từng nơi, từng lúc… Và anh cứ lững thững mà đi qua đời, như một con thú kiêu hãnh trong lãnh địa âm nhạc tài tử của mình.
Tôi hơi giật mình khi so sánh anh với một con thú kiêu hãnh. Đó hẳn là một đặc tính con người gán ghép cho con thú mà thôi. Nhưng điều gì làm nên kiêu hãnh đó, nếu không phải là sự an nhiên với từng phút giây sống? Không ngoái đầu tiếc nuối, không ảo vọng tương lai, mỗi bước đi đều tràn trề tự chủ, không vọng động không sợ hãi.
Những nét đường bệ đó dễ khiến người ta khao khát và e ngại. Vũ Ngọc Giao chan hòa với khao khát của anh em bằng tiếng đàn mình, và rạch ròi khoảng cách với những mon men toan tính.
Và tôi muốn nói thêm một lần nữa, Vũ Ngọc Giao là một con thú kiêu hãnh, dù mang nhiều vết thương.
MINH ĐIỀN