(QNO) - Trong 2 đêm (13 & 14.2), các diễn viên thuộc Đoàn tuồng Sông Thu biểu diễn tuồng (hát bội) phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân xã Duy Thu (Duy Xuyên) dịp xuân mới.
Một phân cảnh trong vở diễn “Đường về quê mẹ”. Ảnh: H.LIÊN |
Đêm diễn đầu tiên, đoàn đã ra mắt khán giả vở diễn “Đường về quê mẹ”, thu hút hàng trăm khán giả là người dân địa phương, người yêu mến bộ môn nghệ thuật tuồng ở nhiều lứa tuổi. Sau khi tiếng trống chầu vang lên liên hồi, trong điều kiện cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng còn khó khăn song những diễn viên đoàn tuồng đã nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn và khán giả cũng đã hòa mình vào không khí tuồng của ngày xuân.
Vở diễn lấy bối cảnh cuộc chiến giữa quân Nam Việt và quân Nguyên tới thời kỳ khốc liệt. Nguyên nhung Trần Quốc Đạt cùng quận chúa Mỹ Liên sinh hạ được một người con gái. Nguyên nhung Trần Quốc Đạt phụng chiếu vua lên đường ra trận dẹp giặc, quận chúa Mỹ Liên ở lại dinh nhà chăm con, chờ chồng suốt nhiều tháng năm biền biệt không có tin chồng. Bấy giờ có tướng Trần Ích Tắc - em ruột Trần Quốc Đạt đã phản bội giống nòi, đầu quân cho giặc hòng chuộng hưởng vinh hoa, phú quý. Trần Ích Tắc bắt giao quận chúa Mỹ Liên giao cho Toa Đô - vua Nguyên. Quận chúa bị ép gá nghĩa với Toa Đô trên đất giặc nên đã tuẫn tiết, để lại đứa con gái bé bỏng tên Quỳnh Mai. Toa Đô toan diệt trừ mầm mống nhưng cuối cùng cũng đã giữ lại nuôi, dạy võ, dạy kiếm cung, gươm đao để nối nghiệp trận mạc.
Nút thắt của vở kịch là công chúa giặc tên Quỳnh Mai lại đem lòng yêu thương một tướng Nam Việt dưới trướng của Trần Quốc Đạt - cha ruột của Quỳnh Mai. Những nút thắt, lớp lang của vở được đẩy tới cao trào, kịch tính, càng về sau vở diễn càng sinh động, hấp dẫn dưới khả năng diễn xuất và nhập vai khá tốt của nữ diễn viên Thu Trang - Trưởng đoàn Tuồng Sông Thu và các diễn viên Trọng Hoàng, Thu Trinh… trong đoàn vốn là những anh chị em ruột trong một gia đình có truyền thống hát tuồng.
Diễn viên Thu Trang (trái) thủ cả 2 vai quận chúa Phượng Liên và công chúa Quỳnh Mai. Ảnh: H.LIÊN |
Càng về khuya, trẻ em và người già vẫn cố gắng nán lại để xem nốt vở tuồng khi vở diễn càng đi đến giai đoạn cao trào. Bà Ngô Thị Sáu (thôn 5) bày tỏ: “Tôi có máu mê tuồng từ nhỏ, hễ có đoàn về diễn bao nhiêu đêm là tôi đi bấy nhiêu đêm, không sót bữa nào. Đêm nay các diễn viên diễn xuất rất hay, hát tốt, nội dung vở sâu sắc. Mong có nhiều đêm diễn tuồng như thế trong ngày xuân”.
Ông Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên chia sẻ, 2 đêm diễn tuồng đầu tiên trên đất Duy Thu nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp đầu xuân mới. Còn nhớ, trên đất Duy Thu sau ngày giải phóng từng thành lập được đội tuồng cơ sở của xã đi lưu diễn nhiều nơi, đón nhận được tình cảm nồng hậu của bà con quê hương. Đội tuồng Duy Thu được nuôi dưỡng, trưởng thành qua năm tháng và nhiều người trong đội hiện vẫn còn. Thời nay, đất Duy Thu đã thành lập được đội tuồng nhí tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Đầu xuân, tiếng trống tuồng khởi động làm cho không khí xuân đầm ấm, làng quê sôi động, vui tươi, tình làng nghĩa xóm thắt chặt. Hy vọng những đêm diễn tuồng mở đầu cho những đêm diễn mừng xuân mới sẽ làm hài lòng khán giả, người yêu tuồng” - ông Nguyễn Quỳnh nói.
H.LIÊN - P.PHƯƠNG