Lượng doanh nghiệp đóng cửa, phá sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng, số khác duy trì hoạt động trong nỗi bất an. Sức khỏe doanh nghiệp ngày càng yếu, cần “giải cứu” để có thể “sống sót” qua đại dịch.
Khó khăn trăm bề
Tại Quảng Nam, thống kê trong vòng 8 tháng qua, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ giảm 5% (và giảm 10% về vốn điều lệ đăng ký), nhưng số rút lui khỏi thị trường đã tăng 55% (913 doanh nghiệp), tăng 46% số doanh nghiệp (583 doanh nghiệp) tạm ngừng kinh doanh và tăng 41% số doanh nghiệp giải thể (117 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp còn trụ lại (hơn 8.100 doanh nghiệp) sống trong nỗi bất an, chưa biết khi nào có thể hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An cho hay, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh khách sạn rơi vào khủng hoảng, thua lỗ, đóng cửa. Tất cả khách sạn đã phải tạm dừng đón khách lưu trú kể từ tháng 4.2020 cho đến nay. Công ty ông không ngoại lệ. Sự ngưng trệ này khiến công ty phải chấm dứt hợp đồng với đa số lao động, giảm lương số nhân viên còn lại.
Năm 2020, doanh nghiệp đã lỗ đến 25 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 - 2022 vẫn tiếp tục thua lỗ… Không doanh thu, thua lỗ nặng nề, gắng gượng duy trì, chưa biết khi nào có thể mở cửa trở lại, song doanh nghiệp lại gặp khó thêm khi nhận thông báo đơn giá thuê đất mới (áp dụng cho kỳ thuê 2021 - 2025) đối với khu đất số 10 Trần Hưng Đạo - Hội An (trụ sở chính) tăng so với đơn giá thuê đất cũ hơn 4,44 lần. Nếu phải nộp theo giá mới này, dự kiến số lỗ năm 2021 sẽ lên gần 30 tỷ đồng. Lũy kế lỗ 2 năm sẽ hơn 55 tỷ đồng, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Ông Lê Tiến Dũng nói, doanh nghiệp đã làm đơn xin gia hạn thời gian ổn định giá thuê đất (2016 - 2020) cho năm 2021 & 2022, xin cho công ty được hưởng chính sách miễn hoặc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021, nhưng chưa được giải quyết.
Tại phiên tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ hồi tháng 6 vừa qua, Giám đốc Công ty CP May Trường Giang - Nguyễn Thị Như Nguyệt kêu khó về tiền thuê đất gia tăng, xin hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin cho 400 nhân công và tiếp cận phương án 3 tại chỗ để ổn định sản xuất. Không bàn cãi gì về tiến độ tiền thuê đất theo lộ trình 5 năm sẽ phải thay đổi, nhưng hiện thời gần như doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, đơn hàng… nên càng khó hơn khi tiền thuê đất lại tăng.
Có thể xin hoãn hoặc giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ này cho doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này. Còn nếu không được tiêm ngừa vắc xin Covid-19 thì cả trăm nhân công sẽ như thế nào khi bị lây nhiễm?
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nói, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm do quá nhiều vấn đề cùng đổ dồn về, tác động. Trong đó, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, doanh thu giảm; giá thành sản xuất hàng hóa tăng do tăng chi phí đầu vào, chi phí lưu thông nhưng giá bán giảm. Doanh nghiệp thiếu tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; khó vay, trả tiền ngân hàng; thiếu tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị.
Sự kiểm soát không thống nhất giữa các địa phương khiến lưu thông hàng hóa khó khăn. Khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn còn chung chung và nhiều điểm chưa rõ ràng, bất cập.
Hỗ trợ nhiều mặt
Đại dịch vẫn tiếp tục lan tràn. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng u ám. Nếu phục hồi cũng sẽ không đồng đều giữa các ngành. Ông Nguyễn Tấn Văn cho biết, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý, địa phương tháo gỡ; những gì thuộc thẩm quyền cấp trên, chính quyền đã gửi kiến nghị đến các cơ quan trung ương.
Trong đó có các vấn đề liên quan đến việc lùi thời điểm tăng giá thuê đất; điều chỉnh điều kiện miễn, giảm phí và cho nợ phí bảo trì đường bộ các phương tiện vận tải hành khách dừng hoạt động; xem xét tiếp tục giảm giá điện kinh doanh, giá điện sản xuất cho khu vực doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, cho phép các doanh nghiệp du lịch được áp dụng giá điện sản xuất thay vì giá điện kinh doanh như hiện nay.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xét tăng hạn mức tín dụng, miễn, giảm lãi hoặc khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết quý II - 2022 để giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Có chính sách riêng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để tái hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19…
Một thông tin đáng chú ý là ngày 15.9.2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã ký công văn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và thủ tục giải ngân các gói hỗ trợ Covid-19. Các cơ quan quản lý phối hợp tham mưu phương án điều chỉnh giảm giá đất để hỗ trợ doanh nghiệp trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Thường trực HĐND tỉnh, không tăng mức phí tham quan để thu hút du lịch giai đoạn 2022 - 2023. Sẽ xem xét giảm phí quản lý, sử dụng dịch vụ hạ tầng trong các khu công nghiệp để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Điện lực sẽ chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên không phạt doanh nghiệp sử dụng không đúng công suất đã ký trong hợp đồng điện (sử dụng không hết công suất) do phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh những giải pháp để hạn chế tình trạng nguyên liệu đầu vào, vật tư cho sản xuất, kinh doanh (ngành xây dựng, may mặc, nông nghiệp,…), cước vận tải bị tăng giá trong thời gian qua cũng như xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Quan trọng hơn, các ngành liên quan phải tham mưu UBND tỉnh phương án thống nhất trong cách thức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa, vật tư và đi lại của người lao động nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch; thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiêm vắc xin ngay sau khi có phân bổ của Bộ Y tế đảm bảo đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, an toàn, đúng tiến độ.