Theo báo cáo của UBND tỉnh, hàng năm số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép và giải thể, tạm dừng hoạt động. Đó là điều rất bình thường trong sự vận hành của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều bất bình thường ở đây chính là số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thông thường là đã “chết” nhưng trên danh chính ngôn thuận vẫn chưa được “khai tử”, nên vẫn nằm trong bảng kiểm soát của cơ quan quản lý, dẫn đến sự “rối loạn” không nhỏ về số liệu. Điều này dẫn đến một điều dễ nhìn thấy là khó có được một con số thống nhất về số lượng doanh nghiệp giữa cơ quan cấp phép, quản lý kinh doanh, cơ quan thuế, thống kê và các hiệp hội doanh nghiệp.
Câu chuyện doanh nghiệp “chết” nhưng chưa “khai tử” vẫn từng được đề cập không ít lần trong các hội nghị đối thoại cơ quan thuế, doanh nghiệp và các diễn đàn đối thoại với chính quyền. Hai điểm vướng mắc nhiều nhất chính là hoàn thiện hồ sơ giải thể phải đối chiếu nghĩa vụ thuế và thanh hủy hóa đơn. Doanh nghiệp đã phải chờ khá nhiều thời gian vẫn không thể được. Họ nói chỉ cần cơ quan thuế thực hiện kiểm tra để quyết toán cho doanh nghiệp hay có doanh nghiệp không phát sinh doanh thu thì chỉ mất 30 phút nhưng không thực hiện nên đã dẫn đến tình trạng này. Không có con số cụ thể nhưng không biết bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nằm trong số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động ấy bao giờ đủ hồ sơ để đủ điều kiện giải thể, đủ để được cấp giấy “chứng tử”. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp chờ giải thể, chưa thể có con số thống kê chính thức nhưng hiện số lượng doanh nghiệp cần kiểm tra quyết toán cũng khá nhiều, trong khi nhân lực ngành thuế không đủ để thực hiện toàn bộ. Ngành thuế không thể theo đuổi chuyện doanh nghiệp giải thể nên khi doanh nghiệp phớt lờ các yêu cầu từ cơ quan quản lý hay đã bỏ địa chỉ thì chỉ còn cách “mò kim đáy biển”.
Số hồ sơ doanh nghiệp ngừng hoạt động, xin giải thể vẫn còn tồn ở các cơ quan quản lý không hề ít. Hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp không còn hoạt động vẫn còn tên tuổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và đã được các cơ quan quản lý nhìn nhận rằng, nguyên nhân cơ bản không phải là quy trình giải thể mà nằm ở ý thức chấp hành, tuân thủ của chủ doanh nghiệp còn hạn chế khi chưa có những chế tài đủ mạnh khiến họ thay đổi hành vi. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, nhanh chóng và không vụ lợi của các cơ quan công quyền khi thực hiện quy trình, thủ tục. Thực tế, nếu lỗi doanh nghiệp chây ì thì Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm phạm quyền lợi. Ngược lại, không phải lỗi doanh nghiệp thì họ phải chịu khốn khổ, mất thời gian đi lại, tốn công lưu giữ hồ sơ, đôi khi mất cơ hội kinh doanh khác. Còn nền kinh tế, số liệu thống kê bị sai lệch đến hàng chục, hàng trăm thì liệu có ảnh hưởng đến sự minh bạch của môi trường kinh doanh?
TÙY PHONG