Không chỉ doanh nghiệp nội địa mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đến tiếp xúc, trao đổi kiến nghị tại các cuộc họp thường kỳ hàng tháng giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp. Tại cuộc tiếp xúc vừa qua, nhiều doanh nghiệp bày tỏ vẫn còn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cần sự tháo gỡ kịp thời của tỉnh.
Doanh nghiệp kêu khó
Ông Nguyễn Tâm – Giám đốc Công ty CP Đất Quảng (Đại Hiệp, Đại Lộc) lại tìm đến cuộc đối thoại thường kỳ với nỗi lo không thể trả hết nợ bảo hiểm xã hội dù đã nỗ lực hết mình. Ông Tâm mong muốn Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam cho giãn hay khất thêm thời gian trả nợ. “Doanh số chưa thể bù đắp chi phí, khó khăn với nợ cũ nhưng chưa biết giải quyết như thế nào. Phải cứu doanh nghiệp trước mới có khả năng trả nợ, nên xin khất lại. Mong bảo hiểm quan tâm. Còn xử lý thế nào thì doanh nghiệp cũng đành chịu. Xin nhiều lần, hứa cũng không ít nhưng cũng không xử lý được. Tình thế nan giải phải cầu xin chứ doanh nghiệp đâu muốn chuyện nợ nần xảy ra” - ông Tâm nói.
Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đang đầu tư nhà máy chế biến gỗ tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức) với công suất 200m3 gỗ/năm. Công ty này đang gặp khó khăn trong việc cấp điện giai đoạn 1 của dự án (1.000 kVA). Ông Đoàn Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho hay doanh nghiệp đã chuẩn bị hoàn tất các dự án đầu tư, thiết kế, đánh giá tác động môi trường…, đang lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị, nhưng dòng điện không đủ công suất 8 - 10MW nên đã đổi phương án đầu tư sản xuất ván dán. Tuy nhiên, việc cung cấp điện chưa được đấu nối nên công ty không thể tiến hành triển khai dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng. Ảnh: T.D |
Không như nhiều cuộc đối thoại trước đây, doanh nghiệp đến chủ yếu chỉ trình bày khó khăn trong việc tìm vốn ngân hàng hay thuê đất, mặt bằng, cuộc tiếp xúc lần này, doanh nghiệp đến để nêu ý kiến về ách tắc trong các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và xin tư vấn về chính sách hỗ trợ. Ông Alex – Phó Tổng Giám đốc CCI Việt Nam (Núi Thành) cho biết việc kiểm hóa lô hàng kéo dài quá nhiều thời gian, làm mất cơ hội của nhà đầu tư. Ông không biết hải quan có thể cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa hay không, trong khi chính các nhân viên hải quan không được cập nhật chính sách mới. Doanh nghiệp có hỏi thì nhân viên hải quan không thể trả lời được. Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng (xã Ba, Đông Giang) thì đề nghị UBND tỉnh bảo lãnh cho công ty vay vốn ngân hàng bằng cách chuẩn y thế chấp tài sản nhà nước (căn nhà tại Đà Nẵng) để cải tạo vườn cây lâu năm, trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng chế biến đã xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Hữu Điều – Giám đốc công ty nói ngân hàng đã định giá căn nhà khoảng 1,5 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ vay 500 triệu đồng, nhưng ngân hàng muốn có ý kiến của UBND tỉnh (chủ sở hữu) mới có thể chấp thuận cho thế chấp. Công ty CP Phú Bình Quế (Quế Xuân 2, Quế Sơn) đã đầu tư 7,5 tỷ đồng đầu tư trang trại nuôi bò, một dự án thuộc dạng khuyến khích đầu tư, nhưng có quá nhiều văn bản khác nhau nên doanh nghiệp không biết đường nào để tiếp cận với cơ chế chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi. Vì vậy, ông Huỳnh Văn Ba, Giám đốc Công ty CP Phú Bình mong được các ngành liên quan hướng dẫn lộ trình và các thủ tục pháp lý cụ thể để được hưởng cơ chế hỗ trợ.
Sẽ giải quyết kịp thời
Những kiến nghị của 5 doanh nghiệp tham gia đối thoại lần thứ 6 này không đạt được sở nguyện như mong muốn. Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam cho hay vụ kiện tụng Công ty CP Đất Quảng sẽ được hòa giải, đi đến một thống nhất là nếu doanh nghiệp thật sự khó khăn sẽ tiếp tục giãn nợ, nhưng không thể khoanh nợ được. Tuy nhiên, bảo hiểm cũng cho hay nếu nợ để sang ngày 1.1.2016 thì doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối vì lúc này lãi suất nợ trả chậm sẽ gấp 2 lần lãi suất ngân hàng nên nợ sẽ càng chồng chất. Vì thế, doanh nghiệp cần tính toán lộ trình trả nợ cho phù hợp, tốt nhất là phải giải quyết dứt điếm đến cuối năm nay. Trường hợp của Quyết Thắng, ông Thân Đức Sửu – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng cho dù nhà đã có sổ hồng, nhưng đó là tài sản của Nhà nước nên không thể thế chấp được. Nếu UBND tỉnh đứng ra bảo lãnh thì không thể vì chính quyền đang quản lý rất nhiều doanh nghiệp thuộc loại này. Bảo lãnh cho ai và ai không được bảo lãnh vay vốn ngân hàng sẽ gây ra rắc rối.
Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam phân vân khi Điện lực Quảng Nam cho hay dù công ty đã từng đề nghị cung cấp điện đến 7MW, nhưng hiện thời trên tuyến này chỉ có đường dây 35kV từ Thăng Bình lên Hiệp Đức, Phước Sơn. Khả năng tải 7MW đã hết. Đường dây này chỉ có khả năng cung cấp 1MW. Nhưng muốn cung cấp, ngành điện cũng phải có phương án phân tích hiệu quả kinh tế thì ngân hàng mới cho vay. Vì vậy, doanh nghiệp cần bỏ tiền ra đầu tư cho khoảng 300m đường dây 35kV và một biến áp 1MW khoảng 2,6 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp sử dụng ổn định 70% điện năng thì Điện lực Quảng Nam sẽ mua lại và trả cho doanh nghiệp kinh phí theo giá trị sử dụng thời điểm bàn giao. Trước tình thế này, ông Hùng nói đành phải chấp nhận vì nếu không đầu tư thì lỡ cơ hội làm ăn của doanh nghiệp. Điều cần thiết là doanh nghiệp xin trừ dần vào tiền sử dụng điện hàng tháng. Tuy nhiên, điều này chưa nhận được ý kiến gì từ phía Điện lực Quảng Nam. Riêng CCI, ông Lê Thành Khang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho rằng doanh nghiệp gửi những vướng mắc tới hải quan sẽ được giải đáp cụ thể. Nếu đúng như doanh nghiệp trình bày, ông Khang đề nghị CCI cung cấp hồ sơ để Cục Hải quan xử lý từng trường hợp cụ thể. Cục Hải quan sẽ lập tức sa thải nhân viên hải quan làm sai nguyên tắc, có ý hành doanh nghiệp và sẽ có buổi làm việc với doanh nghiệp từ những kiến nghị này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, tất cả kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được giải quyết kịp thời và đầy đủ, rõ ràng. Chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Một đường dây nóng sẽ được thiết lập và doanh nghiệp có thể phản hồi bất cứ yêu cầu theo đúng luật pháp và sẽ nhận được câu trả lời nhanh nhất có thể.
TRỊNH DŨNG