Doanh nghiệp cùng người lao động: Nỗ lực chia sẻ và tự cứu mình

DIỄM LỆ 19/04/2020 04:23

Giữa đại dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) gặp hàng loạt khó khăn, người lao động (NLĐ) cũng lao đao vì mất việc làm. Có nơi DN đang cố gắng giữ chân NLĐ, có nơi đành cho NLĐ nghỉ tạm thời, ngưng việc vì không thể kham nổi. Nhưng ngay trong buổi khốn khó, nhiều DN cũng nỗ lực tự cứu mình...

Người lao động mất việc làm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm hiểu đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: D.L
Người lao động mất việc làm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm hiểu đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: D.L

THẤT NGHIỆP TĂNG VỌT

Cả trăm nghìn NLĐ thất nghiệp là con số chưa từng xảy ra kể từ trước đại dịch Covid-19. Buồn, lo, nhưng họ vẫn không ngừng hy vọng vào một ngày đại dịch được kiểm soát, công việc lại mở ra.

Chới với

Dịch bệnh ập đến, các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch rơi vào bế tắc, NLĐ cũng chới với theo. Đang làm việc tại Công ty TNHH Emic Hospitality, chị Nguyễn Mỹ Giang (TP.Hội An) phải nghỉ việc, mất nguồn thu nhập hàng tháng hơn 5 triệu đồng. Chị Giang làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp xong thì ở nhà chờ đợi.

Như tâm sự của chị, mong mỏi dịch bệnh qua đi là điều duy nhất làm chị thao thức. Bởi giờ đâu có thể đi tìm kiếm việc làm gì khác. Nhưng dù sao chị Giang vẫn còn có một chỗ dựa, đó là gia đình và nguồn hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp.

Vẫn còn hàng chục nghìn người khác theo diện không có hợp đồng lao động, mất việc, không lương, cũng không có nguồn hỗ trợ nào trong lúc khốn đốn nhất. Thế nên, chị Giang vẫn lạc quan rằng chị còn may mắn hơn nhiều người.

Sau 8 năm 6 tháng làm việc tại một DN ở Đại Lộc, anh Huỳnh Minh (xã Đại Quang, Đại Lộc) đành ngậm ngùi rời nơi làm việc, chỉ vì nơi ấy không còn công việc để anh tiếp tục gắn bó. Giữa dịch bệnh, anh Minh thông cảm với chủ DN. Cũng như anh, nhiều người khác khi được thông báo, họ lẳng lặng sắp xếp lại nơi làm việc ngăn nắp, rồi nhận quyết định nghỉ việc rời công ty, với lời hứa khi hồi phục sản xuất kinh doanh, DN sẽ ưu tiên nhận lại những LĐ đã gắn bó lâu dài.

Gia đình anh Minh dựa chính vào nguồn thu nhập của anh, lúc này anh thất nghiệp, mọi chi tiêu phải dè xẻn từng chút. Anh Minh ở nhà làm ruộng, làm rẫy, mong chờ một ngày có thể lại tiếp tục khoác lên mình bộ đồ công nhân.

Thất nghiệp chưa từng có

Đến ngày 15.4, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, đã có đến 40,9% NLĐ làm việc trong các loại hình DN bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch bệnh Covid-19. Số NLĐ bị ảnh hưởng là 70.000 người, trong đó số nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên là 40.000 người, chấm dứt hợp đồng LĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 10.000 người, tạm ngừng việc là 20.000 người, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng LĐ là 1.000 người. Một số DN phải giãn việc, giãn giờ làm. Ngoài ra, số LĐ tự do không có hợp đồng bị mất việc làm theo thống kê sơ bộ khoảng 50.000 người.

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng Phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh) cho biết: “Dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ở mọi loại hình, mọi ngành nghề. Ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách, sản xuất dệt may, da giày. NLĐ của các trường học tư thục cũng bị tạm dừng việc. Tình trạng thất nghiệp, mất việc làm đến mức này chưa từng xảy ra trước đây”.

Tại Công ty CP Phước Kỳ Nam (sản xuất giày, dép, KCN Thuận Yên, TP.Tam Kỳ) có 2.044 LĐ thì có đến 2.028 LĐ bị ảnh hưởng, trong đó có 1.887 LĐ nghỉ không lương và 141 LĐ nghỉ luân phiên.

Hay Công ty TNHH MTV công nghiệp Germton (KCN Đông Quế Sơn) có 2.642 LĐ thì có 929 người phải tạm hoãn hợp đồng LĐ vì sản xuất khó khăn. Hoặc như Công ty CP giáo dục Trí Ngọc (TP.Tam Kỳ) thì toàn bộ 56 LĐ đều bị chấm dứt hợp đồng LĐ.

Có lẽ không thể kể hết tên các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi việc chẳng đặng, rơi vào thế không thể cầm cự được nữa, DN đành phải cho NLĐ nghỉ việc, chờ mong dịch bệnh được khống chế để tái sản xuất, tạo công ăn việc làm cho NLĐ.

TÌM CÁCH TRỤ LẠI GIỮA ĐẠI DỊCH

Nơi giãn việc, nơi ngừng việc, nơi nghỉ hoạt động. Đó là thực trạng chung của các DN trong thời điểm này. Tuy vậy, nhiều DN vẫn đang cố gắng, tìm mọi cách để trụ lại, đến lúc không thể thì mới ngừng hoạt động.

Duy trì việc làm cho người lao động là một nỗ lực lớn của nhiều chủ sử dụng lao động vào thời điểm này. Ảnh: D.L
Duy trì việc làm cho người lao động là một nỗ lực lớn của nhiều chủ sử dụng lao động vào thời điểm này. Ảnh: D.L

Nơi giãn, nơi dừng

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt DN thuộc lĩnh vực dệt may gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đối tác hủy đơn hàng. Nhiều DN phải thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca, giảm số ngày làm trong tuần, chuyển sang may khẩu trang để duy trì sản xuất và giữ chân NLĐ. Nhiều DN cho NLĐ tạm thời nghỉ việc hoặc giảm số ngày làm, nghỉ luân phiên hoặc tạm đóng cửa.

Tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (gồm 32 công ty con với 8.237 LĐ), Công ty ô tô Bus tạm dừng hoạt động do đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, toàn bộ 800 LĐ được điều chuyển làm các công việc khác tại 31 công ty còn lại; Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho nghỉ việc luân phiên đối với NLĐ.

Ngoài ra, có 3 DN đã chủ động chuyển đổi một phần hoạt động sản xuất kinh doanh sang may khẩu trang phòng chống dịch để duy trì hoạt động và giữ chân NLĐ; một DN ngừng hoạt động do chuyên gia, quản lý người nước ngoài không được nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo Ban quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), trong KCN có 71 DN hoạt động, thì có 6 DN ngừng hoạt động, gồm Công ty Massan, Hoàn Mỹ, Han sun Vina, Thái Dương, Nhựa Quang Minh, Gia Dinh Việt Nam.

Có 24 DN trong KCN giảm sút doanh số do không có nguyên phụ liệu hoặc đơn hàng bị đình trệ, không xuất hàng được, nhưng vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ bằng cách hoạt động cầm chừng, giãn thời gian làm việc.

Còn tại KCN Tam Thăng, KCN Bắc Chu Lai, nhiều DN đã bắt đầu đối diện nguy cơ ngừng hoạt động như Công ty gỗ Minh Dương Chu Lai bị khách hàng hủy đơn hàng nên 400 LĐ phải ngừng việc; Công ty Fashion Garments thiếu nguyên liệu sản xuất, khách hàng hủy đơn hàng nên có kế hoạch ngừng hoạt động từ tháng 5.2020; Công ty Sin Jeong Vina bị khách hủy đơn hàng nên không thể xuất hàng, nguyên phụ liệu khan hiếm, khiến NLĐ của công ty thất nghiệp...

Cố gắng hỗ trợ NLĐ

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh) thông tin: “Có nhiều DN, nhất là DN ngành may mặc, giày da cần nhiều LĐ đã cố gắng điều tiết thời gian làm việc để giữ chân NLĐ chờ dịch bệnh qua đi sẽ tái sản xuất. Biện pháp được các DN thực hiện là giãn giờ làm việc, thay vì một tuần làm việc 48 tiếng thì chỉ làm 40 tiếng, nhưng DN vẫn trả lương như cũ cho NLĐ, hoặc cho NLĐ nghỉ luân phiên 50% đi làm, 50% nghỉ nhưng vẫn trả đủ mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ yên tâm chờ đợi cùng DN. Nhiều DN không thể xuất hàng đi các nước châu Âu, châu Mỹ hoặc không nhập được nguyên phụ liệu thì chuyển sang may khẩu trang để giữ chân NLĐ. Mỗi nơi mỗi cách làm, các DN đang nỗ lực để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Dù tình hình ngày càng gian nan, nhưng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (đơn vị đầu tư KCN Tam Thăng và KCN Bắc Chu Lai), các công ty trong hai KCN trên đang hết sức nỗ lực để chờ qua dịch bệnh. Khi những chính sách hỗ trợ chưa được ban hành, các DN đã tự tìm cách cứu mình.

Có DN thay đổi đơn vị cung ứng nguyên phụ liệu cũ vì họ không thể cung ứng do dịch. Việc thay đổi này có thể dẫn đến việc nhập nguyên phụ liệu chậm trễ nhưng vẫn có để sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ.

Hoặc có nơi điều chuyển NLĐ làm công việc khác khi đơn hàng bị đình trệ, không thể xuất hàng; có nơi thì thương lượng với NLĐ để trả 50% lương cho dù họ không đi làm, chỉ để giữ chân được LĐ, chờ hồi phục sau giai đoạn khó khăn.

MAY MẮN KHI CÒN VIỆC LÀM

NLĐ lúc này còn được đi làm là sự may mắn, niềm hạnh phúc to lớn. Tuy phập phồng không biết công việc kéo dài bao lâu, nhưng họ vẫn còn vui khi mỗi ngày được đến xưởng sản xuất, hàng tháng nhận lương.

Nhiều lao động tâm sự, họ rất may mắn và vui mừng khi đang có việc làm. Ảnh: D.L
Nhiều lao động tâm sự, họ rất may mắn và vui mừng khi đang có việc làm. Ảnh: D.L

Làm việc tại Công ty Panko Tam Thăng (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), chị Trần Thị Trí (quê Tiên Phước) nói rằng mỗi ngày chị vẫn được đi làm đủ 8 tiếng đồng hồ, chỉ là không tăng ca. Khi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chị Trí cũng như gần 7 nghìn LĐ của Panko Tam Thăng cảm thấy hết sức lo lắng.

Chị Trí nói: “Mỗi ngày đi làm, cứ nghe mọi người nói với nhau về một số công ty phải dừng hoạt động, LĐ nghỉ việc tạm thời, ai cũng thấy lo. May sao, ở Panko công việc vẫn còn ổn định, dù không tăng ca như trước nữa, thu nhập giảm hơn nhưng vẫn được đi làm, có đồng lương là mừng lắm rồi. Hai tuần gần đây, công ty cho LĐ nghỉ làm việc ngày thứ Bảy, tính vào ngày phép năm để vẫn được hưởng lương nghỉ phép năm, như thế là hợp lý. Tôi chỉ mong dịch bệnh chấm dứt để mọi thứ trở lại ổn định"

Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (CCN Tam Đàn, Phú Ninh), toàn bộ 1.774 LĐ vẫn còn làm việc ổn định từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu vẫn được một giờ tăng ca để có thêm nguồn thu nhập. NLĐ xem đó là may mắn.

Chị Nguyễn Thị Bích Hà (xã Tam Lộc, Phú Ninh) cho biết chị đi làm ở công ty hơn một năm nay. Công việc của chị vẫn đều đặn mỗi ngày dù có dịch bệnh. Chị Hà tâm sự: “Nếu như không có dịch bệnh, thì công việc của chúng tôi sẽ bận rộn hơn, nguồn thu nhập tốt hơn vì đơn hàng nhiều, công việc nhiều. Nhưng giữa đại dịch mà đến tháng vẫn còn được nhận lương chứ không phải nhận hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp là mừng lắm rồi. Nhưng nếu dịch bệnh xấu hơn, thì sẽ khó khăn hơn vì nguyên liệu không có để nhập về, hay đơn hàng xuất đi không được thì chúng tôi sẽ mất việc. Chỉ mong sao cả nước cùng nỗ lực để qua cơn đại dịch này”.

Theo chị Hà, mỗi ngày, vị giám đốc công ty luôn nói chuyện, động viên NLĐ qua loa phát thanh nội bộ, khuyên NLĐ giữ gìn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tốt nhất ở cả công ty và khi về nơi cư trú, để làm việc hiệu quả và chung tay cùng cộng đồng tốt hơn.

CHỜ CHÍNH SÁCH THỰC THI

Hơn lúc nào hết, việc hỗ trợ, tiếp sức cho DN và NLĐ đang được đốc thúc thực hiện. Ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi DN, thì chính sách của Nhà nước sớm được thực thi sẽ là “liều thuốc” hết sức cần thiết cho DN và NLĐ lúc này.

Người lao động trước khi vào ca làm việc được xịt khử khuẩn tay. Ảnh: D.L
Người lao động trước khi vào ca làm việc được xịt khử khuẩn tay. Ảnh: D.L

Chờ và hy vọng

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Chou Kuo I - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam cho biết: “Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng chủ tịch công ty vẫn tích cực điều tiết kế hoạch đơn hàng nhằm duy trì thuận lợi công việc, để NLĐ được ổn định công việc và thu nhập. Công ty có nhiều chi nhánh ở nhiều nước khác nhau, nên khi dịch bệnh chưa phức tạp ở Việt Nam thì đơn hàng ở Campuchia có thể được điều chuyển qua Việt Nam sản xuất. Chúng tôi cũng không đoán định được sẽ duy trì được bao lâu. Do dịch bệnh ở các quốc gia Âu - Mỹ vẫn chưa cải thiện, chúng tôi liên tục nhận thông tin hủy đơn hàng hoặc dời lịch xuất hàng. Dù sao, chúng tôi cũng hết sức cố gắng để duy trì công việc cho NLĐ tại Việt Nam”.

Ông Chou Kuo I cũng nói thêm rằng qua theo dõi tin tức thời sự, ông được biết Chính phủ Việt Nam có những biện pháp giúp đỡ cho DN kịp thời như cho gia hạn nộp BHXH, gia hạn nộp thuế, giảm phí điện nước, và tỉnh cũng sẽ bàn bạc các giải pháp hỗ trợ tại chỗ cho DN. Vì thế, ông rất cám ơn Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh đã có những biện pháp giúp đỡ DN trong thời điểm khó khăn. Ông Chou Kuo I cũng như hàng nghìn LĐ của ông đều đang mong chờ dịch bệnh qua đi, sản xuất lại ổn định như trước.

Còn ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty CP hỗ trợ công nghiệp Miền Trung cho rằng, trước khi chờ Nhà nước cứu, DN phải tự cứu lấy mình. Thay đổi nhà cung cấp nguyên phụ liệu, tính toán hợp lý giữa đơn hàng và thời gian sản xuất để chờ dịch bệnh được khống chế hoặc giãn ca làm việc của NLĐ để ai cũng có việc làm, có thu nhập là cách làm mà công ty đã áp dụng trong thời gian qua. Nguồn thu nhập thời điểm này không thể cao vì không có tăng ca, sản phẩm ít, nhưng dù sao duy trì được việc làm cho NLĐ đã là một việc mà DN rất cố gắng.

NLĐ đi làm và DN phải cung ứng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như phát khẩu trang, xịt khử khuẩn tay, đo thân nhiệt hàng ngày, nới rộng khoảng cách làm việc, khoảng cách giữa các bàn ăn ở nhà ăn, định kỳ khử trùng sát khuẩn toàn bộ khuôn viên xưởng sản xuất, nhà ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của NLĐ...

Cần thực thi chính sách

Hàng loạt DN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kiến nghị hỗ trợ giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp kinh phí công đoàn, đoàn phí, bình ổn thị trường trang thiết bị y tế để DN có thể mua được và dùng cho việc phòng chống dịch tại công ty, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giãn thời hạn nộp phí dịch vụ bảo dưỡng, quản lý hạ tầng...

Các kiến nghị này của DN đều đã được UBND tỉnh tiếp nhận, và sẽ có những giải pháp hỗ trợ cụ thể dựa trên những quy định của Chính phủ. Trước mắt, những gói hỗ trợ DN và hỗ trợ NLĐ sẽ được UBND tỉnh bàn bạc để sớm thực thi.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang phối hợp với các ngành thẩm định hồ sơ của DN về giải quyết tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất và không tính lãi theo quy định. DN được thẩm định hồ sơ phải thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến ngừng sản xuất, kinh doanh, cho nghỉ từ 50% số LĐ trở lên.

Việc dừng đóng các khoản được thực hiện kể từ tháng DN đề nghị đến tháng 6.2020. Nếu hết tháng 6.2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm và DN có đề nghị, thì ngành LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh sẽ báo cáo UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết cho DN.

Các cơ quan chức năng cũng đang tính toán cụ thể về gói hỗ trợ an sinh, trong đó có nhóm NLĐ bị mất việc làm, dù là LĐ có hợp đồng hay tự do. Việc khảo sát tình trạng việc làm của NLĐ đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh dựa trên Nghị quyết số 42 của Chính phủ, khảo sát trước một bước ở địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Từ khảo sát ban đầu này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh một kế hoạch cụ thể để chi trả hỗ trợ đến tay NLĐ mất việc nhanh nhất, nhưng phải đảm bảo đúng và trúng, không để sót người, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Muốn làm được việc này cần phải qua nhiều bước thẩm tra danh sách người thất nghiệp, mất việc làm, nhất là nhóm LĐ tự do, danh sách phải được công khai tận thôn bản, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận và hội đoàn thể cũng như nhân dân”.

Việc thực hiện các nhóm chính sách theo Nghị quyết 42 như cho vay đối với chủ sử dụng LĐ để trả 50% lương tối thiểu với lãi suất 0% cho người LĐ, chi trả trực tiếp cho NLĐ bị mất việc làm qua chính quyền các địa phương và hộ sản xuất, kinh doanh cá thể ngừng hoạt động, ước tính sẽ hơn 500 tỷ đồng. Các chính sách này được thực hiện kịp thời sẽ giúp cho NLĐ cũng như các DN, hộ sản xuất kinh doanh vơi bớt phần nào nỗi lo trong đại dịch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp cùng người lao động: Nỗ lực chia sẻ và tự cứu mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO