Doanh nghiệp du lịch âu lo...

VĨNH LỘC 14/11/2023 06:54

(VHQN) -  Bước vào những tháng cuối năm, một số thị trường khách lớn như Hàn Quốc, châu Âu đang có dấu hiệu đi xuống...

Thị trường khách gần được xem là giải pháp khả thi giúp phục hồi thị trường khách quốc tế những tháng cuối năm và năm 2024. Ảnh: V.L
Thị trường khách gần được xem là giải pháp khả thi giúp phục hồi thị trường khách quốc tế những tháng cuối năm và năm 2024. Ảnh: V.L

Hủy booking

Từ đầu tháng 10, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express liên tiếp chứng kiến đối tác, du khách nước ngoài hủy booking (đặt trước) hàng loạt.

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express thừa nhận, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế năm nay giảm 20 - 30%.

“Cách đây hơn 1 tháng nhiều đối tác nước ngoài bắt đầu thông báo hủy booking do không gom được khách vì tình hình kinh tế bên châu Âu khó khăn, nhu cầu du lịch của người dân thấp.

Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài khi xung đột Israel - Palestine ngày càng trầm trọng, các chuyến bay từ châu Âu sang phải đi vòng, tốn thời gian và đội chi phí lên cao” - bà Quế Anh nói.

Thông thường, du khách châu Âu thường đặt tour trước từ 1 - 6 tháng, thậm chí một năm. Riêng tháng 12, Công ty Hội An Expess có tỷ lệ hủy booking cao gấp đôi mọi năm.

Trước đại dịch COVID-19, khách quốc tế chiếm khoảng 70% tổng cơ cấu khách tham quan lưu trú Hội An, trong đó thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau rơi vào mùa cao điểm khách châu Âu, do vậy các đối tác nước ngoài cũng thường đặt giữ phòng khách sạn trước thời điểm này.

Qua khảo sát một số doanh nghiệp lưu trú tại Hội An, hầu hết đều có tình trạng hủy booking (các booking được phép hủy trước 1 - 2 tháng). Không chỉ khách châu Âu sụt giảm, một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… cũng xuất hiện dấu hiệu chững lại, kể cả thị trường khách Ấn Độ dù được kỳ vọng nhưng thực tế chưa như mong đợi.

Chưa có nhiều khách châu Âu quay trở lại Hội An.
Chưa có nhiều khách châu Âu quay trở lại Hội An.

Ông Trần Hoàng Linh - Giám đốc khu vực miền Trung Vietjet Air, cho biết: “Hiện tại các đường bay trực tiếp Đà Nẵng đến Ấn Độ đã tạm dừng do phía Ấn Độ thiếu điểm đỗ máy bay.

Riêng các đường bay từ Hàn Quốc sang, lượng khách cũng bắt đầu sụt giảm vì khách Hàn đang có xu hướng dịch chuyển vào Nha Trang. Đây là điều đáng lo ngại, bởi thị trường khách Hàn Quốc được đánh giá ổn định và chiếm tỷ trọng cao nhất trong số những dòng khách quốc tế đến Quảng Nam thời gian qua”.

Theo ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Kinh doanh và truyền thông Khách sạn Almanity Hội An, mặc dù khách quốc tế đang có dấu hiệu sụt giảm nhưng so với một số địa phương khác trong nước, khách đến Quảng Nam vẫn đạt mức cao, chí ít trong 9 tháng vừa qua.

Tại Almanity, tỷ lệ lấp phòng bình quân khoảng 70% (tổng số 139 phòng) do cơ cấu khách quốc tế khá đa dạng, ngoài châu Âu còn có khách Úc, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, tỷ lệ hủy booking cũng khá cao, khoảng từ 25 - 30%.

Dù vậy ông Nghĩa cho rằng, việc hủy booking khá bình thường bởi một số khách đoàn hủy booking cũ (với giá cao) để đặt lại khi thấy khách sạn giảm giá. “Tất nhiên, điều này cũng phản ánh sự dè dặt của khách khi quyết định du lịch xa, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay” - ông Nghĩa phân tích.

Tập trung thị trường gần

Nhiều năm nay, Hội An luôn là điểm đến ưa thích của khách châu Âu khi du lịch Việt Nam. Năm 2019, Quảng Nam đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Theo thống kê 9 tháng của năm 2023, tổng lượt khách quốc tế tham quan lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,1 triệu lượt (1,2 triệu lượt khách lưu trú), chủ yếu khách Hàn Quốc, kể cả Úc.

Trong khi đó, thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023 lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng chỉ hơn 1,6 triệu lượt, dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc với hơn 770 nghìn lượt (khá thấp so với con số 2 triệu khách Hàn đến Đà Nẵng năm 2019), Thái Lan đứng thứ hai với hơn 147 lượt. Đà Nẵng là cửa ngõ hàng không duy nhất đưa khách quốc tế đến Quảng Nam.

Có thể nhận thấy, sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và kinh tế toàn cầu suy thoái đã tác động nghiêm trọng đến khả năng phục hồi dòng khách quốc tế đến Quảng Nam. Nguyên nhân do du khách cắt giảm chi tiêu, chọn tour ngắn ngày, điểm đến gần...

Cùng với đó, xu hướng khách Hàn Quốc (thị trường chủ lực) dịch chuyển đi nơi khác, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra khoảng trống khó bù lấp của nhiều doanh nghiệp và điểm đến du lịch Quảng Nam.

Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam chia sẻ, để ứng phó với tình hình sụt giảm khách quốc tế những tháng cuối năm cũng như trong năm 2024, bên cạnh rà soát, phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ phù hợp thì việc đa dạng dòng khách, hướng đến những thị trường khách gần được xem là cấp thiết hiện nay.

Những tháng qua, bên cạnh tăng cường giới thiệu quảng bá đến thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tại một số thị trường châu Á và Đông Nam Á như Đài Loan, Malaysia, Singapore… đồng thời từng bước hướng đến thị trường xa hơn là Úc, Mỹ trong năm 2024.

“Trước tình hình kinh tế suy thoái, xung đột vũ trang như hiện nay, một số thị trường khách xa như châu Âu chắc chắn khó phát triển như trước dịch. Do đó, Quảng Nam cần tập trung vào những thị trường gần, ít biến động và đường bay ngắn thuận lợi nhằm đảm bảo cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam không tụt giảm” - ông Tú phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch âu lo...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO