Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cầm cự trong đại dịch

VĨNH LỘC 07/10/2021 15:26

(QNO) - Gần 2 năm Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp (DN) du lịch ở Quảng Nam đã cạn kiệt nguồn lực. Xoay xở để tồn tại là mục tiêu sống còn của các DN hiện nay khi dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc. Một số DN ở TP.Hội An đã mở hướng đi riêng để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm và nguồn thu nhập cho người lao động


Tập đoàn Hoàng Như mở hệ thống nhà thuốc mang thương hiệu QN Pharma
Tập đoàn Hoàng Như mở hệ thống nhà thuốc mang thương hiệu QN Pharma - Ảnh: V.L

Chuyển hướng đầu tư

Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Như (Hội An) khai trương chuỗi nhà thuốc tây mang thương hiệu QN Pharma. Đây được xem là bước chuyển đầu tiên của DN trong kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh ra ngoài lĩnh vực du lịch.

Ông Đỗ Như Châu – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Như chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, khó có thể trông chờ khách du lịch sớm quay lại, vì vậy việc “lấn sân” sang ngành nghề khác không chỉ giúp DN tồn tại mà còn hướng đến mục tiêu dài hơi hơn nhằm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh khi đại dịch được kiểm soát.

Tập đoàn Hoàng Như là đơn vị sở hữu hệ thống chuỗi khách sạn mang thương hiệu Le Pavillon Hội An. Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch đứt gãy, tất cả khách sạn trong hệ thống Le Pavillon phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, doanh thu sụt giảm, hàng trăm lượt nhân viên nghỉ việc, DN lâm vào tình thế khó khăn.

Ngoài khai trương hệ thống nhà thuốc, Tập đoàn Hoàng Như cũng đang tập trung đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa quy mô 300 giường; đồng thời đang tính toán khai trương chuỗi hệ thống siêu thị mini trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tập đoàn này còn có kế hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại vùng lân cận.

Du lịch ngưng trệ khiến các doanh nhiệp phải tự xoay xở để tồn tại - Ảnh: V.L
Du lịch ngưng trệ khiến các doanh nhiệp phải tự xoay xở để tồn tại - Ảnh: V.L

Theo ông Lê Quốc Việt – Chủ khách sạch Santa Seavilla Hội An, dù có niềm tin đại dịch sẽ được kiểm soát, du lịch phục hồi, nhưng không phải vì thế mà nằm chờ, trong khi áp lực về nguồn tài chính duy trì bộ máy nhân viên, bảo dưỡng khách sạn ngày càng lớn. “Tôi đang tập trung mạnh vào mảng thương mại điện tử nhằm thích ứng với thực tế” - ông Việt thông tin.

Hơn 5 năm trước, ông Việt mở các website giới thiệu việc làm cho ngành du lịch. Dịch Covid-19 bùng phát, ông tập trung mạnh hơn vào mảng kinh doanh này. Đến nay, ông Việt đã ra mắt 3 trang website tư vấn, giới thiệu việc làm gồm Hoteljob.vn; Vieclamnhamay.vn và GrapViec.vn. Các trang website này trở thành cầu nối cung cấp thông tin và tuyển dụng lao động cho ngành du lịch và các nhà máy, khu công nghiệp trên toàn quốc.

Tính đường dài

Khác với các khách sạn ở Tam Kỳ chủ yếu cho DN thuê làm văn phòng hoặc đón khách công vụ, vãng lai, thì các cơ sở lưu trú tại TP.Hội An phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch. Dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương "bế quan tỏa cảng" khiến du lịch đứt gãy, không có khách buộc phải tạm dừng hoạt động. Cho nên, đa dạng ngành nghề được xem là cách tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch hiện nay và tương lai. Ông Lê Quốc Việt thừa nhận, doanh thu từ các website dù không lớn nhưng cũng đủ giúp công ty cầm cự và có nguồn lực duy trì việc làm cho người lao động. Bình quân mỗi tháng công ty này chi hơn 100 triệu đồng trả lương cho nhân viên, người lao động.

Khảo sát một số DN du lịch tại TP.Hội An cho thấy, phần lớn đang hoạt động cầm chừng để đối phó với dịch bệnh. Trong đó, mảng dịch vụ được DN tập trung phát triển nhiều nhất như mở quán cà phê, quán ăn, bán hàng online…

Mô hình hớt tóc lưu động của ông Nguyễn Tuấn Liên - Ảnh: V.L
Mô hình hớt tóc lưu động của ông Nguyễn Tuấn Liên - Ảnh: V.L

Theo ông Nguyễn Tuấn Liên – chủ Khu du lịch Hoian Eco Discovery, chuyển hướng kinh doanh là xu thế để tồn tại và tạo công ăn việc làm cho nhân viên trong mùa dịch. Từ năm ngoái, ông Liên đã quay lại với nghề hớt tóc của mình. Với 2 tiệm lớn ở Hội An đã giúp ông Liên giải quyết việc làm cho trên 10 lao động địa phương. Ông Liên tiếp tục mở rộng thêm mô hình hớt tóc lưu động đến các địa phương khác như Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ… Theo đó,  mỗi ngày xe lưu động sẽ đến một vị trí cố định để hớt tóc cho người dân với giá ưu đãi (giảm 50%), cách làm này vừa hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn vừa có thêm nguồn thu nhập cho người lao động, chờ ngày du lịch phục hồi.

Qua 9 tháng năm 2021 TP.Hội An có 199 DN thành lập mới, tăng hơn 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có đến 191 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 241,7%). Đáng chú ý, 81 DN đã tuyên bố chấm dứt hoạt động hoàn toàn (tăng 110,9% so với cùng kỳ). Riêng tháng 9.2021, mặc dù có 5 DN thành lập mới, giảm 73,6% nhưng có 14 DN tạm ngừng hoạt động tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020 và 4 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Hầu hết rơi vào nhóm DN du lịch, dịch vụ.

Bài tiếp: "Phao cứu sinh" cho các cơ sở lưu trú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cầm cự trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO