Doanh nghiệp được gì sau APEC?

01/01/2018 12:51

Năm APEC 2017 trở thành một cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế lớn nhất tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt và Quảng Nam cùng thụ hưởng thành quả của kết nối đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ APEC.

Phu nhân của lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Làng lụa (Hội An). Ảnh: T.DŨNG
Phu nhân của lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Làng lụa (Hội An). Ảnh: T.DŨNG

Cơ hội “vàng” cho du lịch

Làng lụa ở Hội An như một mảnh vườn xưa. Không còn rào cản ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, tôn giáo, chỉ còn tiếng nói cười lao xao trong buổi tiệc trà, bánh do đầu bếp nổi tiếng Trịnh Diễm Vy bày biện trong gian nhà cổ tiếp đón phu nhân của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Thanh âm cổ nhạc như rải trên từng phiến đá sân vườn, trên những con đường gạch xưa cũ đặt rất nhiều chum, vại, độc bình đựng đầy hoa nở. Cây lá đẫm sương, nước sau cơn mưa và mùi hương trầm đưa chân người đến những gian phòng ắp đầy súc lụa xứ Quảng. Tiếng thoi đưa lách cách tạo âm thanh vui tai vang lên trong những gian phòng cổ. Gái làng lụa vận bà ba, mải mê xe chỉ, luồn kim hay trình diễn các công đoạn của nghề dâu tằm, từ những chiếc kén óng ánh vàng đến thước lụa mềm mại, những ví, túi xách, khăn quàng, cà vạt… bằng tơ lụa Quảng Nam đã chinh phục khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Làng lụa được đánh giá là điểm đến thú vị trong “hành trình” APEC tại Quảng Nam.

Palm Garden Hội An cùng với Sunrise ở dọc biển Cửa Đại (Hội An) đã được chọn để tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, ngân hàng và Diễn đàn thanh niên APEC 2017. Ông Nguyễn Thành Sang - Chủ tịch HĐQT Palm Garden (nơi từng được chọn tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC 2006) nói sự lựa chọn của APEC là lời khẳng định, bảo chứng cho khả năng của khách sạn, từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và cả khả năng ứng xử của nhân viên phục vụ. Sẽ không có một đánh giá nào tốt hơn là sự hiện diện của các quan chức cấp cao đến đây và cơ hội này sẽ lại đưa thương hiệu Palm Garden đi xa hơn nữa.

Quan chức cấp cao của các nền kinh tế APEC thăm phố cổ Hội An.
Quan chức cấp cao của các nền kinh tế APEC thăm phố cổ Hội An.

Không chỉ các doanh nghiệp nói trên hưởng lợi từ APEC, hình ảnh Hội An đã tràn ngập trên truyền thông thế giới thông qua những cuộc tham quan của các quan chức hay phu nhân APEC ở phố, làng rau hay lên tận Mỹ Sơn, tới làng biển Tam Thanh… Tất cả điều này đã trở thành cơ hội vàng cho du lịch Quảng Nam. Nathali - phóng viên Reuters nói các quan chức, đệ nhất phu nhân không ngần ngại dạo quanh phố cổ, nhâm nhi cà phê ở quán vỉa hè… cho thấy uy tín, thương hiệu du lịch Hội An được ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông hay du lịch quốc tế. Điều này chính là cảm hứng cho du khách đang và sẽ đến Quảng Nam nhiều hơn. Họ sẽ là những “đại sứ” cho du lịch Hội An, Quảng Nam.

Có thể đưa ra một con số so sánh để thấy “sức mạnh” từ cơ hội APEC cho du lịch Quảng Nam. Năm 2016 tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 4 triệu lượt, gấp 1,9 lần so với năm 2007 và năm 2017 đã tăng 24,5% so với năm 2016. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2007 - 2016 ước đạt 7,7%/năm (khách quốc tế tăng bình quân 8,3%/năm). Số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vốn ít ỏi cũng đã nâng lên 80 doanh nghiệp; cơ sở lưu trú từ “thường thường bậc trung” của Quảng Nam đã “bùng phát” thêm những tập đoàn nghỉ dưỡng quốc tế trải dọc qua 125km bờ biển Quảng Nam từ Điện Nam - Điện Ngọc đến tận Chu Lai chỉ sau 10 năm giữa hai cuộc APEC. Trong ít phút ngắn ngủi tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói trước 1.000 doanh nhân APEC về tiềm năng của tỉnh. Quảng Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, sẽ sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư du lịch vào khu vực này để đến năm 2020 sẽ đón 8 triệu khách du lịch. Sẽ nâng cấp cảng biển có thể đón khách du lịch tàu biển, mở rộng du lịch bằng đường thủy qua các đảo và kiện toàn mạng lưới giao thông, hạ tầng cảng hàng không Chu Lai để du khách dễ dàng đến Quảng Nam hơn.

Liên kết - hợp tác - giao thương

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói xu hướng thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trong APEC đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm sự hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khu vực. Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI cho rằng hầu như trước đây, chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ tiềm lực để thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế, còn bây giờ bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tiến hành các hợp tác thương mại xuyên biên giới. Ông Lộc khẳng định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là chủ nhân của nền kinh tế APEC. Việt Nam đứng trước những cơ hội chưa từng có với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp gắn liền với nền ẩm thực, du lịch và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin. Ông Lộc từng phát biểu trước hai hội nghị về doanh nhân và kinh doanh APEC rằng một thợ may Hội An có thể nhận đơn hàng và gửi chiếc áo dài cho một khách hàng ở châu Âu hay khắp thế giới. Khác hẳn với trước đây, khi cuộc chơi chỉ do một số “đế chế” kinh doanh khổng lồ, các doanh nghiệp lớn làm chủ, ngày nay, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không chịu đứng bên lề mà sẽ trở thành những chủ thể chính của kinh tế toàn cầu.

Không biết sẽ có bao nhiêu mặt hàng truyền thống, đặc trưng của Quảng Nam thông qua các cuộc triển lãm lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm cơ hội tại các hội nghị thượng đỉnh kinh doanh hay doanh nhân APEC. Nhưng 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Nam có thể tự tin hơn khi biết 75% hàng hóa hay tăng trưởng mạnh ở khu vực APEC đều xuất phát từ khu vực doanh nghiệp nhỏ bé này. Chưa có một con số thống kê cụ thể lượng hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp Quảng Nam sang các nền kinh tế thành viên là bao nhiêu từ 155 doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động, nhưng dễ dàng nhìn thấy những mặt hàng nông sản, dệt may, túi xách thời trang, trầm hương, quế của Quảng Nam đã được thị trường ưa chuộng. Một thỏa thuận thương mại xuất khẩu xe bus vào năm 2018  sang thị trường ASEAN của Thaco cho thấy cơ hội từ APEC bắt đầu rộng cửa với những doanh nghiệp Quảng Nam.

Việc mở cửa thương mại đa biên hay hình thành một khu mậu dịch tự do khu vực là những lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ nhất từ APEC năm nay. Ông Nguyễn Quang Phước - một doanh nghiệp gỗ ở Cẩm Hà (Hội An) cho biết, trước đây các sản phẩm gỗ Quảng Nam xuất sang các nước như Hàn Quốc, Nga hay Chi Lê… như  viên nén gỗ, ván gỗ hay các sản phẩm gỗ nội thất có bọc da thường phải chịu mức thuế 3 - 5%, có loại tới 6% nhưng giờ tất cả bằng 0%. Còn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị chế biến gỗ như máy cưa xẻ, máy sấy, gia công chi tiết từ các nước này có mức thuế rất cao, giờ cũng đã giảm xuống 0%. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí rất lớn.

Cơ hội đang đến với doanh nghiệp Quảng Nam từ việc mở cửa thương mại đa phương, nhưng làm thế nào để nắm bắt cơ hội đó là câu chuyện không phải dễ dàng. Ông Văn Công Mẫn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Việt Quang cho hay những mặt hàng thực phẩm, thủy sản, nông sản… xuất khẩu sang thị trường khu vực APEC có quy định khá chặt chẽ. Tất cả đều phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm không vượt qua được các yêu cầu này (nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất, hàm lượng phụ gia trong thực phẩm) sẽ bị buộc phải khử trùng hay tái xuất. Chuyện thị trường Mỹ “rút thẻ vàng” cho hàng thủy sản vừa qua là một cảnh báo cho doanh nghiệp. Nên muốn tồn tại, phát triển, doanh nghiệp chỉ còn cách tuân thủ các quy chuẩn xuất khẩu để thích ứng với thị trường...

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp được gì sau APEC?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO