Doanh nghiệp Indonesia ứng phó với thuế quan Mỹ
(QNO) - Các nhà sản xuất tại Indonesia đang chuyển trọng tâm sang thị trường châu Âu và Đông Nam Á trong bối cảnh mối đe dọa về thuế quan cao hơn của Mỹ.

Kênh truyền hình CNA trụ sở tại Singapore ngày 16/5 cho biết, nhiều nhà sản xuất tại Indonesia đang khẩn trương tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sau khi Mỹ công bố mức thuế 32% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia vào tháng trước.
Indonesia đang đàm phán về mức thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng cho đến tháng 7/2025.
Do phụ thuộc vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất Indonesia giờ đây để mắt đến thị trường mới ở châu Âu và Đông Nam Á, trong khi những nhà sản xuất khác tìm cách khai thác thị trường nội địa rộng lớn với dân số 280 triệu người hiện nay.
Vào tháng 4 vừa qua, lĩnh vực sản xuất của Indonesia suy giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, hệ lụy từ thuế nhập khẩu mới của Mỹ và tiêu dùng nội địa giảm.
PT Sipatex Putri Lestari - một trong những nhà sản xuất dệt may hàng đầu của Indonesia và là một trong số nhiều doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhu cầu giảm do dòng hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Công ty gần đây sa thải 300 lao động và có kế hoạch cắt giảm thêm 100 lao động.
"Bây giờ chúng tôi phải tìm kiếm, đổi mới. Cần phải có thứ gì đó đặc biệt hơn" - Giám đốc điều hành David Leonardi của PT Sipatex Putri Lestari nói.
Sipatex cho biết vẫn tập trung vào thị trường nội địa Indonesia và thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng. Công ty có kế hoạch thay thế hơn 500 máy móc cũ vào năm 2030 để tăng hiệu quả sản xuất.

Theo thống kê, ngành hàng dệt may Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ với giá trị xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD vào năm ngoái. Nhưng Hiệp hội Dệt may Indonesia cảnh báo nhu cầu có thể giảm tới 30% sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng cao.
Ngành công nghiệp dệt may Indonesia vì thế đang khẩn trương tìm kiếm các thị trường mới.
"Đông Nam Á và các khu vực xung quanh là những khu vực có tiềm năng thị trường rất cao" - Giám đốc điều hành Hiệp hội Dệt may Indonesia Danang Girindrawardana khẳng định.
Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto dẫn đầu phái đoàn đến Washington (Mỹ) để thúc đẩy các điều khoản thương mại thuận lợi hơn.
Cạnh đó, Jakarta cũng đang đẩy nhanh hợp tác đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia - Liên minh châu Âu (EU) để tạo điều kiện tiếp cận thị trường mới và tăng cường thương mại.
Trong khi chính phủ nỗ lực mở ra thị trường mới, các nhà sản xuất Indonesia kêu gọi bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các ngành công nghiệp từ lâu phải đối mặt với tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.