(QNO) – Tính đến hết năm 2022 tổng số dự án đăng ký đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh đạt 370 dự án với tổng vốn đăng ký trên 15,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này, 22 dự án đã ngưng hoạt động. Đây là thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023 vừa diễn ra chiều 11/1.
Cụ thể, trong số 370 dự án đăng ký đầu tư vào 51 cụm công nghiệp (CCN), có 188 dự án đã thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất (tổng diện tích đất thuê 426,85 ha), tổng vốn đăng ký hơn 9.335 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện gần 6.788 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 50.240 người, tổng số lao động làm việc thực tế là 30.197 người.
Ngoài ra, còn 160 dự án đang thực hiện các thủ tục và tiến hành xây dựng với tổng diện tích đất đăng ký thuê 258 ha, tổng vốn đăng ký 5.554 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký khoảng 15 nghìn người. Dù vậy, vẫn có 22 dự án ngưng hoạt động, tổng vốn đầu tư thực hiện trên 417 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 59 CCN với tổng diện tích trên 1.678 ha (diện tích đất công nghiệp khoảng 1.223 ha). Trong đó, 53 CCN đã quy hoạch chi tiết, tổng diện tích khoảng 1.468 ha (diện tích đất công nghiệp 1.071 ha), tuy vậy 8/59 CCN đã có quyết định thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động. Ngược lại 5 CCN dù chưa thành lập nhưng đã có doanh nghiệp đầu tư.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân của 51 CCN đạt trên 70% (722,33ha/1.022,79ha), tuy nhiên nếu chỉ tính diện tích đất công nghiệp đã thu hồi giao cho doanh nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 48% (493,85ha/1.022,79ha).
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ lấp đầy thấp do công tác giải phóng mặt bằng không đạt tiến độ, kéo theo sự chậm trễ và mất cơ hội khi kêu gọi các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào sản xuất công nghiệp.
Hạ tầng kỹ thuật CCN đầu tư chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (hệ thống xử lý nước thải. vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng…).
Chưa kể, sự chồng chéo trong quản lý, vận hành, đầu tư cũng là nguyên nhân gây ra những hạn chế trong việc hoàn thiện hạ tầng CCN.
Đơn cử, tại Điện Bàn mặc dù Phòng Kinh tế được UBND thị xã giao làm cơ quan đầu mối quản lý CCN, nhưng về đầu tư hạ tầng lại do Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng thị xã thực hiện. Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Phòng Kinh tế chỉ tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung trong CCN từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Bên cạnh những kết quả trong thu hút đầu tư vào CCN, năm qua ngành công thương cũng đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng, khuyến công…
Riêng lĩnh vực công nghiệp, năm 2022 chứng kiến sự gia tăng cao với chỉ số sản xuất toàn ngành vượt 24,5% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (tăng 24,2%). Ngoài ra, một số ngành công nghiệp khác cũng có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: khai khoáng (tăng 34,7%), sản xuất đồ uống tăng (35,7%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 185%), sản xuất xe có động cơ (tăng 54%), sản xuất và phân phối điện tăng 31,5%.
Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng có sự phát triển khá mạnh, tính đến tháng 12/2022 thêm 4 công trình thuỷ điện được hoàn thành đưa vào vận hành phát điện nâng tổng số công trình được vận hành phát điện trên địa bàn tỉnh lên con số 33 công trình, tổng công suất thiết kế đạt hơn 1.586MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.650 triệu kWh.
Dự kiến, năm 2022 các nhà máy thuỷ điện cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện khoảng 7.000 triệu kWh. Cùng đó, hệ thống điện mặt trời cũng gia tăng với 1.412 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư lắp đặt, tổng công suất lắp đặt trên 164.529 kWp. Đến nay, tất cả 241 xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có điện.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, dù đạt được kết quả tích cực, nhưng nhiều hạn chế vướng mắc vẫn còn tồn tại. Hạ tầng thương mại và công nghiệp miền núi chưa được đầu tư đúng mức, các hoạt động thương mại còn manh mún, nhỏ lẻ, các cụm công nghiệp tại các huyện miền núi chưa thu hút đầu tư được nhiều dự án, tạo sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.
Nguồn vốn bố trí đầu tư cho hạ tầng công nghiệp và thương mại còn thiếu và chậm, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn nhiều bất cập. Hạ tầng thương mại bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi) tăng chậm và phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn… đòi hỏi ngành và các địa phương tiếp rà soát, tháo gỡ cũng như đề xuất các cấp ngành của tỉnh, kể cả Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh, tháo gỡ… trong thời gian tới.