Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) cũng lâm vào tình cảnh khó khăn. Thế nhưng trong gian khó, nhiều start-up xứ Quảng vẫn thể hiện tinh thần nhân văn bằng việc sẻ chia, hỗ trợ cộng đồng cũng như giúp đỡ lẫn nhau...
Tiếp sức tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ suất ăn, thực phẩm cho khu cách ly tập trung; chung tay cùng hội đồng hương hỗ trợ bà con Quảng Nam ở vùng dịch về lại quê nhà; chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nhau... là những hoạt động nổi bật của các start-up Quảng Nam trong đại dịch Covid-19.
Hướng về cộng đồng
“Sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ với cộng đồng trong khó khăn là truyền thống văn hóa tốt đẹp. Với cộng đồng khởi nghiệp xứ Quảng, dù gặp vô vàn trở ngại, thậm chí ngưng phát triển sản phẩm, nhưng mọi người đã biết hỗ trợ, giúp nhau vượt qua khó khăn, cùng đồng tâm, chung tay hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19. Đó là hình ảnh nhiều cảm xúc và đáng trân trọng. Chúng tôi luôn đề cao và kêu gọi các start-up hướng đến cộng đồng nhằm tạo lập văn hóa doanh nhân trong cộng đồng khởi nghiệp của quê hương “ơn trọng nghĩa dày”.
(Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam)
Cũng như nhiều start-up khác, dịch bệnh Covid-19 khiến cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột của bà Lê Thị Hương (Vĩnh Điện, Điện Bàn) gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, 2 năm nay, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đợt nào bà Lê Thị Hương cũng chung sức chia sẻ với người dân vùng dịch và tuyến đầu phòng chống dịch.
Riêng đợt dịch này, cơ sở Hương Bột thực hiện chương trình “nồi nước yêu thương” bằng việc nấu 1.000 chai nước chanh sả, trà bí đao hạt chia, trà xanh... hỗ trợ các chốt kiểm soát và các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, bà Hương vẫn duy trì hỗ trợ học phí hằng tháng cho học sinh nghèo, hay khi nghe tin có hoàn cảnh khó khăn nào cần hỗ trợ là bà góp sức.
Ông Phạm Phú Hiển - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Tam Kỳ cho biết, thực hiện chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19”, thể hiện trách nhiệm của start-up thành phố với xã hội, mới đây, hội đã huy động hội viên đóng góp gần 20 triệu đồng và một số vật tư y tế, thức uống. Số tiền này hội mua quà tặng các khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp Tam Kỳ cũng gửi tấm lòng đến cộng đồng bằng cách tự tay chuẩn bị từng suất ăn gửi đến các khu cách ly tập trung, như lời chia sẻ của các chị: “Được trao đi những yêu thương là một điều may mắn, hạnh phúc trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.
Cùng suy nghĩ đó, bà Nguyễn Thị Hiền (HTX sản xuất nước mắm Cửa Khe - Hai Hiền (Bình Dương, Thăng Bình) tâm niệm, trong lúc khó khăn do dịch bệnh mà vẫn có nguồn thu nhập, dù có giảm sút nhưng đã là quá may mắn. Do vậy, việc chia sẻ một phần khó khăn với người dân đang lâm vào tình cảnh ngặt nghèo do dịch bệnh là việc cần làm.
Ngoài hỗ trợ nước mắm, đồng hành với “chuyến xe 0 đồng” TP.Đà Nẵng hỗ trợ bà con vùng dịch, HTX nước mắm Hai Hiền còn tổ chức nấu ăn trọn một ngày (3 bữa sáng, trưa, tối) gửi đến đồng hương Quảng Nam về quê ở khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Hỗ trợ lẫn nhau
Ông Phạm Khắc Thịnh - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo thị xă Điện Bàn cho biết, nhiều start-up còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm. Trong lúc khó khăn này, các start-up hỗ trợ nhau bằng nhiều cách, từ bán chéo sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm đến chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tư vấn pháp lý để cùng nhau vượt khó.
Theo ông Thịnh, xác suất start-up thành công không nhiều, trong lúc dịch giã này, anh em dễ nản lòng nên quan trọng là động viên nhau giữ vững tinh thần trong mùa dịch. Đây là lúc có thể tranh thủ nghiên cứu, tìm hướng đi mới, nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hoặc chuyển đổi sản phẩm phù hợp để đưa ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ kinh nghiệm, nghề sản xuất nước mắm khó mai một vì đây là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình. Tất nhiên, doanh nghiệp phát triển hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là cái tâm với nghề, cái tâm của người sản xuất. Nhất là trong lúc này, không lợi dụng dịch bệnh, cơ hội, tham lợi nhuận để nâng giá bán mà phải giữ giá cả ổn định, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm giá bán để chia sẻ với cộng đồng.
Bà Bùi Thị Nhung - chủ cơ sở sản xuất nhàu Best One kể về chuyện khởi nghiệp trong mùa dịch: “Sản phẩm nhàu Best One ra đời đúng đợt dịch đầu tiên ập đến. Tôi hẹn lại giấc mơ đưa sản phẩm phục vụ khách du lịch, xuất khẩu. Coi như tôi chưa tiến mà đã lùi một bước. Nhưng mà lùi để nhìn nhận lại vấn đề và chọn bước đi tiếp theo cho mình và tôi chọn phương án hoàn thiện”.
Bà Nhung bắt đầu nghĩ đến vườn nguyên liệu, từ tìm hiểu, kiểm nghiệm thổ nhưỡng phù hợp với cây nhàu đến đặt hàng người trồng nguyên liệu. Và dù dịch giã, sản phẩm không tiêu thụ được nhiều nhưng bà vẫn có trách nhiệm mua nguyên liệu. Gác lại giấc mơ xuất khẩu, bà Nhung lan tỏa sản phẩm từ cây nhàu đến với người tiêu dùng trong nước.
Và đợt dịch này, cơ sở nhàu Best One vẫn sản xuất và chế biến, dù hàng xuất bán không tấp nập như trước. Nhiều người khuyên chuyển sang sản xuất các mặt hàng thiết yếu để dễ tiêu thụ nhưng bà Nhung vẫn trung thành với cây nhàu.
“Mỗi khi gặp khó khăn, tôi hay chọn cách lùi lại một bước để có cái nhìn tổng quan, nhìn lại sản phẩm, thương hiệu của mình, tìm xem chỗ nào chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm và chăm sóc khách hàng tốt hơn” - bà Nhung chia sẻ.