Doanh nghiệp là đối tác của chính quyền

TRỊNH DŨNG 26/06/2015 09:11

Nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xác định doanh nghiệp là đối tác của chính quyền… là những giải pháp cụ thể của Quảng Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Nhiều chỉ số giảm điểm sâu

Báo cáo tại hội nghị phân tích chỉ số PCI, do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì sáng qua 25.6 cho thấy, kết quả thăng hạng (59,97 điểm, xếp vị thứ 14, tăng 13 bậc so với vị thứ 27 của năm 2013, hạng khá) hay sự tăng, giảm điểm (50/50) của 10 chỉ số thành phần PCI năm 2014 là nỗ lực rất lớn của Quảng Nam trong thời gian qua. Các giải pháp nhằm hiện thực hóa những nghị quyết, quy định, chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư hay “một cửa liên thông”, đối thoại doanh nghiệp thường kỳ đã bắt đầu phát huy hiệu lực khi 5 chỉ số tăng điểm (gia nhập thị trường, tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý). Song 5 chỉ số giảm điểm (tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng), vốn đã từng đạt điểm số cao các năm trước lại bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự vận hành cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư vẫn còn nhiều điều vướng mắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại hội nghị phân tích PCI ngày 25.6.2015. Ảnh: T.D
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại hội nghị phân tích PCI ngày 25.6.2015. Ảnh: T.D

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, kết quả điều tra cho thấy vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp chính là sự tiếp cận đất đai khó khăn và rủi ro trong sử dụng đất gia tăng. Doanh nghiệp lo ngại khi bị thu hồi đất sẽ không được bồi thường thỏa đáng và việc thay đổi khung giá đất không phù hợp với sự thay đổi của giá thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định, quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai không đúng với nội dung được niêm yết, hoặc văn bản quy định, cán bộ nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và doanh nghiệp phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng rất khó khăn khi mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Biểu hiện cụ thể chính ở thủ tục hành chính thuê, mua đất đai phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm, giá đất thuê mặt bằng kinh doanh trên thị trường cao, quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp, thiếu quỹ đất sạch và giá đất theo quy định nhà nước tăng quá nhanh. Cũng theo kết quả cuộc điều tra này, chi phí thời gian, chi phí không chính thức gia tăng, 36% doanh nghiệp cho rằng họ phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật và ngày có xu hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cán bộ nhà nước giải quyết công việc ít hiệu quả, ít thân thiện, tốn quá nhiều thời gian đi lại để lấy dấu, chữ ký…; 58% doanh nghiệp nói, thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, khoản 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Tuy nhiên, mặc dù đã phải bỏ ra chi phí không đáng có này, nhưng doanh nghiệp thừa nhận chỉ đạt 50% kết quả mong đợi. Tệ hơn là “căn bệnh” này có xu hướng phổ biến và tăng quy mô. Môi trường cạnh tranh bình đẳng hiện cũng đáng để lo ngại.

Doanh nghiệp tư nhân cho rằng chính quyền ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, FDI trong việc ưu tiên giải quyết khó khăn, thuận lợi tiếp cận đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính và dễ dàng có được các hợp đồng… Sự suy giảm này, tồn tại nằm ở chính năng lực điều hành của địa phương. Khoảng 77% doanh nghiệp công nhận có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở sở, ngành và 63% doanh nghiệp thừa nhận lãnh đạo tỉnh có những chủ trương đúng đắn, nhưng lại không được thực hiện tốt ở cấp huyện!

Tự soi mình để thay đổi

Theo ông Đậu Anh Tuấn, giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân xếp hạng. Nhưng nó được xem là tấm giấy chứng nhận về năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, bởi khá nhiều nhà đầu tư đã tham khảo, xác định chỉ số PCI để cân nhắc, chọn lựa đầu tư trước những địa phương có điều kiện giống nhau. PCI tụt hạng hay thăng hạng là thứ yếu, quan trọng là phải xem xét các chỉ số thành phần có được cải thiện, cải thiện như thế nào để đưa ra những biện pháp cụ thể để cải thiện. Ông Tuấn cho rằng Quảng Nam cần cải cách thuế, đất đai, cán bộ, quan tâm hơn tới khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghiệp, chế tạo, nông lâm thủy sản và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Hầu hết doanh nghiệp, cơ quan quản lý tham dự hội nghị phân tích chỉ số PCI năm 2014 ngày 25.6 đều muốn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, cải thiện một cửa liên thông và công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư; tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì cơ chế đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tâm – Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói, chính quyền đã tạo dựng môi trường đầu tư tốt, giải quyết cụ thể những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Nhưng cái khó không gặp ở lãnh đạo tỉnh mà chính ở chuyên viên. Doanh nghiệp khó khăn, không rõ mới tìm tới cơ quan công quyền hỗ trợ, giải đáp những việc cụ thể về chính sách hay cơ chế thì chỉ nhận chính văn bản mà họ đã không biết đâu lần thì cũng bằng không. Ông Phạm Ngọc Đào – Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai cho hay mặc dù đã có kết luận của UBND tỉnh về việc ưu đãi tiền thuê đất, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chuyện điều chỉnh này kéo dài rất lâu, không thể giải quyết được. Doanh nghiệp rất cần sự thay đổi, rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm cụ thể của các cơ quan công quyền.

Trong một góc nhìn khác, ông Đoàn Ngọc Minh – Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT) cho hay, tất cả chỉ số PCI được phân tích đã phản ánh trung thực với hiện trạng doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Đó là chưa kể cách xử lý công việc giữa các cơ quan quản lý cũng gặp quá nhiều khúc mắc. Ông Minh đơn cử khi chuyển Nghị định 210 (khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) cho các sở, ngành liên quan thẩm tra, lẽ ra chỉ 5 ngày (theo quy định) là hoàn tất, nhưng 1 tháng sau, cơ quan này vẫn không thể nhận được phản hồi. Các sở với nhau đã khó đến như thế huống hồ gì kiến nghị hay văn bản của doanh nghiệp lại không tốn quá nhiều thời gian.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, chính quyền băn khoăn trước những chỉ số bị tụt hạng. Tại sao những chỉ đạo, cải cách của lãnh đạo tỉnh lại bị tắc dưới địa phương nhiều năm vẫn chưa được cải thiện? Những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp tỉnh soi mình, năng động hơn để thay đổi và cải thiện môi trường đầu tư. Những tồn tại sẽ được mổ xẻ, phân tích, thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Doanh nghiệp chính là đối tác của chính quyền, không phải là đối tượng quản lý. Sẽ không để doanh nghiệp đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác. Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI lọt vào tốp 10, soi lại mình, nâng cao chất lượng điều hành vì Quảng Nam phát triển là mục tiêu hàng đầu để cải thiện hình ảnh địa phương. Sắp tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục ban hành chỉ thị về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI để cùng doanh nghiệp thực hiện. Đây là điểm chứng minh rằng chính quyền tỉnh luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt và khó khăn này.

Ông Trịnh Minh Vân – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH&ĐT) cho rằng cam kết của các cơ quan quản lý khi cử những cán bộ chuyên môn cao, tâm huyết để giải quyết các thủ tục đầu tư, hành chính hay thực hiện đúng như chỉ thị cải thiện đầu tư sắp được ban hành, điểm nghẽn các điểm số sẽ được gỡ bỏ và không có lý do gì năng lực cạnh tranh của Quảng Nam không gia tăng. Tuy nhiên, để đạt đến sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hoàn hảo, không chỉ từ phía lãnh đạo mà cần sự năng động của cả hệ thống cơ quan công quyền. Cải thiện sẽ phải song hành từ hai phía. Cải thiện chỉ số PCI không của riêng ai mà cả cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư là những nhân tố tích cực. Chính quyền cần xem xét và hài hòa lợi ích giữa dân – nhà đầu tư – nhà nước, xem lại hiệu lực hành chính từ tỉnh đã giảm dần xuống cơ sở. Còn doanh nghiệp cần phải nắm vững, cập nhật chính sách thường xuyên. Giải quyết được điều này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy lãnh đạo, quản lý và tư duy quản trị của doanh nghiệp và của cơ quan công quyền.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp là đối tác của chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO