Doanh nghiệp nhà nước tự xây dựng thang bảng lương: "Gọt chân cho vừa giày"

DIỄM LỆ 13/01/2016 08:45

Từ 1.1.2016, tất cả doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước và DN cổ phần có vốn nhà nước (gọi chung là DN nhà nước) phải tự xây dựng thang bảng lương theo quy định mới.

Hài hòa lợi ích

Trước ngày 31.12.2015, các DN nhà nước áp dụng hệ thống thang bảng lương theo Nghị định 205 (năm 2004), với khởi điểm của bậc chuyên viên ở mức 2,34 như lương của các cơ quan nhà nước. Với cách tính này, khoảng cách bậc lương tương đối cao, với mức tăng hơn 30% mỗi bậc. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị định 205, những bất cập dần được nhận ra như cách tính này mang tính bình quân chủ nghĩa, đặc biệt là trong DN nhà nước; những người có bằng đại học được tính thang bảng lương như nhau, dù người đó có năng động, giỏi và tháo vát hơn cũng vậy, nên không thu hút, khuyến khích nhân tài. Đối với lãnh đạo DN thì bị khống chế ở hai bậc 1 và 2 nên không thể tăng cao hơn dù có cống hiến lâu năm.

Từ 1.1.2016, các DN nhà nước phải tự xây dựng thang bảng lương để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động. Ảnh: D.L
Từ 1.1.2016, các DN nhà nước phải tự xây dựng thang bảng lương để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động. Ảnh: D.L

Để đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49 vào ngày 10.5.2013, quy định tất cả loại hình DN tự xây dựng thang bảng lương kể từ ngày 1.7.2013. Tuy nhiên, đối với loại hình DN nhà nước thì Nghị định 49 “cho” chờ hướng dẫn, nên DN thuộc các loại hình này vẫn sử dụng thang bảng lương cũ. Mãi đến 2 năm sau, Thông tư 17 mới ra đời hướng dẫn áp dụng Nghị định 49 cho DN nhà nước, nên từ 1.1.2016 các DN này phải tự xây dựng thang bảng lương. Theo ông Trần Quốc Quân - Phó Trưởng phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH), DN nhà nước tự xây dựng thang bảng lương phải đảm bảo theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa DN và người lao động. Ông Quân phân tích, khi xây dựng thang bảng lương, DN phải đảm bảo mức lương vị trí công việc đơn giản nhất là trong điều kiện làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Công việc giản đơn nhất ở đây là nhân viên phục vụ, trước tính theo Nghị định 205 thì chỉ ở hệ số 1,0 nhân cho mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng, nhưng bây giờ thấp nhất phải là 2,7 triệu đồng/tháng ở vùng III, 2,4 triệu đồng/tháng ở vùng IV. Người làm công việc nặng nhọc độc hại thì nhân thêm 5%, và khoảng cách giữa 2 bậc lương thấp nhất là 5%, người có hệ số lương trung bình cao hơn người có hệ số lương thấp nhất trong DN từ 1,5 đến 2,34 lần. Các chức danh trong DN có thể tự xây dựng thang bảng lương riêng tùy theo điều kiện của DN, được đăng ký với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã.

Quảng Nam hiện còn 5 đơn vị có 100% vốn nhà nước là Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai. Trong đó, Công ty Nông lâm nghiệp Quyết Thắng và Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai đã có quyết định cổ phần hóa trong năm 2015 nhưng chưa thực hiện kịp, do đó Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn 2 đơn vị này trước mắt nên điều chỉnh mức lương thấp nhất đối với các vị trí công việc phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Sau khi cổ phần hóa thì thang bảng lương sẽ do DN tự xây dựng để thực hiện.

Văn bản “đá” nhau

Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam đã xây dựng thang bảng lương để trình chủ sở hữu là UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Theo Sở LĐ-TB&XH, qua 2 thang bảng lương đã được các đơn vị xây dựng, cho thấy việc tự xây dựng thang bảng lương trong DN nhà nước rất có lợi cho người lao động, với mức lương khởi điểm rất cao, gấp nhiều lần mức lương tối thiểu vùng, lương của cấp quản lý cao gấp đôi lúc trước. Tuy nhiên, trong thực tế, tại Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Nam, khi xây dựng thang bảng lương mới lại xuất hiện một nghịch lý khi áp theo Văn bản 8333 ngày 24.6.2014 của Bộ Tài chính. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng Tổ chức - hành chính Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Nam cho biết: “Văn bản 8333 của Bộ Tài chính hướng dẫn DN xổ số kiến thiết loại trừ chênh lệch trả thưởng để xây dựng quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và viên chức quản lý chuyên trách. Khi đưa văn bản này vào áp dụng thực tế lại bất lợi cho người lao động vì kéo theo quỹ tiền lương giảm. Như năm 2015, công ty doanh thu tăng 1,4 lần, lao động giữ nguyên là 60 người, chi phí quản lý giảm, nghĩa là năng suất lao động tăng hơn thì tiền lương của người lao động cũng tăng hơn năm trước. Nhưng khi áp dụng theo công thức tính của Văn bản 8333 thì năng suất lao động bị giảm gần 31%, kéo theo tiền lương bình quân của người lao động giảm từ dưới 14 triệu đồng năm 2014 xuống còn 9 triệu đồng năm 2015”.

Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, hiện có 360 lao động, việc xây dựng thang bảng lương như một bài toán thách đố vô cùng khó khăn cho DN. Bởi, khi xây dựng thang bảng lương, DN phải thực hiện theo cả Thông tư 17 (tháng 4.2015) và Thông tư 26 (tháng 7.2015) cùng do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Ở Thông tư 26, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một thang bảng lương với công thức tính gần giống với thang lương của Nghị định 205, tức dùng để có nguồn trả lương cho người lao động (đầu vào). Còn ở Thông tư 17 lại giao DN tự xây dựng thang bảng lương trên cơ sở cân đối tài chính, tức dùng trả lương cho người lao động (đầu ra). Bà Huỳnh Thị Tuyến - Trưởng phòng Tài chính, Kế toán trưởng Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết: “Nếu đầu vào với đầu ra thuận thì không hề khó, nhưng ở đây lại “đá nhau” từ tính hệ số lương đến xây dựng thang bảng lương. Bởi đầu vào được ấn định bằng công thức, được giao trọn một gói, nhưng đầu ra thì DN tự xây dựng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Như thế nếu xây dựng thang lương theo đầu ra thì DN không đủ tiền trả lương cho người lao động, nên bắt buộc phải xây dựng theo đầu vào, từ đó tìm ra hệ số sao cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Vì thế mà nhìn trên thang bảng lương của DN sẽ thấy giống như thang lương theo Nghị định 205 cũ, mức lương bình quân của người lao động thấp hơn so với các DN khác trong khu vực”. Bà Tuyến ví von việc xây dựng thang bảng lương của công ty lúc này giống kiểu “gọt chân cho vừa giày”, bởi tính đúng tính đủ theo Thông tư 17 thì DN “bể”, nên phải tự cân đối bằng mọi cách, vừa phải đủ tiền trả lương vừa phải đảm bảo thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Thêm nữa, Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam lại nằm trong phạm vi thực hiện của Thông tư 18/2013 của Bộ LĐ-TB&XH, mà Thông tư 18 tự thân nó cũng “đá” Thông tư 26, tức là 2 “đầu vào” với 2 cách tính mâu thuẫn nhau hoàn toàn. Vì thế, bà Tuyến cho biết, đúng ra từ tháng 10.2015 đã xây dựng được kế hoạch lương năm 2016, nhưng vì văn bản chồng lấn, “đá” nhau, gây khó cho DN nên vẫn chưa làm được kế hoạch lương.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp nhà nước tự xây dựng thang bảng lương: "Gọt chân cho vừa giày"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO