Đưa công nghệ điều khiển và tự động hóa vào sản xuất kinh doanh là một trong những mục tiêu của nhiều doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
Đầu tư công nghệ tự động hóa
Những năm gần đây, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN trong và ngoài nước, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo bà Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Đại Dương Kính (gọi tắt Công ty Đại Dương Kính), tự động hóa đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu và là yếu tố sống còn của DN. Để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, công ty đã mạnh dạn đầu tư, trang bị máy móc hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Dù nguồn vốn đầu tư cho công nghệ tự động hóa không nhỏ, nhưng Công ty Đại Dương Kính vẫn mạnh dạn ứng dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại của Italia, Phần Lan, cũng như nhập khẩu nhiều linh kiện theo tiêu chuẩn châu Âu để đa dạng hóa sản phẩm kính. Vì vậy, các sản phẩm như xuất kính cường lực, kính phản quang, kính phủ na nô… do công ty sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, sau hơn 22 năm đi vào sản xuất, Công ty Đại Dương Kính đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, thị trường tiêu thụ mở rộng sang một số nước như Mỹ, Úc, Canada, Đức…
Là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam, có tiềm lực mạnh và đầu tư sản xuất với quy mô lớn, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là một trong những DN đã chủ động xây dựng chiến lược bài bản để tiếp tục phát triển bền vững. Theo ông Phan Văn Tài - Tổng Giám đốc Thaco, công nghệ tự động hóa đóng vai trò then chốt, là xương sống cho DN phát triển. Hiện nay, tại Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải có 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô và 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ. Trong tổng số 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô đều áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền tự động toàn nhà máy. Nhờ vậy, sau 15 năm đi vào sản xuất, Thaco không chỉ nâng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô con, ô tô tải lên để hưởng thuế ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước thuộc khối ASEAN mà DN này cũng đã xuất khẩu linh kiện với doanh thu 8 triệu USD trong năm 2018 và kế hoạch năm 2019 đạt 20 triệu USD...
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế, thì việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và từng bước chuyển giao công nghệ. Đến nay, Quảng Nam đã thu hút 169 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD. Nhiều dự án có quy mô lớn, được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình như nhà máy sản xuất thiết bị và công cụ sản xuất cho ngành dệt may của Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam (Đức); nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Hàn Quốc); nhà máy bia Quảng Nam của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Quảng Nam… Tuy nhiên, tỷ lệ DN trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng cung ứng sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khá khiên tốn.
Hỗ trợ DN vừa và nhỏ
Trong bối cảnh công nghệ toàn cầu phát triển với tốc độ nhanh, thì phần lớn DN vừa và nhỏ (DNVVN) ở Quảng Nam được đánh giá là chưa bắt kịp với xu thế mới, vẫn còn loay hoay với bài toán huy động vốn để thay đổi các thiết bị máy móc công nghệ đang lỗi thời, lạc hậu. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7.500 DN đang hoạt động, trong đó DNVVN chiếm đến 97%. Phần lớn, các DNVVN sử dụng quy trình công nghệ đã lạc hậu, trình độ quản lý thấp, lao động hầu hết là thủ công chưa qua đào tạo, được xem là “điểm nghẽn” cho sự phát triển của DN. Công nghệ lạc hậu sẽ dẫn đến hệ lụy là năng suất lao động thấp, chi phí nhiên vật liệu cao, chất lượng sản phẩm kém, khó đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hơn lúc nào hết, việc đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các DNVVN trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, từ năm 2012 đến nay, Sở KH&CN đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các DNVVN trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay đã hỗ trợ gần 100 DN tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, phương pháp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng và đầu tư thiết bị chuyển giao công nghệ… Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNVVN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNVVN; tạo môi trường đầu tư và hỗ trợ cho các DN đổi mới công nghệ, tiếp cận vốn tín dụng; mở rộng mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt hỗ trợ cho các DNVVN tham gia khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường liên kết ngành, tạo ra chuỗi giá trị... nhằm từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất phát triển trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, cùng với việc đổi mới các cơ chế chính sách, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ tập trung khuyến khích các công ty đủ mạnh để liên doanh, liên kết, hợp tác với các đối tác, các DN FDI có công nghệ phù hợp nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.