Dự báo năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Quảng Nam vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân và người lao động.
Tín hiệu lạc quan
Sáng nay 1/2, Công ty TNHH MTV May thêu Mạnh Tiến Quảng Nam (Cụm công nghiệp Thương Tín, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) làm lễ ra quân đầu năm với khí thế mới khi các đơn hàng đã được ký kết thành công với đối tác nước ngoài, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đến hết quý II/2023. Đây được xem là tín hiệu tích cực đầu năm nếu so với trước đây khi các hợp đồng thường ký gối đầu 3 - 4 tháng.
Công ty Mạnh Tiến chuyên thực hiện gia công các sản phẩm về thời trang may mặc, khách hàng đa phần đến từ thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang (Quản trị nhân sự, Công ty TNHH MTV May thêu Mạnh Tiến Quảng Nam), tuy số lượng đơn hàng 6 tháng đầu năm nhiều hơn thời điểm cuối năm 2022, ngược lại đơn giá vẫn không tăng. Dù vậy, năm nay đơn vị vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 30% và nâng mức thu nhập bình quân của mỗi công nhân lên 8 triệu đồng/tháng.
Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức tuyển dụng thêm khoảng 65 công nhân lành nghề và các lao động phụ trợ, đưa tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp lên hơn 200 người nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất, cung ứng hàng hóa đúng tiến độ hợp đồng.
Từ cuối năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng dệt may, da giày, điện tử xuất khẩu… gặp không ít khó khăn, thách thức do kinh tế châu Âu ảm đạm.
Dự báo, tình hình chưa thể sáng sủa hơn trong năm 2023 khi thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường. Dù vậy, tại Quảng Nam, qua tìm hiểu một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, cho thấy tín hiệu khá tích cực, hầu hết đều có đơn hàng sản xuất, chí ít 6 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) khẳng định, hiện tại đơn vị đảm bảo đủ hàng hóa cho công nhân làm đến nửa năm 2023.
“Với các doanh nghiệp khác không rõ thế nào, nhưng với Việt Vương chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để có đơn hàng cho công nhân làm. Nhìn chung hoạt động sản xuất những tháng đầu năm của Việt Vương khá ổn định nên nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề hiện nay của công ty cũng rất cao, hầu như không giới hạn số lượng để đáp ứng yêu cầu sản xuất” - ông Phương nói.
Công ty Việt Vương chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đến nay đơn vị đã ký hợp đồng đơn hàng đến tháng 7, số lượng tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Thận trọng...
Đến ngày 31/1, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc bình thường. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc sản xuất từ mùng 6 tháng Giêng để kịp đơn hàng giao cho đối tác.
Tại Công ty CP Thiết bị y tế Danameco (Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, Điện Bàn), đơn vị chuyên sản xuất trang bị, áo quần, vật tư y tế… hiện tại đơn hàng đã đảm bảo sản xuất đến hết tháng 6, bao gồm trong nước và xuất khẩu, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, năm nay, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp chiếm khoảng 70% năng lực sản xuất của nhà máy, thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Úc.
Ông Văn Đức Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Danameco cho biết, đơn vị đang có kế hoạch mở rộng nhà máy và tuyển thêm khoảng 500 công nhân để tiếp nhận các đơn hàng các đối tác nước ngoài, qua đó nâng tổng số công nhân nhà máy lên khoảng 1.000 người; đồng thời, đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 so với năm 2022 khoảng 25%.
Dù đảm bảo đơn hàng đến hết quý II, nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Quảng Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Những ngày đầu năm, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những đơn hàng mới cho những tháng còn lại của năm.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương thừa nhận, mặc dù giá cả đơn hàng năm nay khá cạnh tranh nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng thương lượng nhằm đảm bảo duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động, đây được xem là mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Văn Hòa - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhất Hưng Hiệp Đức (Cụm công nghiệp Tân An, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức), dự kiến phải qua rằm tháng Giêng nhà máy mới sản xuất trở lại do người dân chưa vào rừng khai thác keo. Công ty TNHH Nhất Hưng Hiệp Đức vận hành nhà máy băm dăm gỗ nguyên liệu, công suất thiết kế mỗi năm khoảng 70 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu Trung Quốc, Nhật, Indonesia…
Ông Lê Văn Hòa dự báo, năm nay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ chưa hết khó khăn, thậm chí có thể phải giảm khoảng 30% công suất do giá dăm xuất khẩu thấp và sản lượng nguyên liệu đầu vào khan hiếm. “Công ty không dám ký hợp đồng với đối tác phần vì giá đơn hàng thấp, phần sợ không đủ nguồn nguyên liệu sản xuất cho đối tác dẫn đến dễ vi phạm hợp đồng” - ông Hòa chia sẻ.
Vùng nguyên liệu của Công ty Nhất Hưng Hiệp Đức chủ yếu thu mua tại các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Quế Sơn nhưng luôn trong tình trạng cạnh tranh với các đối thủ khác nên nguồn nguyên liệu đầu vào luôn là vấn đề nan giải của doanh nghiệp.